Quy định giấy khám sức khỏe lái xe mới nhất khi cấp đổi bằng

Đ.H (th) 09:51, 15/02/2024

Theo quy định mới nhất hiện nay, mọi trường hợp đổi lại giấy phép lái xe ô tô các hạng đều phải có giấy chứng nhận sức khỏe của người lái xe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp. Quy định này nhằm để đảm bảo, người lái xe tại thời điểm cấp lại bằng lái mới có đủ điều kiện để điều khiển phương tiện giao thông.

Sau đây là thủ tục liên quan đến giấy chứng nhận sức khỏe (giấy khám sức khỏe) khi cấp đổi bằng lái xe ô tô, mô tô các loại như: đối tượng cần khám sức khỏe, thời hạn của Giấy khám sức khỏe, thủ tục khám sức khỏe.

Ai phải đi khám sức khỏe khi cần đổi bằng lái

Người đi đổi, cấp lại Giấy phép lái xe phải có đơn đề nghị đổi, cấp lại Giấy phép lái xe; hồ sơ GPLX gốc, bản sao GPLX (nếu còn Giấy phép lái xe) và Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp, trừ các đối tượng sau:

a) Người có giấy phép lái xe hạng A1, A2, A3;
b) Người chuyển đổi GPLX hạng A4, giấy phép lái xe ô tô còn thời hạn sử dụng trên 03 (ba) tháng bằng giấy bìa sang giấy phép lái xe bằng vật liệu PET;
c) Trường hợp tách GPLX có thời hạn và không thời hạn.

Như vậy, Giấy khám sức khỏe lái xe khi đổi bằng lái áp dụng cho những trường hợp sau:

- Người có giấy phép lái xe hạng A1, A2, A3 khi đổi bằng lái không cần phải có giấy khám sức khỏe;

- Người có GPLX hạng A4, GPLX ô tô còn thời hạn sử dụng trên 3 tháng đổi từ loại giấy bìa sang thẻ nhựa không cần phải có giấy khám sức khỏe;

- Khi đổi giấy phép lái xe ô tô các hạng (từ hạng B, C, D, E, F...) thì trong hồ sơ xin cấp đổi phải có giấy khám sức khỏe, bất kể GPLX còn thời hạn sử dụng hay không.

- Trường hợp tách giấy phép lái xe (có thời hạn và không thời hạn) thì cũng không cần giấy khám sức khỏe;

Giấy khám sức khỏe lái xe có giá trị bao lâu?

Thời hạn sử dụng giấy khám sức khỏe của người lái xe: 06 tháng kể từ ngày khám sức khỏe và được cơ sở y tế cấp giấy chứng nhận đủ sức khỏe lái xe.

Khám sức khỏe đổi giấy phép lái xe (bằng lái xe) ở đâu?

Người đổi bằng lái xe phải khám sức khỏe đổi giấy phép lái xe tại một trong các cơ sở y tế có thẩm quyền sau đây:

* Bệnh viện đa khoa cấp tỉnh, BVĐK khu vực;

* Bệnh viện đa khoa cấp Quận, huyện, thành phố;

* Bệnh viện Đa khoa tư nhân;

* Phòng Khám Đa khoa có đủ điều kiện (do Sở Y tế tỉnh, TP thuộc Trung ương công bố danh sách đủ điều kiện).

Ngoài ra, để đổi giấy phép lái xe trực tuyến mức độ 4 (nhận GPLX tại nhà) trên Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc cổng dịch công của Bộ GTVT thì cần phải có giấy khám sức khỏe điện tử hoặc giấy được chứng thực điện tử. Tức là, người đổi bằng phải đi khám tại:

* Bệnh viện có hỗ trợ cấp giấy khám sức khỏe điện tử. Ví dụ: Danh sách Bệnh viện cấp giấy khám sức khỏe điện tử tại Hà Nội

* Bệnh viện có liên thông dữ liệu khám sức khỏe lái xe với sở GTVT. Ví dụ: Danh sách các Bệnh viện liên thông dữ liệu khám sức khỏe lái xe tại Thành phố HCM

* Nếu bệnh viện có không hỗ trợ cả 2 loại như trên thì sau khi khám và được bệnh viện cấp giấy khám sức khỏe thì đến UBND phường, xã để chứng thực điện tử giấy này.

Thủ tục, lệ phí khám sức khỏe để lấy giấy chứng nhận

Lệ phí khám sức khỏe đối với người lái xe (không bao gồm xét nghiệm, X-quang): 160.000 - 180.000 đồng/người (quy định tại (quy định tại Thông tư 21/2023/TT-BYT về khung giá dịch vụ khám bệnh). Nếu bao gồm xét nghiệm là từ 320.000 đồng.

Về thủ tục khám sức khỏe, cũng như khám sức khỏe thông thường. Đầu tiên cần điền Mẫu giấy khám sức khỏe lái xe mới nhất (TỰ TẢI VỀ rồi in ra hoặc lấy tại bệnh viện). Sau đó kê khai các mục theo mẫu bên dưới (Chỉ kê khai hết Mục I). 

Sau khi khám xong, bác sĩ sẽ kết luận và ghi rõ trong giấy khám sức khỏe như sau:

* Đủ điều kiện sức khỏe lái xe hạng…

* Không đủ điều kiện sức khỏe lái xe hạng…

* Đạt tiêu chuẩn sức khỏe lái xe hạng…..nhưng yêu cầu khám lại (ghi cụ thể thời gian khám lại)………