Trong khi địa ốc và chứng khoán đang là tâm điểm của dư luận thì hàng loạt mặt hàng ở TP Hồ Chí Minh liên quan đến đời sống, sinh hoạt của hàng chục triệu dân đã ồ ạt tăng giá.
Cơn sốt giá này đang có chiều hướng tăng nhiệt do mùa mua sắm cuối năm đang đến gần...
Chiều 26/10, Cty Vàng bạc đá quý Sài Gòn thông báo giá vàng SJC loại 1 chỉ là 1,501 triệu đồng và loại 1 lượng là 14,980 triệu, cao nhất từ đầu năm đến nay. Ngoài thị trường tự do, nhiều cửa hàng đã trưng bảng 15 triệu/lượng.
Đây được xem như hậu quả tất yếu sau khi giá vàng thế giới vẫn tăng và giá dầu đã nhảy vọt lên trên 90 USD/ thùng từ đầu tuần này. Giám đốc một Cty kinh doanh vàng e ngại giá vàng trong tuần tới còn có chiều hướng tăng vì chưa có dấu hiệu nào cho thấy thị trường vàng sẽ bớt nóng.
Tuy nhiên, cơn sốt căn hộ, chứng khoán, giá vàng không làm đông đảo người dân lo ngại bằng việc gas, gạo, thịt, cá, phân bón... đang leo thang
Chỉ trong tháng 10/2007, gas đã 3 lần tăng giá và lên thêm 25.000 đồng/bình so với cuối tháng 9, mức tăng cao nhất từ trước đến nay! Ngày 10/10 vừa qua, Bộ Tài chính đã ban hành quyết định giảm thuế nhập khẩu mặt hàng gas từ 5% xuống còn 2%, nhưng vẫn chưa làm hạ giá gas.
Nguyên nhân chủ yếu do gas nhập chiếm 70% đang gặp khó khăn về nguồn cung và sản lượng của Nhà máy gas Dinh Cố giảm do phải tạm ngưng để tiến hành bảo trì.
Bên cạnh đó, giá dầu tăng cao nên nhiều khả năng gas còn có thể tăng thêm 20.000 đồng/bình 12 kg. Do hầu hết các gia đình tại nhiều đô thị chủ yếu dùng gas nên giá gas nhảy vọt đã ảnh hưởng đáng kể đến đời sống của họ.
Giám đốc kinh doanh một Cty gas cho biết: “Tuy thuế giảm nhưng giá gas thế giới tiếp tục tăng thì chúng tôi phải tăng theo. Bộ Tài chính nghiêm cấm các Cty kinh doanh gas không được tăng giá bán lẻ nhưng không tăng thì Cty sẽ lỗ nặng”.
Không doanh nghiệp nào dám giảm giá!
Cùng với gas, gạo tại chợ đầu mối Trần Chánh Chiếu (TP Hồ Chí Minh) đã tăng từ 200 - 400 đồng/kg tùy loại. Các loại thực phẩm khô khác tăng trung bình 400 đồng/kg. Còn thịt heo tại chợ Phạm Văn Hai cũng tăng từ 1.000 -2.000 đồng/kg.
Các loại rau, củ, quả, cá... đã tăng từ tuần trước và tiếp tục tăng thêm 300 - 1.000 đồng/kg tùy loại trong tuần này. Thông tin về giá sữa giảm hầu như chỉ nằm trên những báo cáo vì hiện đa số các loại sữa bán đến tay người tiêu dùng đều đứng hoặc nhích lên nhẹ.
Phó Tổng Giám đốc Vinamilk Trần Bảo Minh cho rằng: “Chỉ khi nào giảm mạnh được giá nguyên liệu đầu vào vốn đã tăng 100% so với đầu năm thì lúc đó mới thực sự giảm giá sữa được”.
Theo Giám đốc một Cty phân phối sữa, “thuế giảm không lại giá đầu vào tăng thì doanh nghiệp giảm giá đồng nghĩa với phá sản”. Các hãng sữa Dutch Lady, Dumex vẫn chưa có kế hoạch giảm giá vì với mức thuế giảm như hiện nay vẫn không bù nổi giá nguyên liệu tăng.
Từ đầu tháng mười đến nay, giá thép xây dựng đã tăng hai lần, tổng cộng khoảng 200.000 đồng/tấn và hiện đã xấp xỉ 13 triệu/tấn. Riêng các loại phân bón đồng loạt tăng từ urê cho đến DAP, SA... do giá nhập urê tăng 94 - 112 USD/tấn, DAP tăng 178 - 200 USD/tấn...
Hiện nay, doanh nghiệp bán lẻ và người dân chưa “hoàn hồn” sau đợt tăng giá này, đã lo ngại trước thông tin nhiều mặt hàng sẽ tăng từ 10 - 20% cho đến Tết Nguyên đán.
Bà Nguyễn Ánh Hồng, Giám đốc hệ thống siêu thị Maximark thông báo từ đầu tháng 10 rằng, có nhà phân phối đã 3 lần báo giá tăng với mức tăng tổng cộng lên đến 30%. Những mặt hàng tăng giá mạnh là bánh kẹo các loại (tăng khoảng 20%), nước giải khát (khoảng 10%), thực phẩm chế biến (tăng 20%).
Còn tại hệ thống Coop Mart, CitiMart, Hà Nội..., hầu hết báo giá cũng tăng nhẹ nhất là 3% và nhiều khả năng sẽ tăng thêm trong tháng 12/2007.
Ông Phạm Quang Minh, Giám đốc Cty phân phối hàng tiêu dùng, thực phẩm thừa nhận: “Không doanh nghiệp nào dám giảm giá vì hàng nhập về mỗi ngày một tăng, bán lô trước lô sau đã tăng trong khi mọi chi phí vận chuyển, nhân công, dịch vụ... đều tăng”.
Chuyên gia kinh tế Đoàn Ngọc Long nhận định: “Giảm giá trong bối cảnh giá cả những mặt hàng cơ bản trên thế giới như dầu, vàng, nguyên liệu... đều tăng mạnh quả là bài toán khó cho cả cấp điều hành lẫn doanh nghiệp. Theo tôi, Nhà nước nên chú ý đến các mặt hàng thiết yếu để hỗ trợ nhằm giữ hay giảm như lương thực, chất đốt chứ không thể ôm đồm hết được”.