Đổi thay ở một xã Anh hùng

09:40, 18/09/2013

Về Bình Sơn vào những ngày này, chúng tôi được hòa mình vào không khí phấn khởi, tưng bừng của cán bộ và nhân dân đang nô nức chuẩn bị Kỷ niệm 60 năm ngày thành lập xã. Bên con đường rộng mở về các xóm là cánh đồng vàng rực đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch với những bông lúa trĩu nặng, uốn cong như lưỡi liềm; những đồi chè bát úp xanh ngát; hệ thống kênh mương thuỷ lợi trải dài đã được kiên cố hoá… Khung cảnh ấy phần nào minh chứng cho bức tranh kinh tế - xã hội của Bình Sơn đang ngày càng khởi sắc...

Từ truyền thống cách mạng vẻ vang…

Cách đây 60 năm, ngày 21-9-1953, xã Bình Sơn được thành lập, từ các làng cổ lâu đời trên dải đất phía Tây Bắc của T.X Sông CôngVới 8 dân tộc anh em,mỗi dân tộc có nét văn hóa riêng, song lại có những điểm chung của các dân tộc miền núi, đó là cần cù lao động, đức tính thật thà, giàu lòng nhân ái, mến khách, đoàn kết trong xây dựng và bảo vệ quê hương, kiên cường bất khuất trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm.

Trước đó, vào khoảng những năm 1943-1944, xã Bá Vân (một phần của xã Bình Sơn ngày nay) đã trở thành trung tâm, nơi khởi nguồn phong trào cách mạng của một khu vực rộng lớn, gồm một phần huyện Phổ Yên, T.X Sông Công và T.P Thái Nguyên ngày nay. Điều này một phần xuất phát từ việc thực dân Pháp thành lập Căng Bá Vân năm 1942, nhằm giam giữ tù nhân chính trị, phần lớn là những chiến sĩ cộng sản (căng - camp có nghĩa là trại, theo tiếng Pháp). Ngày đó, vùng đất hoang vu hẻo lánh này được thực dân Pháp coi là chỗ lý tưởng để xây dựng trại tù (kết hợp với chế độ nghiệt ngã của trại giam, lao động nặng nhọc, ăn uống kham khổ) nhằm thực hiện mưu đồ là sẽ làm cho những người bị giam giữ ở đây sa sút tinh thần, suy kiệt sức lực đến chết dần, chết mòn…

Tuy nhiên, những chiến sĩ cách mạng bị giam cầm ở Căng Bá Vân đã biến những tính toán của địch thành điều kiện tốt để tiếp tục hoạt động và truyền bá lý tưởng cách mạng ra khu vực xung quanh. Điều này được thực hiện với sự che chở, đùm bọc và tạo điều kiện hết mình của nhân dân xã Bá Vân. Vì có phong trào cách mạng phát triển mạnh, Bá Vân trở thành Trạm liên lạc trung tâm trên đường giao liên từ ATK2 lên Việt Bắc, cơ sở của Mặt trận Việt Minh đã được thành lập ở đây từ cuối năm 1944, rồi sau đó là một trong những địa phương giành được chính quyền sớm (tháng 6-1945). Sau Cách mạng Tháng Tám, làng Bình Định (nay được chia ra thành 3 xóm của xã Bình Sơn) được Trung ương tin tưởng để chọn đặt các cơ sở quan trọng như: Văn phòng Cục Quân giới, Văn phòng Cục Quân y, Trường Trung học Lục quân Trần Quốc Tuấn…

Trong hai cuộc đấu tranh trường kỳ chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ xâm lược, xã Bình Sơn đã đóng góp sức người, sức của để chi viện cho tiền tuyến, cho miền Nam ruột thịt. Ngoài bảo vệ, nuôi dưỡng các đồng chí lãnh đạo, chiến sĩ về bí mật hoạt động cách mạng, trên 300 người con của xã đã trực tiếp tham gia chiến đấu, trong đó có 97 đồng chí đã anh dũng hy sinh; 45 đồng chí để lại một phần xương máu nơi chiến trường; 116 đồng chí mang trên mình chất độc hóa học. Kết thúc chiến tranh, cán bộ và nhân dân Bình Sơn đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng 467 Huân chương, Huy chương các hạng; 1 Bằng khen của Chính phủ cho tập thể; phong tặng 1 bà mẹ Việt Nam Anh hùng và 1 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 8 gia đình có công với nước.

