“Tăng giá xăng, dầu là bất khả kháng”

08:21, 22/11/2007

 Thứ trưởng Thường trực Bộ Tài chính Trần Văn Tá nói, quyết định tăng giá xăng dầu hôm nay là điều bất khả kháng do giá dầu thế giới tăng quá cao khiến ngân sách nhà nước không chịu nổi khoản bù lỗ.

Từ đầu tháng 10 đến nay, giá dầu trên thị trường thế giới bắt đầu tăng mạnh trở lại, bình quân tháng 10, giá dầu WTI lên đến 85,563 USD/thùng. Hơn mười ngày đầu tháng 11, giá dầu thế giới đã ở mức cao kỷ lục 95,476 USD/thùng, tăng 75,7% so với tháng 1-2007.

Dự báo giá dầu thế giới sẽ tiếp tục dao động ở mức cao và có khả năng tăng cao hơn nữa. Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu cứ tiếp tục duy trì mức giá bán xăng dầu như hiện nay cùng với mức thuế nhập khẩu xăng dầu 0% thì mặt hàng xăng lỗ khoảng 1.900 đồng/lít, dầu diesel lỗ 3.846 đồng/lít, dầu hỏa lỗ 4.165 đồng/lít, dầu ma-dút lỗ 3.332 đồng/kg.

Với mức lỗ này thì dự kiến số lỗ kinh doanh dầu trong hai tháng cuối năm nay lên đến khoảng 6.000 tỷ đồng. Như vậy, năm 2007 Nhà nước phải bù lỗ giá dầu khoảng 12.300 tỷ đồng và lỗ kinh doanh xăng khoảng 1.100 tỷ đồng. Thế nhưng năm 2007, Ngân sách nhà nước chỉ dành 2.000 tỷ đồng để bù lỗ giá dầu. Hiện còn 10.000 tỷ đồng chưa có nguồn để dành bù lỗ, gây khó khăn cho NSNN.

Hơn nữa, mỗi năm nước ta phải nhập khẩu hơn 12 triệu tấn dầu tinh (tương đương 18-20 triệu tấn dầu thô), trong khi năm 2007, sản lượng dầu thô xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ khoảng 15,4 triệu tấn. Vì thế vẫn còn thiếu 3-5 triệu tấn dầu và nếu cứ duy trì giá thấp thì NSNN không thể bù lỗ được.

Mặt khác, nếu tiếp tục để doanh nghiệp chịu lỗ, doanh nghiệp sẽ không đủ sức cung ứng hàng cho thị trường. Khi đó, sẽ gây ra những ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế.

Theo Thứ trưởng Trần Văn Tá, Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Vì vậy, nền kinh tế nước ta phải chấp nhận và thích ứng với mặt bằng giá thế giới tăng cao, không thể giữ giá trong nước biệt lập với giá thị trường thế giới.

Lần điều chỉnh này, giá bán xăng dầu mới chỉ điều chỉnh ở mức độ nhất định. Do giá thế giới tăng nên giá trong nước cần điều chỉnh để tiếp cận dần dần với mặt bằng giá thế giới, không thể điều chỉnh với mức tăng cao quá, gây sốc cho thị trường và xã hội.

Tính toán của Bộ Tài chính cho thấy, nếu giá dầu thế giới tiếp tục ở mức cao như hiện nay, để bảo đảm kinh doanh các loại dầu không lỗ thì giá bán dầu hoả và diesel phải tăng thêm từ 4.500-4.600 đồng/lít; giá bán ma-dút tăng thêm 3.700 đồng/kg.

Tuy nhiên, trước mắt, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo trong năm 2007 chưa áp dụng ngay giá bán dầu theo cơ chế thị trưởng mà chỉ điều chỉnh một bước: giá dầu diesel và dầu hoả tăng thêm 1.500 đồng - 1.600 đồng/lít; dầu ma-dút tăng thêm 2.500 đồng/kg. Đến năm 2008, giá dầu các loại mới được điều chỉnh theo giá thị trường.

Đối với giá xăng, liên bộ Tài chính-Công Thương cho phép các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối tự quyết định giá bán. Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối đã gửi liên bộ Tài chính-Công thương phương án tăng giá bán lẻ xăng với mức tăng giá thấp nhất là 1.700 đồng/lít và cao nhất là 2.000-2.300 đồng/lít.

Tuy nhiên qua xem xét, liên bộ quyết định chỉ chấp nhận mức tăng giá không quá 1.700 đồng/lít. Như vậy, các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối sẽ tự quyết định các mức giá bán khác nhau nhưng chỉ được phép bán xăng A92 với giá không quá 13.000 đồng/lít; xăng A90 không quá 12.800 đồng/lít và A83 không quá 12.600 đồng/lít.

