Nâng cao chất lượng nông sản an toàn từ kinh tế hộ

Lưu Phượng 10:22, 23/10/2023

Sản xuất nông sản an toàn, hữu cơ đang là hướng đi cần thiết để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, đồng thời bảo vệ sức khỏe của người dân, bảo vệ môi trường. Nắm bắt được xu hướng này, những năm gần đây, Hội Nông dân (HND) xã Minh Lập (Đồng Hỷ) đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tuyên truyền, vận động người dân tham gia sản xuất an toàn, theo hướng hữu cơ.

Anh Lý Văn Tư (bên trái), ở xóm Bình Ca, xã Minh Lập (Đồng Hỷ) bón chế phẩm vi sinh tự chế cho chè.
Anh Lý Văn Tư (bên trái), ở xóm Bình Ca, xã Minh Lập (Đồng Hỷ) bón chế phẩm vi sinh tự chế cho chè.

HND xã Minh Lập hiện có trên 1.300 hội viên, chiếm 97% số hộ làm nông nghiệp của địa phương. Là xã đi đầu trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở huyện Đồng Hỷ, xã Minh Lập đã quy hoạch được các vùng sản xuất tập trung trồng hoa đào, lúa và chè. Đây là điều kiện thuận lợi để nông dân Minh Lập sản xuất, cũng như xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm. Song thực tế cho thấy, người dân vẫn sản xuất theo hướng tự phát, lối canh tác truyền thống, lạm dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu...

Ông Chu Quốc Bảo, Chủ tịch HND xã Minh Lập, cho biết: Trước thực trạng đó, Hội đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên về sản xuất nông sản an toàn và liên kết theo chuỗi giá trị, xây dựng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ... Trong đó, tập trung  thực hiện đối với cây chè. Ngoài ra, Hội phát động phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi gắn với liên kết sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm”; vận động, hỗ trợ hội viên thành lập các mô hình liên kết kinh tế; tổ chức cho hội viên tham quan các mô hình sản xuất an toàn, hữu cơ...

Để hội viên có thêm kiến thức, kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp an toàn, hữu cơ, HHND xã Minh Lập đã vận động bà con nông dân tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đặc biệt là hướng dẫn sử dụng phân bón vi sinh cho cây trồng; sử dụng các chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh; ngăn chặn tình trạng lạm dụng thuốc kích thích tăng trưởng, hoá chất, kháng sinh và chất cấm trong chăn nuôi. Riêng từ đầu năm 2023 đến nay, Hội đã phối hợp tổ chức được 6 lớp tập huấn, thu hút gần 500 người tham gia.

Anh Lý Văn Tư, xóm Bình Ca, xã Minh Lập, chia sẻ: Với hơn 3 sào chè, hơn 1 năm nay, các khâu từ bón phân, phun thuốc, cải tạo đến sâu bệnh đều được tôi chủ động kiểm soát thông qua việc sử dụng phân vi sinh và các chế phẩm vi sinh. Với cách làm này, tôi đã tận dụng tối đa phế phẩm nông nghiệp, đảm bảo sức khoẻ của bản thân, gia đình và tiết giảm được 50% chi phí sản xuất. Nhờ đó, chất lượng chè được nâng lên, giá bán chè cao hơn 100 nghìn đồng/kg so với trước đây.

Hiện toàn xã Minh Lập có 3 tổ hợp tác, 9 hợp tác xã đang hoạt động, tập trung vào sản xuất chè, trồng hoa đào, lúa nếp Vải... Trong đó, diện tích vùng chè của Hợp tác xã chè Nguyên Việt đã được cấp mã số vùng trồng, 10/50ha vùng nguyên liệu của đơn vị này đang triển khai theo hướng hữu cơ. Mới đây, HND xã đã ra mắt thêm Tổ hội nghề nghiệp trồng và chăm sóc cây ăn quả theo hướng hữu cơ tại xóm Bình Ca, với 16 thành viên. Theo thống kê, đến nay, khoảng 80% thành viên chính thức và các hộ dân liên kết của các tổ hội nghề nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn xã Minh Lập đã và đang sản xuất theo các quy chuẩn an toàn, hướng hữu cơ...

Chủ tịch HND xã Minh Lập Chu Quốc Bảo cho biết thêm: Đây là kết quả bước đầu, tạo tiền đề để xã tiếp tục tập trung hướng dẫn bà con nông dân sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản an toàn, xây dựng mô hình liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ. Thời gian tới, chúng tôi mong muốn nhận được sự quan tâm hơn nữa từ Hội cấp trên, các đơn vị chuyên môn trong việc hỗ trợ kiến thức và có cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, cũng như ổn định đầu ra cho sản phẩm. Từ đó tạo động lực, khuyến khích người dân sản xuất an toàn, phát triển bền vững...