Làm gì để đẩy mạnh xuất khẩu nông, thủy sản ?

08:19, 24/06/2014

Nằm trong khu vực nhiệt đới, gió mùa, thổ nhưỡng màu mỡ, biển rộng, sông dài, nên việc có nguồn nông sản, thủy sản dồi dào, đa dạng, quanh năm để xuất khẩu (XK) như một sự tất yếu. Nhưng làm gì để đẩy mạnh xuất khẩu ra thị trường thế giới vẫn là bài toán chưa có lời giải hoàn chỉnh.

Cạnh tranh khiêm tốn

 

Việt Nam trở thành một trong những vựa lúa lớn trên hành tinh này, từ đó là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế về an ninh lương thực bằng việc mỗi năm XK hàng triệu tấn gạo mà trước đây vài chục năm không ngờ được.

 

Cà-phê Việt Nam từng được tôn vinh "Việt Nam làm thay đổi bản đồ thị trường cà-phê thế giới". Hiện Việt Nam đứng số 1 thế giới về XK cà-phê Robusta và nếu tính cả cà-phê Arabica thì Việt Nam đứng thứ hai thế giới, sau Bra-xin. Với giá cả tăng ấn tượng và phát triển diện tích, hạt tiêu, hứa hẹn trở thành mặt hàng XK hơn 1 tỷ USD ngay năm 2014, hiện chiếm 60% lượng XK toàn cầu, có khả năng điều tiết giá thế giới. Cá tra "vùng vẫy" nhiều thị trường, khiến bị ganh tị, áp đặt đủ điều. Nhưng vì thế nó càng nổi danh, ăn khách. Cao-su, năng suất đứng hàng đầu thế giới, còn xuất khẩu đứng thứ ba, trong đó có việc phát triển mô hình cao-su tiểu điền. Là mặt hàng thứ bảy trong nhóm hàng nông, thủy sản, rau quả, năm 2013, lần đầu tiên XK vượt qua ngưỡng 1 tỷ USD.Rau quả tăng trưởng nhanh, liên tục trong ba năm gần đây với tốc độ tăng XK 30%/năm. Việc XK nông, thủy sản được sự quan tâm ở tầm chiến lược quốc gia, là một trong những sung lực để thực hiện chính sách tam nông, xây dựng nông thôn mới.

 

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, sự cạnh tranh không dừng ở bất cứ cấp độ, thời điểm nào, thậm chí sẽ ngày càng gay gắt mà nông, thủy sản không phải ngoại lệ, dễ bị tổn thương, nhất là do thế và lực bước vào cuộc cạnh tranh này của ta còn khiêm tốn. Nguyên nhân lớn nhất là chưa có nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn theo hướng hiện đại; áp dụng đồng bộ những tiến bộ kỹ thuật và phương pháp quản lý từ đầu vào sản xuất đến đầu ra XK cộng với những tác động khó lường của biến đổi khí hậu. Tỷ lệ chủng loại sản phẩm tốt, bảo đảm về an toàn, vệ sinh thực phẩm chưa có bước nhảy vọt, dù đã có thâm niên tham gia vào thị trường nông, thủy sản quốc tế.

 

Việc thu thập, cung cấp thông tin, tổng hợp phân tích, đánh giá, dự báo tình hình từ cơ quan quản lý nhà nước, Hiệp hội ngành hàng tới các doanh nghiệp (DN) còn hạn chế. Mạng lưới thu mua còn qua nhiều tầng nấc, đầu nậu trung gian, xảy ra tình trạng tranh mua gom khi khan hàng, hờ hững lúc được mùa, ép giá nông dân, dẫn đến biến động về giá ngoài ý muốn, tác động tới các quan hệ cung cầu hàng hóa thiết yếu. Điệp khúc "được mùa rớt giá" cứ đeo đẳng. Đầu mối XK còn tản mát. DN được chỉ định là đầu mối có khi chưa đủ chân hàng. Đơn vị ngoài vòng lại có khách, xảy ra tình trạng co kéo, tranh giành khách hàng, hạ giá bán, ưu ái về điều kiện thương mại; bán ào ạt lúc thu hoạch rộ, cuối vụ được giá, kho lại rỗng.

