Nguy cơ mất vùng nguyên liệu mía đường

08:52, 21/11/2007

Hiện ngành mía đường đang xúc tiến thành lập một công ty thương mại chuyên về kinh doanh đường nhằm giúp các nhà máy sản xuất cân đối nguồn hàng, cũng như bình ổn giá cả. Cũng như thành lập quỹ dự phòng rủi ro cho ngành mía đường.

Theo kế hoạch, niên vụ 2007- 2008, các nhà máy sản xuất đường trên cả nước đạt 1,4 triệu tấn đường. Nhưng theo các nhà chuyên môn, khó có khả năng đạt được con số trên, thậm chí còn có thể giảm đáng kể.

Thu nhập thấp

Hầu hết các nhà máy sản xuất đường ở các tỉnh- thành đều kêu cứu lên Bộ NN-PTNT cũng như UBND các tỉnh về việc sớm phê duyệt, điều chỉnh vùng trồng mía để họ yên tâm sản xuất, tránh tình trạng bấp bênh như lâu nay dẫn đến tranh mua, tranh bán mía nguyên liệu.

Hiện nay người trồng mía không còn mặn mà với cây mía do năng suất thấp, thu nhập kém hơn nhiều so với trồng các loại cây khác. Nguồn thu từ 1 ha mía chỉ khoảng 20 triệu đồng, còn trồng mì thu nhập lên đến 40 triệu đồng.

Ông Lê Văn Dĩnh, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Mía đường Bourbon Tây Ninh, cho biết hiện nay có tình trạng người trồng mía hủy hợp đồng với nhà sản xuất bằng cách bỏ phế đồng mía, thậm chí có chủ đất còn tổ chức đốt mía để thu hồi đất chuyển sang canh tác cây khác. Chưa kể, nhiều nhà máy sản xuất cồn đang sử dụng nguồn nguyên liệu mía khá lớn.

Theo ông Võ Thành Đàng, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường VN, nếu tình trạng giá đường rớt xuống còn 6.000 đồng/kg, sẽ có nhiều nhà máy phá sản. Một nghịch lý lâu nay vẫn chưa giải quyết được là về cây giống.

Nhiều giống mía đang canh tác trong nước đã có cách nay trên 30 năm cho năng suất thấp, chữ đường thấp có 1 con số, trong khi trên thế giới là 2 con số mà năng suất gấp đôi. Các loại cây khác như cao su, mì, dứa... đang giành đất rất dữ.

Đường ngoại sẽ tràn về

Gần đây, giá đường trên thị trường tăng khá cao (có loại tăng gần cả ngàn đồng/kg) nên đường nhập lậu từ Thái Lan, Trung Quốc có cơ hội tràn về. Bà Bùi Thị Quy, Giám đốc Công ty Mía đường Long Mỹ Phát (Hậu Giang), cho biết giá đường nhập lậu bày bán tại khu vực An Giang, Cần Thơ chỉ có 6.400 đồng/kg, còn giá đường trong nước tại Cần Thơ khoảng 8.000 đồng/kg.

Ông Lê Văn Sơn, Giám đốc Công ty Đường Bến Tre, cho biết tại chợ Gò (Campuchia), nơi tập trung mặt hàng đường Thái Lan để “đánh” về VN, loại ngon nhất chưa tới 6.000 đồng/kg nên giới buôn lậu dùng ô tô, tàu thủy chở về VN tiêu thụ khá nhiều.

Theo Hiệp hội Mía đường, niên vụ 2007- 2008 sản lượng đường thế giới đạt khoảng 169 triệu tấn. Ấn Độ sẽ vượt Brazil (32,85 triệu tấn), trở thành nước có sản lượng đường lớn nhất thế giới với 33 triệu tấn. Thái Lan đạt 7,6 triệu tấn...

Trong khi theo dự báo từ Tổ chức Đường Thế giới, mức cung sẽ vượt cầu khoảng 10,8 triệu tấn. Cho nên ngành mía đường trong nước không chỉ cạnh tranh nội địa mà còn cạnh tranh với các nước khác trên thế giới.

Dự báo giá đường thế giới sẽ tiếp tục giảm, khi đó các nhà nhập khẩu sẽ tăng lượng hàng nhập lên gấp nhiều lần.