Thứ trưởng Trần Văn Tá khẳng định, sau khi điều chỉnh giá xăng dầu như trên, Nhà nước vẫn tiếp tục thực hiện bù giá cho các doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm dầu. Còn với giá xăng, Nhà nước không bù lỗ cho các doanh nghiệp. Doanh nghiệp xăng dầu phải triệt để tiết kiệm mọi chi phí và điều hành kinh doanh xăng theo hướng lấy thời điểm kinh doanh có lãi bù cho thời điểm kinh doanh có lỗ, nhưng cả năm phải có lãi để tái đầu tư. Nhà nước tiếp tục duy trì thuế nhập khẩu xăng, dầu diesel, dầu hỏa, ma-dút ở mức 0%.

Liên quan đến quyền tự chủ của doanh nghiệp xăng dầu đầu mối trong việc tự quyết định giá bán, Thứ trưởng Trần Văn Tá cho răng, xăng dầu là một trong những mặt hàng thuộc diện Nhà nước bình ổn giá.

Theo pháp lệnh giá thì nếu trong nước có biến động lớn về giá, gây tác động xấu tới kinh tế - xã hội thì Nhà nước vẫn có thể thực hiện một loạt biện pháp để bình ổn giá.

Nhằm hạn chế những tác động do giá thị trường thế giới biến động đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu, mới đây, liên bộ Tài chính - Công Thương cũng đã báo cáo thường trực Chính phủ về nguyên tắc việc sử dụng công cụ phòng ngừa rủi ro về giá.

Hiện liên bộ đang giao cho doanh nghiệp tự xây dựng đề án sử dụng công cụ này, trong đó giá bán xăng dầu sẽ tính đến mức độ biến động về giá thế giới, để làm sao giá trong nước khi điều chỉnh không tăng cao quá. Dự kiến năm 2008 sẽ áp dụng đề án này.

Tác động của việc tăng giá xăng dầu

Việc điều chỉnh giá bán xăng dầu chắc chắn tác động không nhỏ tới sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như đời sông của người dân. Thứ trưởng Trần Văn Tá khẳng định việc tăng giá xăng dầu sẽ không tác động lớn đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bởi xăng dầu không phải là mặt hàng trực tiếp tính CPI.

Tuy nhiên, xăng dầu là một trong những nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành nên việc tăng giá bán sẽ làm tăng chi phí đầu vào của các ngành từ 0,11% đến 10,82% như điện tăng 5,6%, vận tải đường bộ 5,17%, vận tải đường sông 4,14%, vận tải đường sắt 3,68%, than 2,2%, thép 1,07%, xi măng 1,82%, đánh bắt xa bờ 10,82%…


Để hạn chế tác động của việc điều chỉnh giá xăng dầu, theo Thứ trưởng Trần Văn Tá, các bộ, ngành cần thực hiện quyết liệt các biện pháp đồng bộ.

Riêng với nông dân, ngư dân, đây là lần đầu tiên giá dầu tăng trong vòng hai năm qua nên Nhà nước có những chính sách hỗ trợ cụ thể như Bộ Tài chính hướng dẫn chính sách cấp tiền đối với hộ nghèo, những hộ gia đình gặp khó khăn ở những nơi chưa có điện phải tự mua dầu hỏa.

Bộ Tài chính cũng phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hướng dẫn việc khoanh nợ, xoá nợ cho ngư dân các khoản thuế phải nộp còn nợ Nhà nước từ năm 2003 cho đến trước thời điểm có hiệu lực của thông tư số 74/2006/TT-BTC ngày 16-8-2006 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện miễn thuế đối với hoạt động đánh bắt hải sản…

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ bãi bỏ ngay những khoản thu phí, lệ phí quy định không hợp lý, trái pháp luật. Đồng thời miễn các khoản phí, lệ phí theo quy định tại Chỉ thị số 24/2007/CT-TTg ngày 1-11-2007 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chấn chỉnh việc thực hiện các quy định của pháp luật về phí, lệ phí, chính sách huy động và sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân.

Ngoài ra, các cơ quan hành chính, sự nghiệp, các tổ chức đảng, đoàn thể và các doanh nghiệp cần tiết kiệm triệt để chi phí xăng dầu. Doanh nghiệp phải thực hiện cải tiến công nghệ, đổi mới quản lý, tiết kiệm, chống lãng phí, tăng năng suất, hạ giá thành để khắc phục khó khăn do giá đầu vào tăng và góp phần kiềm chế tăng giá sản phẩm và dịch vụ.