Bông hồng tặng bạn

 Truyện ngắn của Hồ Quỳnh Châu 09:11, 12/05/2024

Thảo loay hoay mở ví đếm đi đếm lại mấy lần, vẫn chỉ là bẩy nghìn. Bẩy nghìn thì biết mua quà gì cho cái Oanh bây giờ. ​Hôm sinh nhật Thảo, Oanh tặng cả một bộ quần áo mới cứng. Vậy mà hôm nay sinh nhật Oanh, góp mãi cũng chỉ được bằng này. ​Thảo không dám xin ba vì hôm qua, sau khi đưa tiền đóng học phí cho thằng Hùng, ba đã vét những đồng tiền cuối cùng rồi. 

Nhìn vẻ mặt thẫn thờ của con gái, hình như ba đã đoán ra mọi điều.

Ba nhẹ nhàng ngồi cạnh:

​- Con vẫn chưa đi à?

​Thảo gồng người để giữ giọt nước mắt khỏi rơi trước mặt ba.

Mẹ ốm liệt giường rồi ra đi, để lại cho ba chị em Thảo với căn nhà xiêu vẹo. Bao nhiêu tiền dồn hết lo thuốc thang cho mẹ.

Ba không muốn các con nghỉ học nên ngày đi phụ hồ, tối về nhận làm bảo vệ cho một trường học gần nhà.

Từ khi ba bị tai nạn gẫy tay, gia đình lại càng túng quẫn hơn. Đã nhiều lần Thảo ngỏ lời với ba nghỉ học để đi làm, nhưng nhất định ba không nghe.

Thấy ba hỏi, Thảo quay lại:

​- Vẫn sớm mà ba - Nó nói lảng.

​Bỗng ba nhẹ nhàng đặt tay lên vai Thảo:

​​- Có muốn nghe ba kể chuyện không?

Thảo quay hẳn người về phía ba. Đã lâu lắm, Thảo không được nghe ba kể chuyện.

​- Con thích lắm ba ạ. Ba phải kể cho con nghe đủ “Nghìn lẻ một truyện” như đã hứa thì con mới đi lấy chồng, phải không ba?

​Ba cười:

​- Ba nhớ chứ. Giống như người hầu nữ năm xưa kể cho vị hoàng đế nghe trong “Nghìn lẻ một đêm”của Ai Cập.

​Cả hai ba con cùng cười.

​Rồi ba bắt đầu bằng câu chuyện:

​- Ngày xưa, ở làng nọ có một đôi bạn rất thân, mặc dù kinh tế chênh lệch. Một người là con nhà giàu nhất vùng, người kia mồ côi cả cha lẫn mẹ, không có tiền ăn học. Nhưng anh nhà giàu không kiêu căng. Hàng ngày đến trường học rồi đem kiến thức về giảng lại cho bạn mình.

​Thảo tựa đầu vào vai ba thỏ thẻ:

​- Chú ấy giàu mà tốt bụng ba nhỉ?

​Ba Thảo vẫn chậm rãi:

​- Năm ấy, anh nhà giàu lên kinh thành dự thi. Nhờ học hành chăm chỉ lại thông minh nên đỗ trạng nguyên. Theo phong tục, khi về làng “vinh quy bái tổ”, nhà trạng nguyên sẽ để một cái chum to ngoài cửa. Cả làng mỗi người góp một chai rượu đổ vào đó rồi cùng nhau uống, chúc mừng.

Anh nhà nghèo không có đủ tiền mua một chai rượu trắng đến mừng bạn. Loay hoay mãi đến tận trưa mà không sao có tiền, nên cứ nấn ná không dám sang góp rượu chúc mừng.

​Thảo nôn nóng:

​- Cuối cùng chú ấy có đến không ba?

​Ba giơ tay vuốt tóc Thảo, rồi kể tiếp:

​- Nghĩ tới nghĩ lui rồi anh ta cũng nghĩ ra một kế mà cho là “thượng sách”.

​Thảo vội hỏi:

​- Là kế gì vậy ba?

​- Anh nhà nghèo nghĩ bụng: Cái chum to kia để ngay ngoài cửa, mỗi người đều đổ rượu vào đó, hay ta lấy một chai nước đổ vào chắc cũng chẳng sao. Còn hơn là không đi, sau này biết ăn nói thế nào. Thôi thì liều vậy.

​Thảo hồi hộp:

​- Rồi sao nữa ba? Có ai phát hiện ra không?

​Ba nhấp một ngụm nước:

​- Con gái bình tĩnh thì ba mới kể được chứ!

​​- Vâng, ba kể đi ạ!

​- Anh nhà nghèo đi đến cổng, thấy trong nhà rất đông thì mừng lắm, nghĩ bụng: “Giờ này họ đang mải mê ăn uống sẽ không ai để ý”. Anh rón rén từng bước thật nhẹ nhàng đến gần chum rượu.

Thảo không dám thở mạnh.

Giọng cha trầm ấm:

​- Nhưng anh nhà nghèo vừa giơ chai lên thì người bạn trạng nguyên trong nhà lao ra, tươi cười:

​- Ôi! Bạn hiền, sao bây giờ mới đến? Tôi mong bạn từ sáng.

Anh nhà nghèo ấp úng, vội vã mở nắp chai để đổ nước vào chum. Nhưng trạng nguyên đã giơ tay ngăn lại:

​- Đừng bạn, chai rượu này chỉ để hai chúng ta uống riêng thôi.

Tim Thảo đập loạn nhịp vì lo cho anh nhà nghèo tội nghiệp kia. Ba hắng giọng, rồi kể tiếp:

 - ​Anh nhà nghèo vội giằng lại nói: ​"Rượu của tôi cũng như của mọi người, cứ đổ vào đây để tất cả cùng uống".

​Thảo nắm chặt tay ba hồi hộp:

​- Rồi ai lấy được chai nước đó hả ba?

​- Cuối cùng, anh bạn trạng nguyên đã lấy được chai nước từ tay người bạn nghèo và cầm cả chai, ngửa cổ lên trời tu ừng ực.

​Mặt Thảo ỉu sìu:

​- Chắc trạng nguyên giận lắm phải không ba?

Lần này, ba Thảo không kể tiếp, mà cúi xuống hỏi:

- Con thử đoán xem?

​Thảo nói một mạch không cần suy nghĩ:

​- Trạng nguyên sẽ mắng cho anh nhà nghèo một trận, sẽ bảo: “Tôi tưởng anh tử tế lắm, hoá ra anh là loại giả dối. Tôi không có người bạn như anh...”

Ba khẽ cười, kể tiếp:

​- Sau khi ngửa cổ tu chai nước, trạng nguyên không những không ngạc nhiên mà còn vui vẻ hơn, ghé vào tai bạn, nói: “Thật tuyệt vời! Là thanh thủy. Một thứ nước không mùi vị, không màu sắc, không pha tạp, nó trong sáng như tình bạn của chúng ta. Uống vào làm cho tâm hồn sảng khoái, không say sưa, mơ hồ như loại rượu kia. Từ sáng đến giờ, tôi đã uống quá nhiều rượu. Đang cần một chai nước từ tay bạn mang đến. Bạn luôn là người “tâm đầu ý hợp” nhất mới hiểu tôi đến vậy. Tôi đã uống và để lại cho bạn nửa chai. Chỉ hai chúng ta được uống chai nước này và thề bên nhau mãi mãi”

Rồi anh bạn trạng nguyên vui vẻ cầm tay bạn vào nhà.

​Thảo thở phào, vội hỏi ba:

- Ba ơi! Họ vẫn thân nhau phải không?

​- Uống xong chai nước, họ còn thề thân nhau hơn trước.

​Thảo reo lên:

​- Hay quá ba ạ! Trạng nguyên đó thật tuyệt. Đã giỏi, còn tốt bụng nữa. Từ trước đến giờ, con chỉ nghe thấy mọi người nói “rượu thề” hoá ra lại còn có “nước thề” nữa.

​Ba đặt lên vai, xoay người Thảo lại:

​- Con và Oanh cũng thân nhau từ nhỏ phải không? Ba thấy bạn ấy đẹp cả người lẫn nết. Con gái hiểu ba nói gì rồi chứ?

Thảo khẽ cúi đầu, như nghĩ ra điều gì từ câu chuyện ba kể.

​- Vâng! Con phải đi sinh nhật bạn bây giờ, không muộn rồi ạ!

​Dắt chiếc xe đạp ra khỏi cổng, Thảo quay lại bắt gặp nụ cười hiền hậu của ba.                                                           

                                                           ***

​Thấm thoát đã mấy chục năm. Câu chuyện của ba, Thảo vẫn luôn mang theo bên mình và kể lại cho con cháu nghe về một thời khốn khó.

Tình bạn của Thảo với Oanh vẫn gắn bó và trong sáng đến tận bây giờ, mặc dù buổi sinh nhật hôm ấy, Thảo chỉ tặng Oanh một bông hồng.

Thảo ngước lên bàn thờ ba, thầm nói: “Ba ơi! Những câu chuyện ba kể cho con tuy chưa đủ một nghìn lẻ một truyện nhưng đã đủ tiếp sức cho con khôn lớn và trưởng thành.

Trên di ảnh kia, ba và mẹ đang nhìn Thảo trìu mến.