Theo Bộ Công Thương, tháng 10-2007, xuất khẩu hàng hóa cả nước đạt khoảng 4,2 tỉ USD, tăng 11,4% so với tháng 9. Như vậy, kết quả chung 10 tháng đầu năm cả nước đạt 39,059 tỉ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2006, đạt 83,5% kế hoạch cả năm. Nhiều sự quan ngại về việc “phá vỡ” kế hoạch xuất khẩu đặt ra vào thời điểm 6 tháng đầu năm đã phần nào được tháo gỡ.
Chạy nước rút
Đầu tàu về năng lực xuất khẩu, ngành dệt may luôn được đặt niềm tin cao trong việc hoàn thành kế hoạch. Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Lê Quốc Ân khẳng định, chắc chắn kế hoạch xuất khẩu năm 2007 của ngành dệt may sẽ đạt kế hoạch. Con số dự kiến năm nay là đạt 7,5 tỉ USD thì 10 tháng đã gần 6,4 tỉ USD, chiếm trên 85% kế hoạch. Với kim ngạch trung bình 550 triệu - 600 triệu USD/tháng của ngành dệt may thì kế hoạch còn lại sẽ nằm trong tầm tay. Theo ông Ân, do phía Mỹ vẫn còn áp dụng cơ chế giám sát chống bán phá giá hàng dệt may của VN xuất sang Mỹ, nếu không VN sẽ vượt kế hoạch cao.
Ngành thủy sản 10 tháng đầu năm đạt kim ngạch trên 3 tỉ USD, trong khi cả năm chỉ tiêu 3,6 tỉ USD. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lương Lê Phương cho biết, nếu trước đây các doanh nghiệp (DN) của ta còn vướng một số thủ tục khi xuất khẩu thủy sản sang thị trường Nga thì việc ký kết thỏa thuận giữa hai cục quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm của Nga và VN, cộng với việc tham gia hội chợ thủy sản lớn tại Ukraine vừa qua đã giúp DN VN tháo gỡ khó khăn, mở rộng thị phần, tìm kiếm đối tác mới. Ngoài ra, vụ tôm sú năm nay dự đoán sẽ được mùa dù có khó khăn về điều kiện thời tiết, mà tôm là sản phẩm chủ lực xuất sang các thị trường Nhật, EU, Mỹ.
Một số mặt hàng khác, tuy không nằm trong nhóm có kim ngạch xuất khẩu cao nhưng với tốc độ tăng trưởng cao đã góp phần hỗ trợ đắc lực cho việc hoàn thành kế hoạch xuất khẩu cả nước. Đó là gạo của VN đang ở thế thượng phong về giá trên thế giới, với mức trung bình là 293 USD/tấn. Mặt hàng tiêu đang điều tiết giá tiêu thế giới do chiếm đến 50% sản lượng xuất khẩu sang các nước; các mặt hàng như cà phê, điều, cao su đang có tốc độ tăng trưởng khá tốt trong 10 tháng đầu năm. Tính đến đầu tháng 11, sản lượng cà phê xuất khẩu cả nước đã đạt ngưỡng 1 triệu tấn, với kim ngạch đạt 1,55 tỉ USD, tăng 43% so với cùng kỳ 2006 về sản lượng nhưng tăng tới 84% về kim ngạch. Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao VN, dự kiến kế hoạch năm 2007 đạt khoảng 1,8 tỉ USD. Số liệu từ Tổng cục Hải quan, 10 tháng 2007, cả nước ước xuất khẩu đạt 123.000 tấn nhân điều, đạt kim ngạch khoảng 523 triệu USD, tăng 18,3% về số lượng và 25,4% về giá trị.
Vượt chướng ngại vật
Tại các cuộc hội thảo xúc tiến xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản và EU được tổ chức gần đây, các diễn giả cho rằng, mặc dù đây là ba thị trường trọng điểm nhưng khi tham gia xuất khẩu các DN vẫn gặp rất nhiều rào cản. Theo ông Nguyễn Cảnh Cường, Tổ trưởng Tổ Tổng hợp, Vụ châu Âu, Bộ Công Thương, đây là những thị trường khó tính và đòi hỏi cao về chất lượng hàng hóa. Rào cản lớn nhất khiến các DN gặp khó khăn khi bước chân vào thị trường này là rào cản kỹ thuật và sự “vênh” nhau về tiêu chuẩn chất lượng. Theo ông Nguyễn Bảo, Vụ trưởng Vụ châu Á, Bộ Công Thương, không những gặp vướng mắc ở khâu chất lượng sản phẩm mà các DN còn lơ mơ về luật quốc tế. Các DN lại thiếu liên kết để nâng cao khả năng sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh. Nhiều DN còn vì lợi ích riêng đã bán phá giá, ép giá các DN khác, bị kiện chống bán phá giá, gây lãng phí về tài chính và ảnh hưởng đến thị phần xuất khẩu.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng để tăng thị phần, bên cạnh những hỗ trợ từ phía Chính phủ, điều quan trọng nhất là các DN phải tự gỡ khó cho mình bằng cách cải thiện khả năng tham gia xuất khẩu. Nếu làm được điều này thì những mục tiêu xuất khẩu đề ra trong năm 2008 cũng sẽ nằm trong tầm tay của DN.