Tăng giáo dục để ngừa tội phạm học đường

Minh Quân 14:59, 01/11/2023

Thời gian qua, tình trạng tội phạm học đường trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có chiều hướng gia tăng. Tuy không phải những băng nhóm tội phạm có tổ chức, chủ yếu là do đua đòi, muốn thể hiện bản thân và bộc phát giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực, nhưng loại tội phạm này nếu không được kiểm soát, ngăn chặn sớm thì sẽ gây hậu quả khôn lường. Theo các chuyên gia, cần tăng cường các biện pháp quản lý, giáo dục từ sớm đối với học sinh, trong đó nhà trường và gia đình đóng vai trò quan trọng.

17 đối tượng thanh, thiếu niên liên quan đến vụ án “Gây rối trật tự công cộng” xảy ra ngày 24/9/2023 trên địa bàn TP. Thái Nguyên.
17 đối tượng thanh, thiếu niên liên quan đến vụ án “Gây rối trật tự công cộng” xảy ra ngày 24/9/2023 trên địa bàn TP. Thái Nguyên.

Theo thống kê mới nhất, từ đầu năm đến nay, Công an tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo điều tra, xử lý 85 vụ với 214 đối tượng phạm pháp là học sinh, sinh viên. Trong đó, đáng chú ý có 11 vụ gây rối trật tự công cộng, 24 vụ cố ý gây thương tích và 11 vụ trộm cắp tài sản.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng gia tăng tội phạm học đường là do các biện pháp quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên còn nhiều sơ hở, thiếu sót; cấp uỷ, chính quyền, tổ chức đoàn thể ở cơ sở và gia đình, nhà trường chưa quan tâm đúng mức...

Thời gian qua, báo chí Thái Nguyên nhắc nhiều đến các vụ án do đối tượng tuổi học đường gây ra. Điển hình như vụ cướp tài sản xảy ra vào trung tuần tháng 2/2023 tại TP. Sông Công. Trong số 4 đối tượng bị bắt có Đào Đức M. ở xã Điềm Thuỵ (Phú Bình), chưa đủ 16 tuổi.

Cũng trong năm 2023, lực lượng chức năng đã khởi tố vụ trộm cắp tài sản với trị giá khoảng 500 triệu đồng đối với 2 trường hợp là Nguyễn Tiến H., sinh năm 2009 và Nguyễn Anh T., sinh năm 2007 cùng trú tại TP. Sông Công. Để có tiền tiêu sài, các đối tượng này đã lấy trộm 17 chiếc điện thoại di động của người thân...

Các chuyên gia cho rằng, cần phải đẩy mạnh quản lý, giáo dục trẻ nhỏ từ sớm, nhất là từ khi bắt đầu ngồi trên ghế nhà trường. Điều này đòi hỏi các cơ sở giáo dục phải gắn kết chặt chẽ với gia đình và xã hội. Phụ huynh học sinh cần thường xuyên quan tâm tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống cho các em.

Các nhà trường cần xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn, không có bạo lực học đường, tệ nạn xã hội; tạo môi trường thân thiện để học sinh, sinh viên rèn luyện.

Cùng với đó là đẩy mạnh phòng, chống ma tuý, bạo lực và tạo điều kiện để các em tham gia nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao. Ngoài ra cần phối hợp để tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề, hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên, nhất là các em sinh sống ở địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự...

Các cơ sở giáo dục phải có trách nhiệm xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn, không có bạo lực và tệ nạn xã hội; tiếp tục thực hiện nghiêm việc trao đổi thông tin với phụ huynh và có các biện pháp tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên.

Mặc dù tập trung vào các biện pháp giáo dục là chính, nhưng cũng cần xử lý nghiêm những trường hợp phạm pháp để răn đe, cảnh tỉnh.

Lực lượng chức năng tăng cường điều tra làm rõ các vụ việc phạm tội, vi phạm pháp luật do học sinh, sinh viên gây ra, nhất là những đối tượng sử dụng trái phép các chất ma túy, đối tượng hoạt động có tổ chức, phạm tội cướp, cướp giật, cưỡng đoạt, trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng; kịp thời phát hiện, ngăn chặn các đối tượng mới manh nha hoạt động, không để nảy sinh tội phạm manh động, lộng hành, sử dụng vũ khí gây phức tạp về an ninh trật tự. Đặc biệt là có biện pháp cảm hóa, giáo dục các đối tượng phạm pháp là học sinh, sinh viên…