Theo các chuyên gia, chương trình “Bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống VN” đang đứng trước rất nhiều thách thức, như: tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất trầm trọng, chất lượng sản phẩm kém, khả năng cạnh tranh yếu ớt... Nếu không sớm giải quyết những vấn đề này thì việc phát triển kinh tế làng nghề sẽ còn là câu chuyện nhiều tập....
“Cháy” nguyên liệu
Hàng loạt các làng nghề tại Thái Bình, Quảng Nam, Đà Nẵng, nhiều hộ dân tại làng gốm Bát Tràng (Hà Nội), làng dệt lụa ở Vạn Phúc (Hà Tây)... đang rơi vào tình trạng làm ăn thua lỗ, buộc phải bỏ nghề, hoặc nếu chưa “đóng cửa” thì cũng chuyển sang sản xuất đồ chợ...
Lý giải cho thực trạng trên, ông Lê Bá Ngọc, Trung tâm Nghiên cứu Hỗ trợ Làng nghề thủ công truyền thống VN, cho rằng người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng nước ngoài, ngày càng đòi hỏi những sản phẩm có mẫu mã đẹp, chất lượng cao, giá năm sau phải rẻ hơn năm trước.
Trong khi đó, giá nguyên liệu ngày càng “leo thang”. Hiện giá nguyên liệu của một số mặt hàng như: mây tre đang ở mức 9.000 đồng/kg, luồng là 15.000 đồng/kg... là mức cao nhất trong vòng 5 năm qua.
Ông Ngọc cho biết mới đây, các làng nghề, doanh nghiệp (DN) sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, dùng các nguyên liệu mây, tre, luồng... đã bị một phen khốn đốn vì nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước cạn kiệt. Nguyên nhân là do một DN sản xuất các mặt hàng thủ công truyền thống tại Bình Dương đã “trúng” một hợp đồng cung cấp hàng cho đối tác nước ngoài.
Vì vậy, để đáp ứng được nguồn hàng, DN này đã thực hiện “chiến dịch” vét sạch đến không còn một ký nguyên liệu. Và khi “chiến dịch” này được thực hiện, các làng nghề, DN trong cùng ngành mới ngã ngửa ra vì nguyên liệu cho sản xuất đã bị “cháy” cạn kiệt. “Chỉ một DN thực hiện thu gom mà cả ngành đã lao đao vì không còn nguyên liệu, cho thấy tình trạng thiếu nguyên liệu đã đến mức báo động!”, ông Ngọc nói.
Càng làm càng nghèo?
Trao đổi với phóng viên Báo NLĐ, ông Tôn Gia Hóa, Trưởng Phòng Ngành nghề nông thôn, Cục Chế biến Nông lâm sản và nghề muối - Bộ NN-PTNT, nói rằng: “Các làng nghề truyền thống của VN còn rất nhiều điểm yếu. Nhưng phải có điểm yếu thì mới đúng là làng nghề. Nói như vậy để thấy được thực trạng làng nghề VN quá yếu và thiếu động lực phát triển”. Có cùng quan điểm, ông Lê Bá Ngọc cũng cho rằng không ít làng nghề VN càng làm càng nghèo, càng làm càng yếu, đầu tư không thu lại lợi nhuận...
Theo ông Tôn Gia Hóa, việc sản xuất phân tán, quy mô nhỏ; cơ sở hạ tầng yếu kém; công nghệ, máy móc, thiết bị lạc hậu, hầu hết là các loại máy móc đã được thải ra ở thành thị và vấn đề quản lý ngành nghề nông thôn của Nhà nước còn chưa “đến nơi”... đã khiến các làng nghề làm ăn không hiệu quả.
Một số DN làm ăn khấm khá lại thích chạy theo phong trào, tham vọng quá lớn khi muốn làm ăn với các “đại gia” trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy, khi làm ăn với các tập đoàn lớn, rủi ro và áp lực về khối lượng hàng hóa là rất lớn, nhiều DN đã phải phá vỡ hợp đồng và bỏ cuộc.