Hiệu quả từ canh tác lúa cải tiến SRI

10:45, 18/06/2014

Canh tác lúa cải tiến SRI đã được áp dụng trên đồng đất tỉnh ta từ gần chục năm nay. Tuy nhiên, khoảng 3 năm trở lại đây, phương pháp này mới được nhận rộng. Năm 2013, toàn tỉnh đã có gần 110 nghìn hộ nông dân tham gia canh tác lúa cải tiến SRI trên diện tích hơn 8.500ha.

Từ năm 2011 đến nay, Chi cục BVTV đã triển khai 12 mô hình canh tác lúa cải tiến diện rộng trong cả vụ xuân và vù mùa tại 10 xã trong tỉnh. Theo đó, Chi cục đã tổ chức được 36 lớp tập huấn cho 1.800 hộ nông dân tham gia.

 

Ông Lương Văn Vượng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) cho biết: Hệ thống canh tác lúa cải tiến SRI là phương pháp canh tác lúa sinh thái nhằm tăng năng suất nhưng lại giảm chi phí đầu vào như giống, phân bón, thuốc trừ sâu và nước tưới. Nguyên tắc cơ bản của SRI là bảo đảm sự phát triển tối đa của bộ rễ lúa nhờ việc sử dụng mạ non ở tuổi từ 2,5 đến 3 lá, giảm đến mức thấp nhất sự tổn thương hoặc cạnh tranh của bộ rễ trong và sau khi cấy với yêu cầu phải cấy lúa một dảnh, vuông mắt sàng, mật độ thưa tùy theo chất lượng đất trồng, đồng thời phải rút cạn và điều tiết nước hợp lý trong quá trình sinh trưởng của cây lúa. Nhờ được tập huấn nên các hộ dân tham gia canh tác lúa cải tiến SRI đã áp dụng đúng kỹ thuật và cho kết quả tốt.

 

Bà Nguyễn Thị Xuân, một nông dân ở tổ 14, phường Quang Vinh (T.P Thái Nguyên) đã tham gia canh tác lúa cải tiến SRI với diện tích 3 sào trong vụ xuân cho hay: Lần đầu tham gia cấy lúa theo phương pháp cải tiến SRI, tôi thấy rất bở ngỡ. Trước đây, theo phương pháp truyền thống, chúng tôi thường gieo mạ dược, sau đó nhổ đi cấy khi cây mạ được 4 - 5 lá, thậm chí còn già hơn, thường cấy 3 - 5 dảnh/khóm và cấy 45 - 50 khóm/m2. Tuy nhiên, cán bộ khuyến nông phân tích rằng biện pháp này làm cho mạ bị đứt rễ, gây chột, lâu hồi xanh, dẫn đến đẻ nhánh kém, số rảnh hữu hiệu thấp, cây lúa bông nhỏ, hạt ít. Việc cấy mau, bón phân thành nhiều đợt, lạm dụng đạm cũng là nguyên nhân gây bùng phát các loại sâu bệnh hại nên chúng tôi đã cố gắng thực hiện cấy theo phương pháp canh tác lúa cải tiến SRI. Chúng tôi rất phấn khởi khi thấy diện tích lúa canh tác theo phương pháp này phát triển tốt, ít sâu bệnh và năng suất đạt được lại cao hơn so với trước đây.

 

Theo thông tin từ Chi cục BVTV - đơn vị triển khai các mô hình canh tác lúa cải tiến SRI thì người dân trong tỉnh khi tham gia đã thực hiện theo đúng 5 nguyên tắc là: gieo cấy cùng thời điểm để điều hòa lượng nước tưới theo từng thời điểm; cấy mạ non; cấy thưa một dảnh; sử dụng phân hữu cơ và bón phân cân đối; làm cỏ sục bùn bằng tay nên đã giảm đáng kể chi phí đầu tư. Cụ thể, giảm từ 50 đến 70% chi phí mua giống lúa; mỗi ha lúa giảm từ 13,5 đến 17 kg phân đạm, 650 nghìn đến 1,3 triệu đồng tiền mua thuốc BVTV. Chi phí đầu tư giảm nhưng năng suất lúa lại tăng lên (tăng từ 400 đến 750kg/ha) đã góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. Đặc biệt, trong các kỹ thuật canh tác SRI có kỹ thuật rút nước xen kẽ đã góp phần giảm thải khí độc mê tan ra môi trường không khí từ môi trường đất; giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật từ 2 - 4 lần/vụ, hạn chế ảnh hưởng tới môi trường sinh thái đồng ruộng và môi trường sống. Ngoài ra, việc sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh giúp làm tăng độ phì nhiêu cho đất và giảm thiểu ảnh hưởng tới môi trường qua việc thu gom rơm rạ, cây phân xanh... Qua đó, nâng cao nhận thức cho nông dân trong việc gắn sản xuất gắn với bảo vệ môi trường…

 

Có thể khẳng định, việc nhân rộng phương pháp canh tác lúa cải tiến SRI trên địa bàn tỉnh 3 năm qua đã rất thành công. Bà Đặng Thị Hiệp, Trưởng phòng Kỹ thuật, Chi cục BVTV cho rằng, đạt được kết quả trên là do đơn vị đã lựa chọn được địa bàn triển khai đảm bảo các nguyên tắc kỹ thuật SRI như: cơ cấu giống lúa và các kỹ thuật sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế, nhất là nguyện vọng của người dân vùng dự án. Ngoài ra, quy trình kỹ thuật canh tác lúa cải tiến SRI là phương pháp canh tác dựa trên các cơ sở khoa học xuất phát từ thực tế sản xuất lúa hiện nay nên nông dân dễ hiểu và áp dụng.

 

Với những kết quả tích cực qua thực hiện canh tác lúa cải tiến SRI, thời gian tới, Chi cục BVTV sẽ tiếp tục triển khai các mô hình diện rộng để tiến tới áp dụng phương pháp này trên toàn bộ diện tích lúa 2 vụ của tỉnh; cử cán bộ kỹ thuật tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân… Tuy nhiên, để phương pháp này nhân rộng trên địa bàn, các cấp, ngành chức năng cần hỗ trợ kinh phí cho việc xây bể chứa vỏ bao bì thuốc BVTV, mua chế phẩm vi sinh để làm phân ủ; tạo điều kiện về cơ sở vật chất cho việc triển khai các hoạt động của Dự án…

Nhờ canh tác lúa cải tiến SRI, năng suất lúa xuân năm nay của gần chục hộ dân ở tổ 4, phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên) đã tăng từ 1,6 lên 1,8 đến 2 tạ/sào.