Loạn thần do rượu, bia - Căn bệnh nguy hiểm

Tùng Lâm 10:07, 12/03/2024

Trung bình mỗi năm, một số cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh, như: Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên; Bệnh viện Sức khỏe tâm thần tỉnh tiếp nhận hàng trăm bệnh nhân mắc bệnh loạn thần do nghiện rượu, bia. Đây là một rối loạn tâm thần thứ phát, trong đó sự tiếp xúc với đời sống thực tế bị tổn hại do hoang tưởng và ảo giác, xảy ra trong các điều kiện liên quan đến rượu như: nhiễm độc cấp tính, ngộ độc rượu, hoặc khi có sự giảm đáng kể việc tiêu thụ rượu.

Bác sĩ Bệnh viện Sức khỏe tâm thần tỉnh chăm sóc người mắc bệnh loạn thần.
Bác sĩ Bệnh viện Sức khỏe tâm thần tỉnh chăm sóc người mắc bệnh loạn thần.

Tìm hiểu thực tế tại Bệnh viện Sức khỏe tâm thần tỉnh, chúng tôi nhận thấy, người bị loạn thần do rượu thường có các triệu chứng như: sảng rượu (nhìn thấy các con vật như chuột, dơi, rắn, kiến… và có cảm giác ghê rợn khiến người bệnh lo lắng); ảo giác - tình trạng này ngày càng nặng nề, thậm chí dẫn tới các hành vi tự sát, đập phá, đốt nhà, giết người; hoang tưởng, nhất là thường xuyên ghen tuông, lo lắng bị sát hại; cơ thể có nhiều bệnh như: viêm loát dạ dày, xơ gan, rối loạn huyết áp hoặc suy kiệt do nhiễm độc rượu, bia lâu ngày…

Đơn cử như trường hợp ông N.V.H (Phú Bình) bị mắc bệnh loạn thần do rượu đã điều trị tại Bệnh viện Sức khỏe tâm thần tỉnh. Ông H có hơn 20 năm uống rượu thì có đến 10 năm bị nghiện rượu. Trước khi nhập viện, mỗi ngày ông uống từ 1-2 lít rượu. Do đó, sức khoẻ của ông bị suy giảm và thường xuyên phải nhập viện điều trị với những biểu hiện như: hoang tưởng, ảo giác, rối loạn cảm xúc, hành vi. Người nhà ông H cho biết: Rượu khiến ông không kiểm soát được hành vi nên thường xuyên chửi bới, đánh đập vợ, con…

Thực tế tại Bệnh viện Sức khỏe tâm thần tỉnh cho thấy, khoảng 5 năm trở lại đây, số bệnh nhân mắc các bệnh tâm thần liên quan đến rượu, bia đã tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần so với trước. Người mắc bệnh hầu hết là nam (chiếm đến 40% số bệnh nhân nam điều trị tại bệnh viện).

Với độ tuổi trung bình từ 50 đến 60, thời gian gần đây, người mắc bệnh loạn thần do rượu đang có xu hướng "trẻ hóa". Bác sĩ Nguyễn Thị Định, Trưởng Khoa Nam, Bệnh viện Sức khỏe tâm thần tỉnh, cho hay: Đáng báo động nhất là 70% số bệnh nhân phải tái điều trị sau khi ra viện do không từ bỏ được thói quen uống rượu, bia.

Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Bệnh viện Sức khỏe tâm thần tỉnh, rượu là một chất độc thần kinh có ảnh hưởng nghiêm trọng đến não bộ của con người một cách phức tạp. Việc tiếp xúc liên tục và cai rượu lặp đi lặp lại có thể gây ra những mối lo ngại về sức khỏe và đe doạ đến tính mạng, điển hình là bệnh loạn thần do rượu. Bệnh này nếu không được điều trị sớm và đúng cách có thể để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho người bệnh cả về sức khỏe cũng như tinh thần; ảnh hưởng lớn đến gia đình và xã hội. Do vậy, bệnh nhân cần được điều trị ngay khi phát hiện những dấu hiệu ban đầu. 

Tại các cơ sở khám, chữa bệnh có điều trị bệnh loạn thần trên địa bàn tỉnh, việc chữa trị được thực hiện bằng cách cho sử dụng các loại thuốc an thần kinh, chống trầm cảm.. và sử dụng liệu pháp tâm lý. Đặc biệt, những bệnh nhân ảo giác có hành vi nguy hiểm sẽ được các y, bác sĩ thực hiện điều trị bằng cách yêu cầu phải ngưng sử dụng rượu, cai rượu bằng phương pháp giải độc dần dần. Theo đó, bệnh nhân được phục hồi chức năng tâm lý xã hội nhằm chống tái nghiện. Qua đó giúp bệnh nhân tái hòa nhập với gia đình, cộng đồng.

Bác sĩ Nguyễn Thị Định cho rằng: Chúng ta cần phối hợp tâm lý, quản lý lao động nghề nghiệp để có thể chuyển đổi được hành vi của người mắc bệnh loạn thần theo chiều hướng tốt hơn.

Loạn thần do rượu có thể gây ra các hậu quả vô cùng nghiêm trọng đối với chính bản thân người bệnh, gia đình và xã hội. Bởi vậy, khi có các dấu hiệu của loạn thần, bệnh nhân và gia đình cần phối hợp với bác sĩ để có phương án điều trị hiệu quả nhất. Đáng nói, sau khi điều trị tại các cơ sở y tế, người bệnh rất cần sự đồng hành, động viên của người thân để đoạt tuyệt với “ma men” và có chất lượng sống tốt hơn…