‘’Ở nơi đất cát, phèn chua/Đội mưa, đội nắng, sớm trưa vẫn nghèo’’ (ca dao người Cát Nê)
Tôi đem tâm trạng chia sẻ với đồng chí Đỗ Thanh Tâm, Bí thư Đảng uỷ xã Cát Nê, sau tiếng thở dài anh nói: Chúng tôi đã cố gắng hết sức nhưng cuộc sống của người nông dân Cát Nê vẫn chưa thoát ra khỏi đói nghèo vì cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Đành rằng, người nông dân kiến thức làm ăn, thiếu vốn phát triển sản xuất... nhưng thiên nhiên cũng không ưu đãi cho địa phương được một thế mạnh nào. Hơn 800 hộ dân sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, nhưng đồng đất ở đây phần lớn là chưa mưa đã úng, chưa nắng đã hạn, chất đất là loại cát pha, nhiều phèn chua, nước có mần rạc (chất sắt) chẳng cây nào phát triển tốt được. Xã tôi đã có năm được biểu dương là xã có phong trào chuyển dịch cơ cấu cây trồng mạnh nhất nhì huyện, nhưng năng suất lại đứng cuối cùng. Nhà báo bảo chúng tôi phải làm sao đây?
Câu hỏi đưa ra rơi vào khoảng không im lặng.
Tôi cố vớt vát: Chẳng nhẽ đã hết cách thật rồi sao?
– Trước mắt thì chúng tôi cũng chưa nghĩ ra cách gì vì nếu chưa đảm bảo an ninh lương thực thì người còn đói nói gì tới vật nuôi, nên chuyển hướng đầu tư sang chăn nuôi cũng là không khả thi. Trong xã đã có một số hộ vay vốn đầu tư vào chăn nuôi bò thịt, nhưng vì không có điều kiện để đầu tư, nên các hộ chăn theo kiểu thả tự do trên đồi, trên núi, bò còi cọc không phát triển được, hiệu quả kinh tế rất thấp. Chưa kể, đường giao thông đi lại không thuận tiện, nếu tư thương có vào đến xã, cũng ép giá tới cùng. Mọi khó khăn, vất vả người nông dân vẫn phải gánh chịu. Phần lớn lao động của xã Cát Nê đều phải đi làm thuê làm mướn để duy trì cuộc sống.
- Xã mình có phát triển được dịch vụ hay nghề phụ gì không?
Lại thêm nhiều tiếng thở dài, đồng chí Bí thư Đảng uỷ xã và Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Xuân Chiến tính đi tính lại vẫn không vượt qua được con số 10 hộ. Đồng chí Tâm không quên nhấn mạnh: Đó chỉ là gần 10 hộ buôn bán hàng hoá nhỏ lẻ thôi, còn không có nghề phụ gì. Dân còn nghèo, gánh nặng cơm áo đè nặng trên đôi vai, làm sao còn tâm trí để tham gia các hoạt động phong trào, khối đoàn thể hoạt động cầm chừng, không có nổi một phong trào mạnh. Chưa năm nào xã đạt chỉ tiêu thu ngân sách, chỉ đạt khoảng 70% kế hoạch giao. Xã chưa xây dựng được Trường mần non, 7 lớp học vẫn phải thuê nhà dân cho các cháu có chỗ vui chơi, học tập. Cán bộ y, bác sĩ, nhân viên của Trạm xá xã vẫn phải làm việc, sinh hoạt nhờ Nhà Dân số; giao thông, thuỷ lợi đều rất khó khăn…
- May ra lần này, có sự giúp sức, hỗ trợ về vốn, giống, kỹ thuật chăn nuôi bò lai Sind của Công ty Khai thác và Chế biến khoáng sản Núi Pháo, đời sống kinh tế của một bộ phận nhân dân sẽ thay đổi- Bí thư Tâm chia sẻ - Nhiều diện tích đất đã được chuyển sang trồng cỏ nuôi bò. Chị nhìn xem, lúa thì không xanh, nhưng cỏ lại xanh mướt, cao quá đầu người. Hiện nay toàn xã có 20 hộ tham gia nuôi với tổng số 23 con, số bò phát triển tốt, một số đã đẻ bê con, các gia đình rất phấn khởi.
Tới thăm quan mô hình chăn nuôi bò lai Sind của gia đình ông Hoàng Bình Tiến, Hà Văn Hữu, Vũ Đức Hạnh … chúng đều cảm nhận được sự phấn khởi và hy vọng của các thành viên trong gia đình, chỉ trong nay mai đàn bò sẽ sinh sôi nảy nở, hy vọng đói nghèo sẽ nhường chỗ cho ấm no…