Cái khó ở xóm người Dao Ba Nhất

08:38, 17/09/2013

Xa trung tâm nhất, đường đi khó khăn nhất, nhiều hộ nghèo nhất so với các xóm trong xã Phú Thượng (Võ Nhai), đó là 3 cái "nhất" của xóm người Dao Ba Nhất. Cả xóm có 196 hộ, 90% số hộ là người dân tộc Dao định cư trên các sườn núi với cây ngô là nguồn lương thực chính. Năm nay, thời tiết không thuận lợi đã ảnh hưởng lớn đến đến đời sống của bà con bởi năng suất, sản lượng ngô trồng chỉ bằng 60-65% so với mọi năm.

Từ trung tâm xã, vượt hơn chục đường quanh co, bám vào sườn núi chúng tôi mới đến được khu Đồng Lạn, là nơi trồng nhiều ngô nhất của xóm. Tại đây, chúng tôi thấy ông Triệu Sĩ Phượng đang lật tấm bạt phủ lên đống ngô tranh thủ hứng những tia nắng hiếm hoi sau đợt mưa vừa qua. Do không được hong phơi đủ nắng nên nhiều bắp bị hỏng, mốc đen, có bắp đã lên mầm…

 
Ông Phượng ngán ngẩm: Với gần 2ha, trung bình mỗi vụ, gia đình tôi trồng 20kg giống thì thu về được khoảng 7 - 8 tấn ngô. Nhưng vụ này may lắm chỉ đạt chừng 60% sản lượng. Đã vậy, giá ngô hạt mấy hôm nay chỉ bán được 48 đến 50 nghìn đồng/kg (trước đây 60 đến 62 nghìn đồng/kg) nên tính ra chỉ đủ bù lại tiền giống và tiền phân bón. Bao nhiêu công sức coi như bằng không.


Theo quan sát của chúng tôi, ở một số bãi ngô chưa thu hoạch xong, cỏ dại đã mọc cao quá đầu người, cây héo quắt, gẫy gập. Rất nhiều bắp đã bị thối hoặc mọc mầm. Chị Lê Thị Nụ cùng các thành viên trong gia đình đang nhanh tay bẻ bắp. Chị than: Mấy hôm nay trời tạnh hơn, cả nhà tranh thủ lên rãy bẻ những cái còn lành mong có thể vớt vát được phần nào. Vụ vừa qua, nhà tôi trồng được trên 20kg ngô giống, thời gian đầu thấy cây mọc đều, xanh tốt, chắc mẩm sẽ có một mùa bội thu. Vậy mà… có bãi hỏng đến một nửa.


Băng qua 2 quả đồi, lội qua khe suối, chúng tôi đến nhà anh Triệu Hữu Lưu. Gia đình anh là 1 trong 45 hộ nghèo của xóm Ba Nhất. Ngồi trước đống ngô mới thu về, vợ chồng anh đang phân loại những bắp lành, bắp hỏng. Anh lo lắng: Những vụ trước, gia đình tôi trồng được 6kg ngô giống, thu được khoảng 2 tấn ngô hạt, nhưng đợt này may thì được khoảng 7, 8 tạ. Năm học mới đến rồi, ít hay nhiều, giá thấp tôi cũng phải bán lấy tiền mà đóng học cho con. Năm nay, chắc lại thiếu đói, mong gì thoát nghèo.


Nhìn vào “cơ ngơi” của gia đình anh Lưu chỉ hơn chục mét vuông không có gì đáng giá, vách nứa đơn sơ, xiêu vẹo, chúng tôi không khỏi chạnh lòng.


Anh Lý Văn Sinh, Trưởng xóm Ba Nhất buồn rầu: Với trên 100ha, trung bình mỗi vụ, người dân trồng gần 2 tấn ngô giống, năng suất đạt hàng nghìn tấn ngô hạt… Thời gian vừa qua, thời tiết không mấy thuận lợi, mưa bão kéo dài làm bắp bị hỏng rất nhiều. Đến thời điểm này các hộ dân mới cơ bản thu hoạch xong vụ ngô, chậm đến hơn 2 tháng so với thời vụ, sẽ ảnh hưởng tiếp tới vụ sau. Ước tính lượng ngô bị hỏng khoảng 35-40%, có hộ mất quá nửa. Chúng tôi chưa bao giờ thấy mưa nhiều và liên tục như năm nay. Hiện xóm còn 45 hộ nghèo, 28 hộ cận nghèo. Nhưng tình hình này chắc tỷ lệ nghèo sẽ tăng lên.


Anh Chu Đức Trường, cán bộ Địa chính - Nông nghiệp xã Phú Thượng cho chúng tôi biết: Ba Nhất là địa bàn rộng nhất xã. Từ đầu xóm đến cuối xóm có chiều dài tới trên 12km. Người dân sống rải rác trên các sườn núi, được chia thành 2 khu chính là Ba Nhất (110 hộ) và Đồng Lạn (86 hộ).


Ông Triệu Sinh Tài, Bí thư chi bộ Ba Nhất chia sẻ: Đường xấu quá, ô tô không vào được, đi xe máy thì khó nên mọi thứ làm ra đều phải bán rẻ hơn rất nhiều so với ngoài chợ. Chỗ nào khó đi quá, chúng tôi huy động nhân dân lấp đất làm mặt bằng nhưng hễ mưa thì lại lở, trôi hết. Cũng vì ở xa, cách khe, cách núi mà hiện nay, xóm còn 5 hộ chưa biết đến ánh sáng của điện và 29 hộ phải tự kéo đường dây dài trên 3km, nhưng điện yếu lắm, chỉ thắp sáng được thôi.

Từ những gì được nghe và thấy, chúng tôi không khỏi chạnh lòng trước khó khăn mà các hộ dân ở Ba Nhất đang phải đối mặt. Hy vọng trong thời gian tới, xóm Ba Nhất tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền và ngành chức năng, cùng với sự nỗ lực vươn lên của mỗi người dân, những khó khăn sẽ vơi dần.