Ghi bên cầu Mường Thanh

Xuân Anh 08:34, 25/04/2024

Chúng tôi có mặt tại cầu Mường Thanh giữa buổi trưa tháng Tư đầy nắng. Cây cầu là đường vận chuyển nguyên vật liệu, đạn dược, dây thép gai... phục vụ cho việc xây dựng các cứ điểm phòng ngự ở khu vực phía Đông của Tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương. Nhưng có lẽ người Pháp không ngờ chính cây cầu này, chiều 7/5/1954 đã đón những bước chân bộ đội ta xông vào hầm chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp, bắt sống tướng Đờ Cát…

Quân ta vượt cầu Mường Thanh tiến vào trung tâm Điện Biên Phủ. Ảnh T.L
Quân ta vượt cầu Mường Thanh tiến vào trung tâm Điện Biên Phủ. Ảnh T.L

Từ di tích hầm Đờ Cát, đi ngược lên một đoạn, cầu Mường Thanh bắc qua sông Nậm Rốm hiện ra trước mắt chúng tôi. Ngay phía đầu cầu là tấm bia lấp lánh trang sử vàng của dân tộc với những dòng chữ nổi bật: Vào lúc 14 giờ ngày 7/5/1954, Đại đội 360 Tiểu đoàn 130 Trung đoàn 209 Đại đoàn 312 vượt cầu Mường Thanh tiến công tiêu diệt ổ trọng liên 4 nòng của quân Pháp, đánh thẳng vào Sở Chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (PC.GONO).

Cây cầu lịch sử còn đây, nguyên vẹn như ngày quân đội Pháp xây dựng, nhưng nó không còn phải mang nặng trên mình đạn dược, dây thép gai như xưa. Chậm từng bước chân qua cầu, chúng tôi nghe tiếng của ngày xưa vọng về: Ngày 20/11/1953, thực dân Pháp chọn Điện Biên Phủ để xây dựng tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương với 49 cứ điểm, chia thành 3 phân khu. Để thuận tiện cho quá trình di chuyển, quân Pháp cho xây dựng một cây cầu sắt bắc qua dòng sông Nậm Rốm và gọi đó là cầu “Prenley” - là đường vận chuyển thực phẩm, nguyên vật liệu, đạn dược, dây thép gai... phục vụ cho việc xây dựng các cứ điểm phòng ngự ở khu vực phía Đông. Đây là cây cầu dã chiến được làm sẵn và vận chuyển từ Pháp sang, lắp ghép tại Điện Biên Phủ. Cầu dài 40m, rộng 5m, hai bên thành cầu là những thanh sắt chống đỡ đơn giản không có trục giữa, sàn cầu lát bằng gỗ, dưới là những thanh dầm bằng sắt được liên kết với nhau rất chắc chắn đảm bảo trọng tải từ 15-18 tấn. Pháp bố trí các cứ điểm: 507, 508 và 509 với nhiệm vụ bảo vệ cây cầu, chi viện cho các cao điểm phía Đông và Đông Bắc tập đoàn cứ điểm, bảo vệ Sở chỉ huy PC. GONO. Ngay đầu cầu phía Tây, quân Pháp bố trí 2 khẩu trọng liên 4 nòng. Với cách bố trí này, tướng Đờ Cát hy vọng giữ vững cây cầu, giữ vững cửa ngõ tiếp viện cho các cụm cao điểm phía Đông và Đông Bắc tập đoàn cứ điểm… Nhưng, có lẽ người Pháp không ngờ, cây cầu dã chiến bắc qua sông Nậm Rốm lại trở thành phương tiện đưa đường cho bộ đội ta tiến công, cắm lá cờ Quyết chiến Quyết thắng lên nóc hầm tướng Ðờ Cát.

