Cần quản lý việc sử dụng phương tiện giao thông ở lứa tuổi học sinh

08:25, 02/11/2019

Xe gắn máy, xe máy điện có dung tích dưới 50 phân khối ngày càng trở nên phổ biến đối với các em học sinh cấp THCS, THPT bởi sự tiện dụng, phù hợp với lứa tuổi. Theo quy định thì loại phương tiện này người từ 16 tuổi trở lên có thể điều khiển mà không cần phải có giấy phép lái xe, chính vì vậy nhiều gia đình có con em trong độ tuổi học sinh đã lựa chọn làm phương tiện để các em đi học. Nhưng thực trạng học sinh sử dụng loại phương tiện này hiện nay đang tiềm ẩn nguy cơ về tai nạn giao thông...  

Trên thị trường, những chiếc xe gắn máy 2 bánh dưới 50cm3 được thiết kế bề ngoài giống những chiếc xe mô tô có dung tích xi lanh 100cm3 rất đẹp và thời trang của các hãng Yamaha, Suzuki... được các em học sinh ưa chuộng. Những chiếc xe này đều chạy bằng xăng và có vận tốc 80km/giờ nên nhiều học sinh khi mua xe máy về còn độ thêm các phụ kiện khác để chạy nhanh hơn. Cũng như xe gắn máy 2 bánh dưới 50cm3, xe máy điện cũng đang được bán tràn lan trên thị trường và có nhiều mẫu mã hấp dẫn đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Nhiều hãng xe máy điện cũng có vận tốc 80km/giờ nên được nhiều học sinh lựa chọn làm phương tiện đi lại. Tuy nhiên, hầu hết các em đều không được hướng dẫn cách điều khiển phương tiện tham gia giao thông một cách an toàn.

Trên địa bàn tỉnh ta thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ việc đáng tiếc về tai nạn giao thông mà nạn nhân ở độ tuổi học sinh. Như vụ việc xảy ra mới đây nhất vào ngày 27-10, tại đường Cách mạng Tháng Tám thuộc tổ 1, phường Cam Gia (T.P Thái Nguyên) làm 1 học sinh nữ tử vong. Hay vụ tai nạn ngày 27-9, tại thị trấn Đình Cả, huyện Võ Nhai làm 1 học sinh nam tử vong và cách đây chưa lâu vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng rạng sáng ngày 25-8 trên đường Thống Nhất (T.P Thái Nguyên) làm 4 người chết cũng đang trong độ tuổi học sinh, sinh viên. Những sự việc trên là hồi chuông cảnh báo về tình trạng mất an toàn khi  tham gia giao thông do việc điều khiển xe gắn máy, xe máy ở lứa tuổi học sinh. Đại úy Lê Thị Hải Linh, Đội Phó Đội Cảnh sát giao thông, Công an T.P Thái Nguyên cho biết: 3 tháng trở lại đây, Đội Cảnh sát giao thông, Công an T.P đã xử lý gần 2 nghìn trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, thu nộp khoảng 1,6 tỷ đồng tiền xử phạt, đã xử lý 72 trường hợp đua xe, lạng lách đánh võng, có 34 trường hợp người vi phạm dưới 18 tuổi, 12 trường hợp dưới 16 tuổi. Hiện nay theo quy định của pháp luật, đối với phương tiện xe máy điện, để lưu thông trên đường theo đúng quy định thì người điều khiển chỉ cần đủ 16 tuổi trở lên và có giấy phép đăng ký xe. Còn xe đạp điện là loại phương tiện xe thô sơ hiện luật chưa quy về độ tuổi điều khiển phương tiện. Do vậy, các em học sinh cấp 2, cấp 3 đều được phép điều khiển phương tiện này. 

Như vậy có thể thấy, việc thanh, thiếu niên hiện nay sử dụng các phương tiện xe gắn máy, xe máy tham gia giao thông rất phổ biến, nhưng vấn đề về an toàn khi các em điều khiển phương tiện ở độ tuổi này đang rất đáng lo ngại. Đại úy Nguyễn Nam Hưng, Phó Đội trưởng Đội Tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn và xử lý vi phạm thuộc Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) cho biết thêm: Nguyên nhân chủ yếu gây ra các vụ tai nạn giao thông ở học sinh là do ý thức chủ quan của các em khi điều khiển phương tiện nhưng chưa nắm được các quy định của Luật Giao thông, ý nghĩa của các biển báo hiệu đường bộ, các quy tắc an toàn giao thông. Nhiều trường hợp ý thức tham gia giao thông chưa tốt, kỹ năng điều khiển phương tiện còn hạn chế. Đặc biệt, nhiều bậc phụ huynh có tâm lý rất chủ quan, nuông chiều con cái, giao xe mô tô, xe máy cho con khi con chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe, cho con đi xe đạp điện, xe máy điện khi con còn quá nhỏ cũng là nguyên nhân dẫn đến tình hình vi phạm và tai nạn giao thông trong lứa tuổi thanh thiếu niên, học sinh.

Thời gian vừa qua, Ban An toàn giao thông tỉnh, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) đã phối hợp với rất nhiều các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh tổ chức các hoạt động giao lưu, tuyên truyền kiến thức về Luật Giao thông đường bộ cho các em học sinh. Qua đó góp phần nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ cho các em khi tham gia giao thông, đồng thời để các em thấy rõ nguy cơ, tác hại của tai nạn giao thông có thể xảy đến và để các em có thêm kinh nghiệm, kỹ năng xử lý tình huống khi tham gia giao thông. Nhưng quan trọng hơn là các gia đình có con em trong độ tuổi cần có biện pháp quản lý chặt chẽ việc sử dụng phương tiện của con em mình, tránh những nguy cơ, tác hại xấu có thể xảy đến gây mất an toàn cho các em khi tham gia giao thông.