Mở lối giúp đồng bào vươn lên

Thu Huyền 08:22, 18/07/2023

Với mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số, từ nguồn lực đầu tư của Nhà nước thông qua các chương trình, dự án, huyện Đại Từ đã triển khai có hiệu quả nhiều chính sách hỗ trợ như làm nhà ở, cho vay vốn, hỗ trợ cây trồng, vật nuôi… Qua đó, đời sống đồng bào được cải thiện rõ rệt, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương trong huyện.

Người dân xã Phúc Lương sử dụng nước sinh hoạt từ công trình cấp nước tập trung hỗ trợ cho đồng bào DTTS.
Người dân xã Phúc Lương (Đại Từ) sử dụng nước sinh hoạt từ công trình cấp nước tập trung hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 32,4% dân số huyện Đại Từ, sống tập trung ở các xã phía Bắc, như: Phúc Lương (92,92%), Đức Lương (84,23%), Na Mao (65,65%)…

Thời gian qua, các chương trình, chính sách hỗ trợ cho đồng bào DTTS được huyện Đại Từ triển khai như: Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn (Chương trình 135); Chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo theo Quyết định số 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi cho các hộ đồng bào DTTS phát triển sản xuất...

Thực hiện các chương trình hỗ trợ đồng bào DTTS, gia đình ông Đỗ Xuân Nguyên, dân tộc Tày, ở xóm Na Sơn, xã Phúc Lương, là một trong những hộ mới được vay vốn để xây dựng nhà ở.

Chỉ cho chúng tôi ngôi nhà cấp bốn, lợp tôn lạnh còn thơm mùi sơn mới, vợ ông Nguyên không giấu được xúc động: Chồng tôi bị tai biến đã 7 năm nay, lại thêm khối u ở phổi mới được phát hiện. Toàn bộ số tiền hai vợ chồng tích góp đều dồn cả vào việc chữa bệnh, nên hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Căn nhà bằng gỗ, tre làm từ hơn chục năm trước đã xuống cấp, hễ mưa là dột khắp nhà. Được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 40 triệu đồng, cùng với số tiền 50 triệu đồng huyện hỗ trợ, cuối tháng 6 vừa qua, chúng tôi đã xây dựng được ngôi nhà mới rộng 60m2. 

Tương tự gia đình ông Nguyên, thời gian qua, trên địa bàn huyện Đại Từ có hàng nghìn hộ đồng bào DTTS nhận được hỗ trợ từ các chương trình, dự án. Trong số đó, việc địa phương thông qua chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi cho các hộ đồng bào DTTS phát triển sản xuất được đánh giá là một trong những chương trình mang lại hiệu quả thiết thực.

Điển hình như trường hợp của gia đình ông Trần Chung Lợi, ở xóm La Kham, xã Hoàng Nông. Ông Lợi chia sẻ: Được vay 50 triệu đồng vốn tín dụng ưu đãi, gia đình tôi đã mở rộng diện tích trồng chè, thay thế đám chè già cỗi bằng các giống chè lai có năng suất, chất lượng cao. Nhờ vậy, kinh tế gia đình ngày càng ổn định. Đến nay, nhà tôi đã thoát nghèo và trả được hết số vốn vay.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, nhằm giúp đồng bào DTTS vươn lên phát triển kinh tế - xã hội, giai đoạn 2016-2021, từ nguồn vốn hơn 130 tỷ đồng của Chương trình 135, huyện Đại Từ đã hỗ trợ cho gần 6.000 hộ để phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo và đầu tư xây dựng gần 80 công trình hạ tầng nông thôn miền núi. Từ năm 2022 đến nay, huyện được phân bổ gần 60 tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, với nhiều chương trình, dự án cụ thể như: giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực; truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng DTTS và miền núi…

Nhờ triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, những năm gần đây, kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Đại Từ đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nếu như năm 2015, huyện còn gần 4.800 hộ nghèo thuộc vùng đồng bào DTTS thì đến nay, đã giảm còn trên 1.200 hộ (chiếm trên 7,6% tổng số hộ DTTS trên địa bàn). Huyện Đại Từ hiện không còn xã, xóm thuộc diện đặc biệt khó khăn; trên 90% thôn, bản vùng đồng bào DTTS đã có đường bê tông; 100% các xã, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm xã…

Trao đổi với chúng tôi, bà Trương Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Dân tộc huyện Đại Từ, cho biết: Theo đánh giá, các chính sách dân tộc đã được huyện triển khai đầy đủ, toàn diện trên các lĩnh vực và mang lại hiệu quả rõ nét. Thời gian tới, phòng Dân tộc sẽ tiếp tục tham mưu cho huyện trong tổ chức thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, cũng như đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các chương trình, chính sách tại địa phương. Qua đó nhằm nâng cao hơn nữa đời sống bà con ở vùng đồng bào DTTS.