Bước chân chúng tôi dừng lại giữa cầu bởi gặp đoàn cựu chiến binh xã Hữu Bằng - Thất, TP. Hà Nội thăm lại chiến trường xưa. Ngực lấp lánh huy chương, tay nắm chặt thành cầu, chiến sĩ Điện Biên Trần Công Bính chìm vào quá khứ: Để có được khoảnh khắc Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật cùng các chiến sĩ trong tổ xung kích vượt qua cầu Mường Thanh tiến thẳng vào Sở Chỉ huy địch, bắt sống tướng Đờ Cát cùng toàn bộ Ban tham mưu của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ biết bao đồng đội tôi đã hy sinh. Cầu còn đây mà đồng đội tôi đi mãi, các anh không được chứng kiến giây phút toàn thắng, chứ đừng nói đến việc hưởng thành quả hòa bình. Giọt nước mắt của người lính Điện Biên năm nào rơi xuống mặt cầu bay đi trong nắng, như nén nhang thơm tri ân đồng đội của ông đã nằm lại nơi này. Chúng tôi cùng lặng đi và hiểu rằng, để có được màu nắng rực rỡ trên Điện Biên hôm nay, xương máu của ông cha ta đã ngấm vào vùng đất này; để có được những bước chân thần tốc của chiến sĩ Điện Biên qua cầu tiến vào hầm Đờ Cát là sự hy sinh đầy quả cảm của anh Phan Đình Giót khi lấy thân mình lấp lỗ châu mai trong trận đánh đồi Him Lam mở màn chiến dịch.

Cầu Mường Thanh hôm nay đang ngày ngày chứng kiến sự thay da, đổi thịt của mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng.
Cầu Mường Thanh hôm nay đang ngày ngày chứng kiến sự thay da, đổi thịt của mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng.

Trở lại bên này cầu, ghé chân vào quán nước, anh chủ quán dừng tay bổ dừa đón chúng tôi bằng câu hỏi thay lời chào: Sao các bác không để chiều bớt nắng hãy ra cầu, suốt cả tháng nay, khách đến đây nhiều lắm. Bên chén trà dậy hương, câu chuyện chủ - khách bỗng trở nên thân tình. Hóa ra chủ quán nước tên Hà Văn Dương chẳng phải người Điện Biên. Bởi những lý do đặc biệt, 20 năm trước anh lên đây, có duyên với mảnh đất này nên dừng chân lập nghiệp. Chỉ tay về phía con đường trước mặt, anh Dương nói với chúng tôi như một hướng dẫn viên du lịch: Kia là đường đi vào hầm Đờ Cát, kề bên là đường ra sân bay. Các bác không hình dung ra đâu, khi tôi lên đây, vùng này là khu cà phê vắng lắm, bây giờ dân cư đông vui rồi. Cuộc sống của người dân đang từng ngày khá lên… Đang giở câu chuyện, anh Dương có khách. Đợi khách dựng xe máy bước vào bàn ngồi, anh Dương giới thiệu: Đây là Chang A Chù, công an viên phường Thanh Trường, các bác muốn biết gì về địa phương cứ hỏi anh ấy. Chẳng để chúng tôi kịp hỏi, anh Chang A Chù vào chuyện bằng thông tin về an ninh trật tự ở Thanh Trường: Trước kia, khu vực này an ninh trật tự không được tốt lắm, tệ nạn xã hội đặc biệt là ma túy còn, kéo theo đó là nạn trộm cắp vặt. Nhưng nhờ có sự quyết liệt chỉ đạo của chính quyền địa phương, chúng tôi cương quyết đấu tranh với các loại tội phạm, xây dựng thế trận an ninh trong nhân dân nên giờ mọi việc đã đi vào nền nếp, người dân yên tâm phát triển kinh tế, góp sức xây dựng quê hương.

Cũng tại quán nước đầu cầu, chúng tôi gặp cô gái Thái xinh tươi Lò Thị Mẩy, nhà ở phường Mường Thanh, ghé chân vào quán chờ bạn đang tham quan hầm Đờ Cát. Mẩy bảo: Em sinh ra và lớn lên ở đất Mường Thanh, nhà ở gần Di tích Đồi A1. Từ nhỏ, em đã được nghe nhiều chuyện kể về Đồi A1, về các di tích lịch sử trong TP. Điện Biên Phủ, lúc ấy, em tưởng đấy là chuyện trong cổ tích. Sau này, em mới hiểu đó là lịch sử hào hùng trên đất quê hương.

Trời về chiều, nắng đã nhạt để dòng người, xe bên cầu Mường Thanh tấp nập hơn. Tôi chắc rằng trong sự nhộn nhịp kia không chỉ có người dân Điện Biên mà có người dân nhiều tỉnh thành trong cả nước. Người dân ở mọi miền Tổ quốc, như chúng tôi, hướng về  Điện Biên mà có mặt bên cầu này. Cầu Mường Thanh hôm nay lặng yên tồn tại trên dòng sông Nậm Rốm để tiếp tục nối liền giữa quá khứ với hiện tại, để kể cho du khách nghe về một thời hoa lửa và ngày ngày chứng kiến sự thay da đổi thịt của mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng.