Nhiều giải pháp để xử lý nợ xấu

08:59, 21/09/2013

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh Thái Nguyên, tính đến ngày 31-8-2013, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng (trừ Chi nhánh Ngân hàng phát triển Thái Nguyên - Bắc Kạn) trên địa bàn tỉnh đạt 18 nghìn 133 tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay đạt 21 nghìn 338 tỷ đồng; nợ xấu 363 tỷ đồng, bằng 1,07% , thấp hơn so với bình quân chung của cả nước (đến hết tháng 7-2013, nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam là 4,58%).

Như vậy, mặc dù các tổ chức tín dụng (TCTD) đã có nhiều biện pháp tích cực để xử lý nợ xấu (XLNX) như: trích dự phòng rủi ro; cắt giảm các chi phí không cần thiết; cơ cấu lại nợ; hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn…, song tình hình nợ xấu cải thiện không đáng kể. Nguyên nhân cơ bản vẫn là do tình hình sản xuất, kinh doanh (SXKD) còn nhiều khó khăn. Tăng trưởng của các ngành được coi là “xương sống” của nền kinh tế như: công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp tuy đã có dấu hiệu phục hồi nhưng mức độ còn rất chậm (tháng 8, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,6% so với cùng kỳ; trong nông nghiệp, tình trạng bỏ trống chuồng trong chăn nuôi còn khá nhiều…).

 

Hầu hết các doanh nghiệp (DN) đang còn hoạt động cũng chỉ ở mức ổn định hoặc tăng trưởng ở mức khiêm tốn nên khả năng hấp thụ vốn rất yếu; không trả được nợ đúng hạn dễ dẫn đến nợ xấu. Một số DN cần vay vốn nhưng không còn tài sản đảm bảo để thế chấp nên ngân hàng không dám cho vay. Chính vì chưa tháo gỡ được “nút thắt” này nên kéo theo dư nợ tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn cũng không mấy khả quan: tăng 4,08% (trong khi đó, theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN), tăng trưởng tín dụng năm 2013 phải đạt 12%); tình trạng nợ xấu của các ngân hàng có chiều hướng tăng lên (tính đến 31-12-2012, nợ xấu của các ngân hàng trên địa bàn là 204 tỷ đồng bằng 0,99%; đến hết tháng 8-2013 là 363 tỷ đồng, bằng 1,07%, tăng 0,08%).

 

Để tiếp tục XLNX, NHNNVN đã có Văn bản chỉ đạo các ngành triển khai thực hiện Quyết định số 843, ngày 31-5-2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Đề án XLNX của hệ thống các TCTD” và “Đề án thành lập Công ty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam”. UBND tỉnh cũng đã có Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án XLNX trên địa bàn tỉnh. Theo ông Bùi Tiến Đông, Phó Giám đốc NHNNVN, Chi nhánh Thái Nguyên: Nhằm triển khai Kế hoạch của UBND tỉnh, Chi nhánh đã được giao chủ trì và phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng Phương án XLNX và các giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn cho SXKD, thúc đẩy đầu tư, thương mại, tiêu dùng và phát triển thị trường thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của địa phương. Hiện nay, Chi nhánh đã xây dựng dự thảo phương án và đang lấy ý kiến của các sở, ngành liên quan (bao gồm: Tài chính; Tư pháp; Xây dựng; Kế hoạch và Đầu tư; Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Cục Thi hành án dân sự). Theo phương án này, phấn đấu đến hết năm 2015, xử lý được cơ bản số nợ xấu hiện nay. Theo đó, các giải pháp xử lý nợ xấu và phòng ngừa, hạn chế gia tăng trong tương lai được đề ra cho các TCTD là: Đánh giá lại chất lượng và khả năng thu hồi của các khoản nợ để có biện pháp xử lý phù hợp; tăng cường trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro. Tiếp tục cơ cấu lại nợ; hoán đổi nợ thành vốn; thu nợ và xử lý tài sản đảm bảo; kiểm soát chặt chẽ và giảm chi phí hoạt động; phòng ngừa, hạn chế, kiểm soát phát sinh nợ xấu trong tương lai.

 

Hiện nay, các ngân hàng trên địa bàn cũng đã và đang tích cực chủ động  XLNX. Theo  ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Chi nhánh Thái Nguyên: Hiện, nợ xấu của chi nhánh chiếm 1,3% trên tổng dư nợ (cuối năm 2012 là 0,5%). Nợ xấu tăng lên là do các DN và hộ SXKD vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Để giải quyết nợ xấu, Chi nhánh đang tiếp tục rà soát  những DN, hộ SXKD để tái cơ cấu lại nợ, nếu DN, hộ nào có phương án SXKD tốt, làm ăn phát triển sẽ tiếp tục đầu tư để giúp khách hàng khắc phục khó khăn. Đồng thời, xem xét các trường hợp cụ thể để giãn, hoãn, giảm một phần lãi suất; xử lý thu hồi, tài sản đảm bảo của một số trường hợp không còn SXKD…

 

Bà Nguyễn Thị Tuyết, Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam, Chi nhánh Thái Nguyên cho biết: Từ đầu năm đến nay, Chi nhánh cũng đã tích cực XLNX được gần 20 tỷ đồng, cố gắng sẽ xử lý thêm 10 tỷ đồng trong tháng tới. Hiện, nợ xấu của Chi nhánh còn chiếm khoảng 1% tổng dư nợ. Tuy nhiên, sự hợp tác của khách hàng trong việc XLNX chưa tích cực, gây không ít khó khăn cho ngân hàng. Vì vậy, để XLNX, đối với những DN có nhiều hàng tồn kho, nhưng có chiều hướng làm ăn tốt, Chi nhánh sẽ tiếp tục tái cơ cấu nợ hoặc có thể đầu tư thêm vốn nhằm tạo điều kiện cho DN bán được hàng, thu hồi vốn trả nợ ngân hàng. Còn những DN không có khả năng phục hồi, Chi nhánh sẽ phải thực hiện XLNX theo đúng trình tự, bắt buộc cũng phải đưa ra pháp luật. 

 

Qua thực tế cho thấy, việc xử lý các món nợ xấu, nhất là những món nợ liên quan đến tài sản đảm bảo, không phải chỉ có riêng ngân hàng mà phải có sự vào cuộc tích cực của các ngành liên quan và các cấp chính quyền địa phương. Đồng thời, khách hàng cũng nên có sự phối hợp tích cực với ngân hàng để đưa ra giải pháp tốt nhất nhằm XLNX có hiệu quả.