Chỉ sau 2 năm làm Trưởng xóm, anh Dương Văn Hòa (sinh năm 1971), người dân tộc Sán Dìu ở xóm Làng Phan, xã Cổ Lũng (Phú Lương) đã có nhiều đóng góp tích cực, góp phần làm thay đổi diện mạo của xóm, được nhân dân tin tưởng. Hơn 20ha đất trồng lúa (chiếm 57% tổng diện tích lúa của cả xóm) đã được chuyển đổi theo mô hình cánh đồng một giống cho năng suất cao; 800 đường nội đồng được bê tông hóa bằng nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước và nhân dân đối ứng; tiến bộ khoa học kỹ thuật được chuyển giao, áp dụng tại địa phương…
Nhận xét về anh Hòa, ông Dương Văn Lê, người đã sống tại Làng Phan hơn 65 năm nay cho biết: "Anh Hòa làm việc rất nhiệt tình, trách nhiệm. Từ khi anh Hòa làm Trưởng xóm, mọi việc trong xóm đều được triển khai hiệu quả…". Còn bản thân anh Hòa chia sẻ: "Làm công tác xã hội, điều quan trọng là phải đặt lợi ích tập thể lên trên hết. Có như vậy, mọi việc mới đạt hiệu quả cao". Mặc dù mới đảm nhận vai trò Trưởng xóm từ năm 2011 nhưng với cách làm sáng tạo, biết lựa sức dân, vì lợi ích chung nên anh Hòa được nhân dân trong xóm rất tin tưởng. Năm 2012, anh vinh dự được bầu là một trong những người uy tín tiêu biểu trong cộng đồng của huyện Phú Lương.
Được biết, từ năm 1988 đến năm 2010, anh Hòa đã tham gia nhiều nhiệm vụ quan trọng tại địa phương như: Bí thư Chi đoàn, Bí thư Chi bộ, Ủy viên BanChấp hành Đoàn xã. Tuy nhiên, thời gian ấy, do điều kiện kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn nên làm được vài năm, anh Hòa phải xin nghỉ để đi làm ở nơi xa. Đến năm 2011, khi tích lũy được chút vốn, anh quyết định trở về quê hương sinh sống, đầu tư vào trồng chè, chăn lợn, phát triển kinh tế gia đình. Bởi thế anh lại tiếp tục được bà con trong xóm tin tưởng bầu làm Trưởng xóm. Làm thế nào để cuộc sống của bà con bớt khó khăn là điều khiến anh trăn trở rất nhiều. Đúng thời điểm ấy, Trạm Khuyến nông huyện Phú Lương có kế hoạch xây dựng mô hình cánh đồng một giống tại xã Cổ Lũng. Thấy đây là cơ hội tốt, anh đã mạnh dạn xin triển khai tại xóm mình. Đề xuất được chấp nhận, anh cùng đại diện các đoàn thể trong xóm tích cực vận động các hộ có ruộng trong diện tích quy hoạch tham gia. Mô hình cánh đồng một giống lúa Syn6 đã được triển khai hiệu quả, năng suất lúa trung bình đạt 2,8-3,5 tạ/sào (gấp 1,5 lần so với các giống lúa khác được cấy tại địa phương). Với kết quả ấy, vụ mùa năm nay, anh tiếp tục đứng ra nhận chương trình cánh đồng một giống lúa thuần chất lượng cao do Trạm Khuyến nông huyện triển khai cho bà con trong xóm.
Ông Dương Văn Lý, người dân Làng Phan cho biết: "Gia đình tôi có 6 sào ruộng. Những năm trước, tôi đã từng cấy giống lúa Syn6 nhưng do chưa nắm được kỹ thuật, không chủ động được nước, thời gian chăm sóc, bón phân nên năng suất thấp. Nhờ có mô hình cánh đồng 1 giống nên vụ vừa rồi, năng suất lúa của gia đình tôi đạt 3 tạ/sào. Vụ này, tôi tiếp tục tham gia mô hình này để cấy lúa thuần. Với việc áp dụng đúng khoa học kỹ thuật, cộng thêm thời tiết thuận lợi, chắc chắn năng suất lúa sẽ đạt cao…" .
Cùng với việc phối hợp, triển khai hiệu quả mô hình cánh đồng một giống, cuối năm 2012, khi được Nhà nước hỗ trợ 50% kinh phí xây dựng 800m đường bê tông nội đồng, anh Hòa đã phối hợp với các đoàn thể khác trong xóm tổ chức họp dân, tuyên truyền để mọi người cùng hiểu về lợi ích của việc làm đường giao thông và vận động bà con góp tiền đối ứng, trong đó mỗi nhân khẩu đóng 550 nghìn đồng. Do trong xóm còn nhiều hộ nghèo nên để bà con có tiền đối ứng làm đường, anh Hòa đã tự nguyện lấy giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình để thế chấp với ngân hàng vay 150 triệu đồng, sau đó hằng tháng, thu tiền lãi suất trong nhân dân dự kiến sẽ trả hết trong vòng 1 năm.
Hôm chúng tôi đến cũng là ngày anh Hòa cùng đại diện các đoàn thể trong xóm triển khai nhiều phần việc: thu lãi ngân hàng, phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện tổ chức tập huấn kỹ thuật chăm sóc lúa thuần chất lượng cao cho bà con… Nhìn cách làm việc nhanh nhẹn, nhiệt tình của anh và sự tham gia đông đảo của bà con, tôi cảm nhận được phần nào sự tin tưởng mà mọi người dành cho anh. Anh Đỗ Xuân Thái, người dân trong xóm vui mừng nói: "Gia đình tôi đã đóng góp hơn 2 triệu đồng để làm đoạn đường này. Lúc đầu, tôi cũng đắn đo vì số tiền khá lớn nhưng về lâu dài, chỉ khi giao thông thuận lợi thì kinh tế mới phát triển được nên chúng tôi đã đồng tình. Nếu được Nhà nước hỗ trợ làm đường bê tông, chúng tôi sẽ tiếp tục đóng góp".
Không chỉ tham gia công tác xã hội, anh Hòa còn cùng vợ phát triển kinh tế gia đình hiệu quả. Hiện nay, anh đang duy trì mô hình VAC của gia đình với 0,5ha chè, 5 sào ruộng, 1 mẫu ao cá giống, 2 con lợn nái và hàng chục con lợn thịt, cùng hàng trăm con gà, vịt, mỗi năm cho thu lãi trên 120 triệu đồng. Anh Hòa chia sẻ: "Kinh tế gia đình có vững thì mới làm tốt công tác xã hội. Cán bộ không làm tốt, không gương mẫu thì không thể tuyên truyền, vận động bà con nghe theo được…".
Hoàng hôn đã bắt đầu buông, chia tay chúng tôi, anh Hòa lại tất bật đến UBND xã để nhận giống chè Kim Tuyên mà Nhà nước hỗ trợ về cho bà con trong xóm. Anh cho biết, với lợi thế phát triển cây chè và cây lúa (70/115ha tổng diện tích đất tự nhiên của xóm trồng lúa, chè), thời gian tới, anh cùng các đoàn thể khác trong xóm sẽ tiếp tục vận động nhân dân chuyển đổi hơn 15ha chè trung du sang trồng chè cành năng suất cao; mở rộng diện tích cánh đồng 1 giống; đối ứng làm đường bê tông…