Số hóa hồ sơ vụ án: Tiện tra cứu, tăng hiệu quả tranh tụng

Thu Huyền 10:18, 08/11/2023

Thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) hai cấp của tỉnh Thái Nguyên đã, đang tích cực triển khai số hóa hồ sơ các vụ án, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phân tích, chứng minh các chứng cứ tại phiên tòa... Qua đó góp phần nâng cao chất lượng hoạt động tranh tụng.

Thực hiện số hóa hồ sơ vụ án tại Viện Kiểm sát nhân dân huyện Đại Từ.
Thực hiện số hóa hồ sơ vụ án tại Viện Kiểm sát nhân dân huyện Đại Từ.

Số hóa hồ sơ vụ án là phương pháp sử dụng thiết bị công nghệ để chuyển hóa chứng cứ thành dạng thông tin hình ảnh hoặc video để những người tiến hành tố tụng sử dụng máy tính, thông qua thiết bị trình chiếu có thể nhìn thấy, nghiên cứu và trích cứu mà không phải sử dụng đến hồ sơ vụ án bằng giấy.

Tại VKSND huyện Đại Từ, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã thực hiện số hóa hồ sơ 16 vụ án hình sự và dân sự. Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Viện trưởng VKSND huyện Đại Từ, cho biết: Việc số hóa hồ sơ vụ án giúp người tiến hành tố tụng nghiên cứu, khai thác, cập nhật tài liệu hồ sơ vụ án bất cứ lúc nào mà không phụ thuộc vào hồ sơ giấy. Hồ sơ được lưu trữ gọn nhẹ và phục vụ tối đa cho hoạt động tranh tụng, đánh giá chứng cứ tại phiên tòa. Hồ sơ số hóa phản ánh đầy đủ, chính xác tình tiết, diễn biến hành vi phạm tội của bị cáo cũng sẽ giúp kiểm sát viên chủ động trong quá trình xét hỏi, tranh luận.

Tương tự như tại Đại Từ, VKSND 8 huyện, thành phố và các phòng nghiệp vụ của VKSND tỉnh cũng tích cực triển khai việc số hóa hồ sơ các vụ án, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phân tích, chứng minh các chứng cứ tại phiên tòa.

Trong 10 tháng năm 2023, VKSND 2 cấp của tỉnh đã phối hợp tốt với Tòa án nhân dân tổ chức 179 phiên tòa số hóa. Trong đó có 152 phiên tòa hình sự, 20 phiên tòa dân sự và 7 phiên tòa hành chính (tăng 83 phiên tòa so với cả năm 2022).

Bà Đàm Thị Hoàn, Trưởng Phòng Thực hành quyền công tố và Kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự, VKSND tỉnh, thông tin: Việc số hóa hồ sơ vụ án nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử các vụ án theo yêu cầu cải cách tư pháp. Đây được xem là bước đột phá lớn trong công tác phối hợp giữa Viện kiểm sát và Tòa án, phục vụ cho hoạt động tranh tụng, xét xử tại phiên tòa đảm bảo khách quan, chính xác và thuyết phục cao. Hiện, mỗi kiểm sát viên được giao chỉ tiêu thực hiện số hóa hồ sơ 2 vụ án/năm.

Các vụ án được lựa chọn để tổ chức các phiên tòa số hóa thường là vụ điển hình, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm, vụ án thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo xử lý; Ban Nội chính theo dõi, đôn đốc; vụ án có bị can, bị cáo quanh co, chối tội, hồ sơ vụ án có nhiều tài liệu, chứng cứ là hình ảnh, video, file ghi âm, ghi hình thu thập được trong quá trình điều tra vụ án.         

Ngoài nâng cao tính thuyết phục đối với những người tham gia tố tụng, việc tiến hành số hóa hồ sơ vụ án, công bố các tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa còn giúp cơ quan kiểm sát hạn chế việc in ấn, chuyển hóa các chứng cứ điện tử thành giấy tờ, tiết kiệm chi phí cũng như thuận lợi cho việc lưu trữ; giúp việc chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan tiến hành tố tụng thuận lợi hơn.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc số hóa hồ sơ vụ án vẫn gặp một số khó khăn về lưu trữ, bảo mật tài liệu; kinh nghiệm, kỹ năng điều khiển phương tiện trình chiếu tại phòng xử án thuộc tòa án các địa phương của một số kiểm sát viên còn hạn chế; thiếu cơ sở vật chất trong việc thực hiện số hóa hồ sơ vụ án cũng như công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa…

Để khắc phục những hạn chế này, thời gian tới, VKSND hai cấp tiếp tục nâng cấp các thiết bị lưu trữ, quét văn bản và trình chiếu để nâng cao hiệu quả truy cập, hiện đại hóa trang thiết bị phù hợp với yêu cầu công tác. Đồng thời từng bước xây dựng phương án chuyên môn hóa các thư mục tài liệu lưu trữ, tạo điều kiện cho các kiểm sát viên có thể sử dụng tài liệu tại các phiên tòa chính xác, đầy đủ, đảm bảo yêu cầu…