Lãi suất lại nóng

09:40, 28/11/2007

Hòa nhịp vào cơn sốt giá tiêu dùng, gần như đồng thời với việc tăng giá bán lẻ xăng dầu, lãi suất tiết kiệm VND vừa được các NHTM đẩy lên mức cao mới.

Tuần qua, một loạt NHCP thông báo tăng lãi suất VND. Ngày 23/11, Ngân hàng Ngoài quốc doanh (VPBank) quyết định tăng lãi suất huy động VND ở hầu hết các kỳ hạn kể từ ngày 24/11/2007. So với biểu lãi suất cũ, mức lãi suất VPBank điều chỉnh mới tăng từ 0,01%/tháng đến 0,07%/tháng. Biểu lãi suất mới của Ngân hàng An Bình (ABBANK) vượt ngưỡng 10%/năm.

Khan hiếm tiền đồng

Ngoài các NH đã nhanh chân đưa ra quyết định tăng lãi suất huy động VND, Một số NH khác cũng cho biết sẽ nhanh chóng tăng lãi suất có tính cạnh tranh. Về chuyện này, giám đốc một NHTMCP cho biết, NH đang khan hiếm tiền đồng trong ngắn hạn, nên các NH sẽ ưu tiên tăng mạnh mức lãi suất loại kỳ hạn 1 - 3 tháng. Ví dụ như mức lãi suất tăng mạnh nhất của VPbank là loại kỳ hạn 1 - 2 tháng.

Lãi suất huy động nóng lên sau khi lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đột ngột sốt nóng lên 12 -15%/năm, tăng gấp đôi so với tuần trước. Lý do là nguồn cung VND đột ngột sụt giảm mạnh. Lý giải của một giám đốc NHTM cho rằng, các NHTM đã tung VND ra quá nhiều để mua USD trong khi không giải quyết được đầu ra, khiến USD ứ đọng mà tiền đồng lại khan hiếm. Một nguyên nhân khác nữa là do các NH đã mua vào trái phiếu, kỳ phiếu do NHNN phát hành để kiềm chế lạm phát, trong khi chưa bán được lượng ngoại tệ đã mua về để có thêm lượng VND điều chỉnh cung - cầu trong lưu thông.

Gánh nặng đè vai DN

Nhu cầu vốn của DN và người tiêu dùng thường tăng mạnh vào cuối năm. Mặc dù vốn khả dụng của các NH gần đây đang dồi dào, nhưng để đảm bảo nguồn cung phải có một kế hoạch phòng ngừa trước. Chính vì vậy, cung VND trên thị trường liên NH trở nên khan hiếm là điều khó khăn cho các NHTMCP. Với tình hình lãi suất qua đêm tăng cao sẽ rất khó khăn trong việc vay tiền để cung ứng khi cần đến vốn.

Giới chuyên gia NH dự báo, lãi suất còn tiếp tục nóng thêm từ nay đến cuối năm, thời điểm thanh toán của các DN gia tăng mạnh mẽ. Nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng rất lớn. Trong khi đó, áp lực kiềm chế lạm phát buộc NHNN phải lựa chọn không đưa quá nhiều tiền ra lưu thông.

Tuy nhiên, có một thuận lợi là lãi suất trên thị trường quốc tế đang trong chiều hướng giảm, cộng với tín hiệu từ chính sách của Ngân hàng nhà nước là ổn định lãi suất thị trường nên lãi suất huy động hay cho vay của các NHTM được dự báo là khó tăng nóng. Nhưng chỉ với việc các NH đẩy mặt bằng lãi suất lần này vượt ngưỡng 10% ở một số kỳ hạn cũng cho thấy lãi suất cho vay cũng bị đẩy lên cao, tăng chi phí vốn cho DN vốn đang loay loay chống chọi với bão giá dịp cuối năm này.