Sau 6 năm mở cửa, thị trường bán lẻ Việt Nam bắt đầu cảm nhận được "sự đổ bộ" của các doanh nghiệp nước ngoài tràn vào như đã cảnh báo.
Trong bối cảnh cạnh tranh gia tăng và khủng hoảng kinh tế, nhiều doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đã buộc phải kiện toàn lại bộ máy và đổi mới phương thức kinh doanh.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam cho rằng chính sách phân cấp đầu tư trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và quy hoạch ngành kém là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp bán lẻ trong nước trở nên yếu thế trước đối thủ cạnh tranh nước ngoài.
Cuộc đua khốc liệt
Theo ông Trần Nguyên Năm, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cả nước hiện có khoảng 20 tập đoàn bán lẻ lớn quy mô quốc tế đang có mặt tại Việt Nam.
Hệ thống bán lẻ nội địa cũng đang chuyển từ phân phối truyền thống sang kênh hiện đại. Ngoài ra, còn có hàng nghìn cửa hàng chuyên doanh và cửa hàng tiện lợi (theo mô hình hiện đại của các nước tiên tiến) phân bổ rộng khắp cả nước.
Bên cạnh sự ra đời của nhiều cơ sở bán lẻ hiện đại mới, một số cơ sở được xây dựng từ những năm trước đã và đang được cải tạo, mở rộng mặt bằng kinh doanh, nâng cấp hiện đại hóa trang thiết bị...đã làm thay đổi diện mạo của thương mại bán lẻ của đất nước, thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt theo hướng văn minh hiện đại và đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế, xã hội chung của cả nước.
Theo thống kê, lượng khách hàng đến các trung tâm thương mại có vốn nước ngoài rất đông do các nhà bán buôn, bán lẻ ngành bán lẻ này chuyên nghiệp hơn, trưng bày có số lượng và mặt hàng lớn. Trong khi đó, các nhà bán lẻ nội yếu về chi phí đầu tư, yếu về năng lực quản trị. Tuy nhiên, các Tập đoàn bán lẻ lớn lại không có lợi thế khi nắm bắt tâm lý người tiêu dùng. Cuộc chạy đua giành thị phần vẫn đang diễn ra khốc liệt giữa doanh nghiệp nội và ngoại.
Vì vậy, làm thế nào để các nhà bán lẻ Việt Nam ngày càng lớn mạnh, trong khi các doanh nghiệp bán lẻ trong nước hiện đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về mặt bằng, vốn, lãi suất cao, đặc biệt sự cạnh tranh gay gắt của một số doanh nghiệp, tập đoàn bán lẻ lớn nước ngoài. Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phú Thái chia sẻ: “Bản thân các doanh nghiệp trong nước khi đi các tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, tiếp cận với đất đai, mặt bằng rất khó. Bên cạnh đó, nhiều tỉnh lại có “cảm tình” hơn với các doanh nghiệp nước ngoài, tạo điều kiện nhiều cho các doanh nghiệp nước ngoài”.
Còn theo ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Saigon CoopMart thì với cơ chế chính sách thời gian qua, nhiều doanh nghiệp phải “tự bơi”, và bơi hụt hơi, do các doanh nghiệp bán lẻ trong nước chưa được quan tâm nhiều. Điều này có thể thấy qua các cuộc đấu giá các mặt bằng lớn, các mặt bằng đẹp đều thuộc về các công ty nước ngoài. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam đa số có quy mô nhỏ và vừa, vốn hạn chế, sức cạnh tranh yếu, cơ sở vật chất lại càng khó khăn hơn. Đặc biệt, tài chính và nguồn nhân lực là hai vấn đề lớn mà các doanh nghiệp bán lẻ trong nước gặp phải. Do vậy, để có thể tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hiện nay, Bộ Công thương cần có chính sách hỗ trợ trước hết là tài chính có quy hoạch, đào tạo bài bản nguồn nhân lực để nâng cao kiến thức quản lý và tầm nhìn.
Đại diện Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho rằng, cần có sự thống nhất giữa Trung ương và địa phương để địa phương hỗ trợ doanh nghiệp có mặt bằng phát triển. Đồng thời, Chính phủ cần cân nhắc về các chính sách cho những doanh nghiệp tiên phong trong mở thị trường bán lẻ ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa. Vậy nên, các doanh nghiệp trong nước cần hợp tác bền vững, bắt tay với nhau để thay đổi chính sách kinh doanh của các doanh nghiệp nước ngoài, có vị trí trong hệ thống bán lẻ, đẩy được sản xuất trong nước và giữ được thị trường nội địa.
Thay đổi phương thức kinh doanh
Theo cam kết gia nhập WTO, từ ngày 11/1/2012 đến trước ngày 11/1/2015, Việt Nam cho phép thành lập liên doanh để cung cấp dịch vụ liên quan đến sản xuất, trong đó nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu đến 50% vốn điều lệ của liên doanh.