Với những thành tích đó, năm 1999, nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân xã Bình Sơn đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Pháp và Huân chương Lao động hạng Ba trong thời kỳ đổi mới. Căng Bá Vân cũng đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể dục - Thể thao) cấp Bằng công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia…

Đến những đổi thay tích cực

Theo đồng chí Dương Hồng Vượng, Bí thư Đảng ủy xã Bình Sơn thì truyền thống cách mạng là tài sản vô giá, là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần to lớn và cũng đặt ra yêu cầu cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã phải tìm cách phát huy truyền thống ấy trong phát triển kinh tế, văn hóa, thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa sao cho xứng đáng với một vùng đất Anh hùng. Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, từ 400 hộ dân ban đầu, đến nay, toàn xã có trên 2 nghìn hộ với 8.265 nhân khẩu. Là xã miền núi xa trung tâm, giao thông khó khăn và thường xuyên bị chia cắt vào mùa mưa lũ, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, nhưng Bình Sơn đã và đang gặt hái được những thành tích đáng kể trên tất cả các lĩnh vực. Điều đáng ghi nhận nhất ở Bình Sơn là phong trào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Xác định nông, lâm nghiệp là thế mạnh của địa phương, xã tập trung vào việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, hướng đến nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Thực hiện chủ trương này, xã chú trọng triển khai các mô hình cây giống mới (đặc biệt là chè và lúa, 2 loại cây trồng thế mạnh) để làm cơ sở nhân rộng, chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp thông qua việc phối hợp mở những khóa đào tạo, tập huấn cho người nông dân, đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện cho nông dân vay vốn phát triển sản xuất.

Vì vậy, tỷ lệ diện tích lúa lai của xã vài năm trở lại đây thường đạt trên 30%, năng suất lúa bình quân ở mức 42 tạ/ha (năm 2007) đã tăng lên 50 tạ/ha (năm 2012), sản lượng lương thực có hạt tăng từ 2,4 nghìn tấn (năm 2008) lên 3,5 nghìn tấn (năm 2012), các giống chè cành đang được nông dân trong xã ưu tiên đưa vào sản xuất (hiện chiếm gần 40% diện tích chè toàn xã), các loại cây trồng mới như khoai tây, bí xanh được người dân tích cực đưa vào sản xuất… Bộ mặt nông thôn ngày một khởi sắc, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ 28% (năm 2007) xuống còn 7,9% (năm 2012), thu nhập bình quân đầu người đạt gần 12 triệu đồng/năm. Cùng với đó, đời sống văn hóa của người dân cũng ngày càng được cải thiện, hiện có 22/25 xóm có nhà văn hóa, 4/4 trường học của xã đã đạt chuẩn Quốc gia, xã đã được công nhận phổ cập tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập trung học cơ sở…

Bên cạnh đó, trong xây dựng nông thôn mới, xã đã hoàn thành 10/19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí Quốc gia. Ông Lê Quang Huấn, người dân ở xóm Xuân Đãng, năm nay đã gần 90 tuổi, cho biết: So với trước đây, Bình Sơn hôm nay đã có những bước phát triển vượt bậc. Cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm giờ đủ hết. Ngày trước, nói đến Bình Sơn, người ta thường nghĩ đến vất vả, đói nghèo. Bây giờ mọi chuyện đã khác rồi, người dân không còn lo đến chuyện “ăn no, mặc ấm” nữa mà đã nghĩ đến chuyện làm giàu...

Rời Bình Sơn, dẫu con đường liên xóm vẫn còn những chỗ khó đi, cuộc sống của người dân vẫn còn những khó khăn, nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy phấn chấn và tin tưởng vào sự chuyển mình của xã Bình Sơn. Bởi, với truyền thống của một vùng đất cách mạng và với những thành tựu đã đạt được, nhất định nơi đây sẽ trở thành vùng đất trù phú và đầy sức sống…