Nhiều chuyên gia cho rằng giá cả tăng là do một số doanh nghiệp đầu cơ, “té nước theo mưa”, lợi dụng cơ hội “làm giá” và nền kinh tế nước ta vận hành kém hiệu quả.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) phản ánh mức lạm phát, chỉ số GDP phản ánh mức tăng trưởng kinh tế. Tốc độ tăng trưởng kinh tế phải cao hơn tốc độ lạm phát mới bảo đảm cho nền kinh tế phát triển có hiệu quả.
Giảm thuế, không giảm được giá
Sau khi gia nhập WTO, chúng ta chủ trương hàng hóa VN phải tiếp cận giá thế giới. Giá lên do chính sách Nhà nước thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số loại vật tư đầu vào cơ bản của nền kinh tế.
Trên thị trường trong nước, một mặt bằng giá mới hình thành, diễn biến theo quy luật cung cầu và độ nóng lạnh của thị trường thế giới. Từ đó, theo báo cáo, chỉ số CPI 10 tháng đầu năm 2007 của nước ta tăng tới 8,12%, trong khi 10 tháng năm 2006 chỉ tăng 5,4%.
Thực hiện điều chỉnh giá theo cơ chế thị trường, Chính phủ quyết định dùng biện pháp giảm thuế, bỏ qua các biện pháp khác. Khi tiến hành giảm thuế nhập khẩu 20 mặt hàng để giảm giá, nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn kêu giá nguyên liệu tăng cao nên khó lòng điều chỉnh giảm giá hàng hóa.
Trên thị trường, nhiều mặt hàng nông sản thực phẩm tiếp tục tăng giá mạnh. Như vậy giảm thuế nhưng không giảm được giá. Cuối cùng DN được hưởng lợi nhuận tăng cao, còn người dân vẫn chịu giá cao.
Nhiều chuyên gia cho rằng giá cả tăng là do một số DN đầu cơ; “té nước theo mưa”, lợi dụng cơ hội “làm giá”. Ngoài ra, lạm phát còn do nhiều nguyên nhân, trong đó có nền kinh tế nước ta vận hành kém hiệu quả.
Thực vậy, để được 1 đồng tăng trưởng GDP của nước ta, trước cuộc khủng hoảng năm 1997 chỉ cần 3,4 đồng vốn đầu tư, nay đòi hỏi tới gần 5 đồng. Hiệu quả đầu tư giảm hơn 40%, lãng phí rất lớn. Tăng đầu tư thì phải tăng cung tiền, tăng tín dụng.
Nền kinh tế phát triển chưa bền vững
Tình trạng thất thoát, lãng phí trong đầu tư, tham nhũng cũng gây nên lạm phát. Qua thanh tra một số công trình xây dựng cho thấy, tỉ lệ thất thoát đến 30%-50%. Mỗi năm vốn ngân sách, vốn tín dụng ưu đãi và vốn ODA đầu tư vào xây dựng phát triển trên cả nước khoảng 80.000 tỉ đồng.
Với tỉ lệ thất thoát như trên thì mỗi năm đã có hàng chục ngàn tỉ đồng bị mất. Theo kết quả kiểm toán năm 2006 về niên độ ngân sách 2005, kiểm toán Nhà nước cũng kiến nghị xử lý tài chính 7.622,5 tỉ đồng.
Lạm phát còn do đầu tư không đúng hướng, không quan tâm đến hiệu quả kinh tế. Các nhà đầu tư chỉ dựa vào lợi nhuận đơn thuần mà tiến hành đầu tư, làm cho nền kinh tế phát triển chưa bền vững.
Nhiều ngành, lĩnh vực ít có lợi nhuận không phát triển được. Các nhà đầu tư chỉ tập trung vào 2 lĩnh vực đang tăng trưởng nóng tại VN là địa ốc và chứng khoán do lợi nhuận cao hơn các ngành kinh doanh khác. Các ngân hàng thương mại nước ta cũng đẩy mạnh cho vay tiền mua đất, bất động sản, kinh doanh chứng khoán.
Chính nguồn cho vay dư thừa từ phía ngân hàng đầu tư bất động sản và mua cổ phiếu ồ ạt là nguyên nhân của sự bùng nổ lạm phát.
Nhà nước không thể làm ngơ mà phải có biện pháp thỏa đáng xử lý những hành vi tác động đến tăng giá, tăng lạm phát, làm phương hại đến lợi ích chung, đến sự công bằng xã hội, đến đời sống người dân. Nếu không, mục tiêu tăng trưởng GDP 9% năm 2008 sẽ mất đi ý nghĩa và tăng trưởng đó không có tính bền vững.
Giá nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực còn cao
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế quốc tế, trong hầu hết mọi lĩnh vực kinh tế của VN, chi phí sản xuất, quảng cáo đều rất cao. Giá hầu hết các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của VN đều cao hơn các đối thủ cạnh tranh, làm giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
So với ASEAN, Trung Quốc, giá điện VN cao hơn 50%; giá nước hơn 71%; cước vận tải biển hơn 27%; cước phí điện thoại quốc tế hơn 174%; quần áo, hàng điện tử, điện máy hơn 30%-50%. Rau quả, thịt heo, cá basa... của ta cũng đắt hơn nhiều nước.