Sau ngày 11/1/2015, Việt Nam cho phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Như vậy, lộ trình mở cửa cho các doanh nghiệp sản xuất, phân phối của nước ngoài vào Việt Nam theo cam kết WTO chỉ còn hơn một năm sẽ hoàn thiện. Điều này đặt ra cho các nhà bán lẻ Việt Nam nhiều thách thức cũng như cạnh tranh khốc liệt.
Trên quan điểm người đã làm nghề siêu thị lâu năm, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị khẳng định đây là thời điểm thách thức doanh nghiệp chỉ mong hòa là may. Ông chỉ ra những khó khăn trong ngành như không dễ thu hồi vốn trong thời gian ngắn mà hiện nay vốn là cái khó nhất với doanh nghiệp. Khi sức mua kém doanh nghiệp phải kiên trì mới có thể trụ vững trong ngành, nếu không sẽ phải rút lui khỏi địa điểm đầu tư hoặc chuyển sang mục đích khác.
"Bên cạnh đó, việc xây dựng thương hiệu trên thị trường sẽ ngày càng khó khăn khi có nhiều đối thủ cạnh tranh. Dựng một siêu thị chỉ mất 6 tháng nhưng giữ được một siêu thị tốt phải mất 10 năm", ông Phú nói.
Tuy vậy, ông Phú cho rằng nếu một doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc thì vẫn có cơ hội phát triển nhưng doanh nghiệp cần một chiến lược đầu tư và kinh doanh đúng đắn. Các nhà đầu tư lúc này không nên mở ồ ạt mà cần có quy hoạch, phương án kinh doanh thấu đáo, phải điều tra nghiên cứu thị trường, nguồn hàng và đào tạo nhân lực nghiêm túc trước khi ra quyết định tham gia thị trường.
Đánh giá trung tâm mua bán hoạt động có hiệu quả hay không, theo ông Trần Nguyên Năm, không thể đo đếm bằng lượng khách vào đông hay ít. Trên thực tế, một trung tâm thương mại hòa vốn thời gian đầu là may, nhưng với ông chủ có tiềm lực, trung tâm mua bán sẽ mang lại lợi nhuận lớn trong các năm tiếp theo. Vì thế, điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp ngành bán lẻ Việt Nam có thể thành công là phải có mặt bằng lớn.
Tuy vậy, tại các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh việc tìm được mặt bằng lớn là một thách thức. Tiếp đó là duy trì nguồn hàng ổn định, đặc biệt là mùa cao điểm, có xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng và giá cả hợp lý là điểm cộng của mỗi siêu thị. Sau cùng là công nghệ thông tin để quản lý bán hàng, kho, tài chính thu chi, nguồn hàng và nhân sự.
Việc triển khai toàn diện hệ thống công nghệ áp dụng cho quản lý siêu thị không những làm tăng hiệu suất kinh doanh, tiết kiệm chi phí quản lý mà còn giúp doanh nghiệp không bị thất thoát, giảm thiểu những rủi ro phát sinh trong quá trình hoạt động.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch hiệp hội bán lẻ Việt Nam cho rằng để các doanh nghiệp bán lẻ thích nghi với điều kiện hiện nay thì các doanh nghiệp bán lẻ trong nước phải tìm cách vươn lên mạnh mẽ hơn nữa. Đây cũng là thời điểm thích hợp để doanh nghiệp bán lẻ nội tự đánh giá lại tiềm lực, cải tổ những thiếu sót, áp dụng những phương thức tích cực.
Nhằm phát huy những thế mạnh, đồng thời hạn chế những nhược điểm của doanh nghiệp bán lẻ trong nước, đại diện Bộ Công Thương cũng cho biết thời gian tới sẽ có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ trong nước liên doanh với các Tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới lập cơ sở bán lẻ ở Việt Nam để qua đó học hỏi kinh nghiệm, tiếp thu trình độ quản lý và công nghệ tiên tiến. Trong đó, điều kiện bắt buộc là doanh nghiệp Việt Nam nắm giữ 51% số vốn điều lệ.
Bộ Công Thương cũng vừa phê duyệt Quy hoạch phát triển cho mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại. Theo đó, đến năm 2020, cả nước sẽ có khoảng 1.200-1.300 siêu thị, 180 trung tâm thương mại. Bên cạnh đó, Chính phủ khuyến khích doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia. Dự báo đến 2020, tỷ trọng bán lẻ qua mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại sẽ chiếm 45% tổng mức bán lẻ hàng hóa xã hội. Song để phát triển bền vững và trở thành địa chỉ tin cậy của người tiêu dùng, hệ thống siêu thị phải nỗ lực nhiều hơn nữa.
Mặt khác, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam cần phải quyết liệt thay đổi phương thức kinh doanh, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng nhằm đảm bảo khả năng cạnh tranh trên thị trường. Đặc biệt, các siêu thị cần đáp ứng nhanh đòi hỏi của thị trường bán lẻ năng động và nhiều biến đổi bởi các hình thức bán lẻ hiện nay sẽ còn không phù hợp trong tương lai. Do đó, các siêu thị cần khắc phục các “căn bệnh” cố hữu của thị trường phân phối bán lẻ Việt Nam./.