Thực tế cho thấy, nhiều địa phương khi xây dựng chiến lược cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) thường tập trung vào thay đổi nhận thức của doanh nghiệp (DN) mà chưa thực sự quan tâm đến nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước. Theo các chuyên gia, nếu địa phương nào thực sự muốn cải thiện chỉ số PCI thì dứt khoát không được xem nhẹ yếu tố chất lượng hoạt động của bộ máy chính quyền.
Tổng hợp chỉ số PCI của Thái Nguyên từ 2007 đến 2013:
Năm Tổng điểm Xếp hạng 2007 52.02 43 2008 46.03 53 2009 58.58 31 2010 56.54 42 2011 53.57 57 2012 60.07 17 2013 58.96 25 |
PCI là chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa kỳ tổ chức đánh giá thường niên. Chỉ số PCI là kết quả lấy phiếu đánh giá (bí mật) của các DN trên địa bàn các tỉnh, thành đối với hoạt động của các cơ quan công quyền, trên cơ sở 10 chỉ số thành phần gồm: Gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, tính năng động, hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý và cạnh tranh bình đẳng.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo PCI tỉnh thì nhìn chung các DN trên địa bàn khi được lấy phiếu thường thể hiện những ý kiến khá tâm huyết và chấm điểm cho các chỉ số thành phần tương đối khách quan. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn không ít DN, nhất là các DN nhỏ và vừa (đối tượng chính được lấy phiếu) chưa hiểu hết ý nghĩa, mục đích của chỉ số PCI nên khi được lấy phiếu thường chấm điểm theo cảm quan, võ đoán, khiến kết quả bị sai lệch. Ông Phạm Văn Quang, Chủ tịch Hội DN T.P Thái Nguyên chia biết: Nhiều DN, nhất là ở các xã, phường còn thiếu nhiều thông tin về PCI, nên có những cách hiểu chưa đúng, cá biệt một số DN còn mang cả những hằn học cá nhân vào chấm điểm.
Ông Quang cho hay, có trường hợp sau khi đến làm việc tại bộ phận "một cửa", do DN còn thiếu một số thủ tục cần thiết nên bộ phận này chưa trả kết quả, yêu cầu DN về chuẩn bị đầy đủ hơn. Thế nhưng, chủ DN đó lại tỏ thái độ bực tức cho là cán bộ sách nhiễu, gây phiền hà. Và khi được nhận phiếu thăm dò PCI, sự bực tức đó lại được chủ DN lồng vào trong phần chấm điểm, dẫn đến tình trạng kết quả phản ánh không đúng bản chất. Việc còn nhiều DN chưa hiểu rõ nội hàm của PCI là điều đáng bàn hiện nay. Theo các chuyên gia thì trách nhiệm của cơ quan Nhà nước là phải tạo điều kiện cho DN, ngược lại DN cũng cần ủng hộ hoạt động của chính quyền. Sự ủng hộ đó chính là việc DN nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về giải quyết thủ tục hành chính, nộp ngân sách, bảo hiểm, trả lương công nhân và thực hiện tốt các chính sách pháp luật khác...
Đối tượng được chấm điểm chính là cán bộ, công chức làm việc trong bộ máy hành chính Nhà nước và nội dung chấm chính là hoạt động giải quyết các thủ tục hành chính, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển cho doanh nghiệp cũng như nền kinh tế. Bởi thế, hoạt động chuyên môn cũng như ý thức, tư tưởng và trách nhiệm của đối tượng được chấm điểm cao thì sẽ được người chấm điểm ghi nhận. Từ đó, chỉ số PCI của địa phương đó cũng sẽ được cải thiện. Nếu bộ máy chính quyền ở địa phương nào còn ì trệ, chưa minh bạch, ít quan tâm hoặc thiếu trách nhiệm sẽ khiến người chấm thất vọng và đương nhiên điểm sẽ thấp.
Với tỉnh ta, qua 7 năm đánh giá chỉ số PCI cùng cả nước, mức độ lên xuống trong bảng xếp hạng hàng năm là khá lớn, nhất là ở những năm đầu tiên. Điều đó cho thấy, hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước có những thời điểm còn chưa hiệu quả. Tuy vậy, hai năm trở lại đây, khi chúng ta thật sự quan tâm đến cải thiện các chỉ số thành phần thì thứ hạng PCI của tỉnh đã ở tốp khá trong cả nước. Bằng chứng là năm 2012, PCI của tỉnh ta vượt tới 40 bậc, từ vị trí 57 vượt lên vị trí 17. Năm 2013, tuy có giảm nhưng vẫn nằm ở vị trí 25/63 tỉnh, thành. Theo ông Đặng Xuân Trường, Thường trực Ban Chỉ đạo PCI của tỉnh thì điều quan trọng nhất trong cải thiện chỉ số PCI chính là nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước. Ở đây, chính quyền phải chung tay cùng DN, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn trong quá trình hoạt động cũng như triển khai các dự án của DN.
Tuy nhiên, trên thực tế, thời gian qua ở một số bộ phận giải quyết thủ tục hành chính vẫn còn tồn tại tình trạng cán bộ chưa làm tròn trách nhiệm. Có trường hợp, DN đủ điều kiện để cấp phép nhưng cán bộ cố tình gây khó, viện đủ các lý do để không cấp nhằm vòi vĩnh, sách nhiễu. Có trường hợp, biết là chưa đủ thủ tục theo quy định nhưng lại gợi ý và bày cách để DN lách luật. Nhưng khi các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, phát hiện và dừng việc cấp phép thì lúc đó DN chính là đối tượng phải chịu cảnh "tiền mất tật mang". Do đó, tại cuộc họp bàn các giải pháp nâng cao chỉ số PCI của tỉnh được tổ chức mới đây, đồng chí Nhữ Văn Tâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, trưởng Ban Chỉ đạo PCI tỉnh đã nhấn mạnh: Khi phát hiện cán bộ ở cơ quan, đơn vị hoặc địa phương nào còn nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây khó khăn cho DN trong giải quyết các thủ tục hành chính thì phải xử lý nghiêm, để nâng cao tinh thần, thái độ làm việc của cán bộ, công chức, đồng thời tiến tới minh bạch hóa các thủ tục hành chính Nhà nước.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội DN của tỉnh chia sẻ: Trong 10 chỉ số thành phần, với trách nhiệm của mình chúng tôi đều đã đề xuất các phương án cải thiện thông qua việc nâng cao chất lượng hoạt động bộ máy công quyền. Để chi phí gia nhập thị trường thấp thì cần phải rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính; để DN tiếp cận đất đai dễ dàng, chính quyền cần đơn giản hóa thủ tục cấp đất, đẩy mạnh giải phóng mặt bằng và bố trí quỹ đất sạch hợp lý; để hoàn thành tốt tiêu chí minh bạch, chính quyền các cấp cần giải quyết hiệu quả các đề xuất, kiến nghị của DN, đồng thời nâng cao vai trò phản biện chính sách của các tổ chức hội, hiệp hội DN...