Giúp học sinh tiểu học hình thành thói quen đọc sách

09:38, 03/12/2012

Cùng với Đại Từ, Định Hóa là địa phương được đón nhận Dự án Room to read (Rtr),  một dự án về xây dựng mô hình thư viện thân thiện do tổ chức phi chính phủ Rtr tài trợ. Sau một thời gian triển khai, Dự án này đã cho thấy hiệu quả tích cực trong việc định hướng lại văn hóa đọc trong lứa tuổi học đường, đưa các em quay trở lại với một nét đẹp truyền thống từ ngàn xưa là đọc để học tốt.

Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như vũ bão thì việc trẻ được tiếp cận với cách đọc, học tiên tiến và công nghệ không có gì lạ. Chính vì vậy, lâu nay ở Định Hóa hệ thống thư viện trường học chưa thực sự được quan tâm đầu tư đúng mức. Tháng 3/2011, Thư viện Trường Tiểu học Trung Hội, xã Trung Hội được công nhận đạt “Thư viện tiên tiến khối tiểu học” nhờ làm tốt công tác quản lý và sử dụng thư viện. Tuy nhiên, phải đến năm học 2012-2013, Thư viện mới thực sự đi vào hoạt động nề nếp, quy củ và có hiệu quả nhờ được sự đầu tư từ dự án Rtr. Nếu như trước đây, Thư viện chỉ có những đầu sách cũ và phần lớn là sách giáo khoa thì nay dưới sự hỗ trợ của tổ chức Rtr, một phòng đọc sách khang trang rộng 50m2 với trên 1.000 đầu sách, chủ yếu là sách, truyện thiếu nhi, truyện tranh với 10 thể loại phong phú, phù hợp với lứa tuổi học sinh tiểu học; trong phòng có thảm xốp giúp các em thoải mái ngồi đọc truyện tại phòng. Ngoài phòng đọc, Nhà trường còn có một phòng chứa thiết bị có diện tích 40m2, cả 2 phòng này được trang trí bằng nhiều hình ảnh ngộ nghĩnh, thu hút được các em học sinh. Một mô hình tổ chức hoạt động quản lý mới rất thân thiện đã khiến Thư viện Nhà trường lúc nào cũng đông học sinh đến tìm hiểu và đọc sách, truyện.

 

Chăm chú chọn truyện theo mã màu quy định cho khối lớp của mình, em Hà Thanh Trúc, học sinh lớp 4A cho biết: Con thích nhất là truyện cổ tích nên tuần nào con cũng đến thư viện mượn đọc, con còn đăng ký mượn sách về nhà đọc nữa. Mỗi khi vào thư viện đọc truyện, con sẽ bỏ hạt đậu vào giỏ của lớp mình và chọn truyện theo mã màu xanh của lớp con. Con rất thích đến thư viện và con đã bỏ được 20 hạt đậu vào giỏ của lớp mình rồi.

 

Mô hình thư viện thân thiện đã thực sự phát huy hiệu quả bởi chính cách thức sắp xếp của mô hình tìm và đọc, một hạt đậu được bỏ vào giỏ khi mượn sách, tìm sách theo 5 mã màu đỏ, trắng, da cam, xanh và vàng phù hợp với lứa tuổi và trình độ đọc của học sinh, đọc xong lại bỏ vào giá sách đã đánh mã màu đó. Cách thức này giúp cho học sinh tiểu  học dễ dàng lựa chọn sách đọc phù hợp, nâng cao ý thức trong sử dụng sách, giúp ích và tiện lợi trong quản lý đầu sách của thủ thư. Đối với đội ngũ cán bộ quản lý trong trường học thì từ việc được tham gia Dự án đến việc được tập huấn tổ chức quản lý đã có nhiều tiện ích không chỉ đối với thư viện mà còn có ích trong cả công tác quản lý của giáo dục.

 

Thầy Chử Ngọc Sơn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Hội cho biết: Trong ngày khai trường chúng tôi đã kết hợp khai trương thư viện và ngay trong ngày khai trương đã có nhiều em tìm đến đọc sách. Hiện tại, mỗi ngày, Thư viện Nhà trường đón từ 30-40 lượt học sinh đến đọc sách, cao gấp 3-4 lần so với trước đây. Thư viện cũng nhận được sự ủng hộ lớn của phụ huynh học sinh nhờ tính ưu việt của nó là giúp các em học sinh tạo được thói quen đọc sách; sách, truyện có nội dung giáo dục cao nên các em có thể  tự mình rút ra được những bài học từ truyện và có ý thức thực hiện theo.

 

Không chỉ có học sinh, giáo viên Nhà trường quan tâm và có hứng thú với mô hình thư viện này, mà hoạt động của thư viện còn nhận được sự quan tâm và ủng hộ rất lớn từ phía phụ huynh học sinh. Ông Vũ Ngọc Chiến, phụ huynh của em Vũ Tùng Dương, học sinh lớp 4A chia sẻ: Chúng tôi rất ủng hộ Dự án, vì khi tham gia, con em chúng tôi chăm đọc sách hơn và có nhận thực tốt hơn sau khi đọc sách. Thời gian tới, chúng tôi mong muốn Nhà trường cũng như Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện quan tâm đầu tư nhiều sách, truyện hơn nữa cho con em tìm đọc; phụ huynh chúng tôi cũng rất sẵn lòng ủng hộ Nhà trường về mặt kinh phí để chỉnh trang thư viện và mua thêm sách phục vụ việc đọc, học của con em.

 

Dự án Room to read mới chỉ được thực hiện tại 11 điểm trường tiểu học trong huyện Định Hóa, từ nguồn đầu tư của Dự án bao gồm sách, thiết bị thư viện, cách thức tổ chức quản lý khoa học và thông minh là tiền đề để phát triển mô hình thư viện thân thiện. Mỗi trường sẽ được Dự án đầu tư trong 3 năm, trong đó, mỗi học sinh được đầu tư 3 đầu sách trên một năm và có sự đối ứng của nhà trường theo từng năm để hoàn chỉnh về cơ sở vật chất cho thư viện. Cách thức này nhằm thu hút sự vào cuộc của cả địa phương và gia đình để xây dựng lên một địa chỉ đọc thân thiện đồng thời giúp ích trong học tập cho các em.

 

Ông Thái Văn Cương, Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Định Hóa cho biết: Năm nay, mới chỉ có 11/24 trường tiểu học được hưởng thụ Dự án này, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tích cực tổ chức kiểm tra, đôn đốc các trường còn lại làm tốt công tác thư viện, hỗ trợ một số trường về kinh phí để chỉnh trang, tu sửa thư viện và  có kế hoạch cụ thể yêu cầu các trường chuẩn bị tốt các điều kiện để  từ những năm học sau dự án sẽ phủ kín các trường trên toàn huyện.

 

Xây dựng mô hình thư viện thân thiện, thiết lập thói quen đọc sách trong học sinh và có thật nhiều sách phục vụ nhu cầu đọc của học sinh là những mục tiêu mà Dự án hướng tới.