 

Nông, thủy sản Việt Nam có quá nhiều chủng loại, tên gọi thường gắn với tên địa danh sản xuất, quen với khẩu vị người tiêu dùng trong nước và số lượng cũng không nhiều, còn khi xuất ngoại thường mang tên chung, thậm chí ẩn tên nhà phân phối nước ngoài.

 

Giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu

 

Mở rộng thị trường, đẩy mạnh XK là giải pháp hàng đầu để đưa nhóm hàng nông, thủy sản có sắc thái mới tương xứng với vị thế của nó đã xác lập được trên thương trường. Vấn đề này cần được triển khai theo cách tiếp cận chuỗi giá trị ngành hàng, nhất là để xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm và phát triển xuất khẩu bền vững. Củng cố, mở rộng thị trường XK truyền thống, trọng điểm, phát hiện, tìm thị trường mới, thị trường xa. Lưu tâm đến những địa bàn có đông người Việt Nam định cư. Đạt được những cam kết cấp Chính phủ về việc XK nông, thủy sản. Giao cho các Hiệp hội thực hiện đúng hợp đồng. Thiết lập tốt hệ thống thông tin cập nhật, dự báo về tình hình thị trường, cân đối cung - cầu, biến động giá cả, thủ tục hải quan, hàng rào kiểm định chất lượng, nhất là những thị trường nhập khẩu nông, thủy sản Việt Nam. Cải thiện điều kiện để các DN tiếp cận các nguồn tài chính, tín dụng. Ngoài gạo, cần mở rộng diện thu mua tạm trữ đối với các loại nông sản khác. Quy hoạch thương nhân XK và quản lý các DN này hoạt động có hiệu quả. Hiệp hội ngành hàng làm đầu mối thu thập, hướng dẫn DN điều hành tiến độ ký hợp đồng, giao hàng, ngăn chặn tình trạng tranh mua, tranh bán giữa các hội viên. Ở những tỉnh trọng điểm về từng mặt hàng nông, thủy sản cần chỉnh trang chợ đầu mối, lập sàn giao dịch, cải thiện bộ mặt chợ trong nước, tụ điểm thu mua xuất khẩu. Tăng cường trang bị kỹ thuật cho các cơ sở chế biến, kiểm định chất lượng theo chuẩn mực quốc tế. Xây dựng kho bảo quản, bến bãi, cảng giao hàng thuận tiện.

 

Các DN cải tiến bộ máy, đổi mới cách điều hành, tinh thông nghiệp vụ, năng động bám sát thị trường, gắn bó với nông dân, coi sự thành công của nhà nông là thành công của mình. Tìm hiểu kỹ các đối tác để XK được trực tiếp, tránh qua trung gian, giảm thiểu rủi ro. Xây dựng thương hiệu quốc gia trước hết cho gạo, cà-phê, cá ba sa. Việc này cần có sự vào cuộc tập thể trí tuệ, công sức của các nhà quản lý - nhà khoa học - Hiệp hội - nhà kinh doanh - nhà nông. Việc xây dựng thương hiệu phải là tâm điểm trong Chương trình Thương hiệu quốc gia.

 

Các cơ quan xúc tiến thương mại chủ động hoặc hợp tác với các cơ quan xúc tiến thương mại quốc tế tổ chức hoặc tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại quốc tế chuyên đề về nông, thủy sản. Các trung tâm xúc tiến thương mại ở các địa phương chú trọng về nông, thủy sản coi đẩy mạnh XK là nhiệm vụ hàng đầu, phối hợp với các DN, tìm khách hàng, mở rộng thị trường, kể cả những thị trường ngách, cung ứng các hợp đồng lớn, nhỏ, đột xuất.