Góp sức vì một Đại Từ phát triển phồn thịnh

04:43, 01/08/2022

100 năm là chặng đường dài cho một hành trình xây dựng, phát triển để kiến tạo nên huyện Đại Từ văn minh, hiện đại, phồn thịnh như ngày nay. Trong kết quả chung đó, phải kể đến đóng góp của những doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn. Điển hình là Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo (Công ty Núi Pháo). Từ một doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, Núi Pháo đã trở thành nhà sản xuất và cung cấp vật liệu công nghệ cao phục vụ cho các ngành công nghiệp trọng yếu toàn cầu và đóng góp tích cực vào việc phát triển nhiều mặt kinh tế - xã hội của huyện Đại Từ.

Để có cuộc sống “tốt hơn nơi ở cũ”

Công ty Núi pháo là doanh nghiệp được nhiều người trong và ngoài tỉnh Thái Nguyên biết đến. Bởi những gì Công ty làm được trong những năm qua không chỉ góp phần quan trọng tăng thu ngân sách của tỉnh, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, mà còn giúp thay đổi diện mạo của một vùng quê còn khó khăn... 

Nhằm thực hiện mục tiêu đảm bảo mọi người dân bị ảnh hưởng bởi Dự án Núi Pháo có cuộc sống “tốt hơn nơi ở cũ”, Công ty đã xây dựng các chương trình phục hồi sinh kế bền vững, như: Khuyến nông, vốn vay ủy thác và chính sách ưu tiên tuyển dụng lao động thuộc hộ bị ảnh hưởng và đặc biệt là mô hình doanh nghiệp cung ứng dịch vụ địa phương... Chỉ tính trong giai đoạn 2006-2021, Công ty đã chi 3.868 suất phục hồi kinh tế, với số tiền 23,209 tỷ đồng thông qua các chương trình đào tạo các nghề: May, làm tăm tre, lái xe, hàn sắt, bảo vệ, nấu ăn, khởi sự kinh doanh, đào tạo cộng đồng; các chương trình khuyến nông, như: Trồng nấm, trồng chè, sản xuất rau an toàn, chăn nuôi (bò, nhím, gà, ong, lợn...).

Ngay từ khi mới đi vào hoạt động, Công ty đã xây dựng và phát triển các mô hình cung ứng địa phương với những tiêu chí: Chủ cơ sở/doanh nghiệp phải là hộ bị thu hồi đất bởi Dự án Núi Pháo, phải ưu tiên tuyển dụng lao động thuộc hộ bị ảnh hưởng bởi Dự án với mức lương tối thiểu không thấp hơn mức lương của lao động phổ thông đang làm tại Công ty Núi Pháo. Hiện tại, người dân ảnh hưởng bởi Dự án chiếm trên 50% số lao động của Công ty. 

Ông Craig Bradshaw - Tổng Giám đốc Masan High-Tech Materials: "Chúng tôi tự hào là một nhân tố luôn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững của cộng đồng."

Đơn cử như chị Đinh Thị Hải Thùy, vốn là một hộ dân bị ảnh hưởng (thu hồi đất) bởi Dự án Núi Pháo. Trong giai đoạn đền bù, giải phóng mặt bằng, chị Thùy tham gia làm cộng tác viên và sau đó trở thành nhân viên an ninh của Công ty. Sau 3 năm làm việc tại Núi Pháo, chị Thùy nghỉ việc với mong muốn chuyển sang làm kinh doanh. Được sự hỗ trợ của gia đình và sự động viên, tạo điều kiện từ Công ty Núi Pháo, năm 2013, chị quyết định thành lập Doanh nghiệp may bao bì (túi đựng quặng) Anh Dương theo Chương trình phục hồi kinh tế của Công ty Núi Pháo.

Sản phẩm của doanh nghiệp không những đáp ứng nhu cầu cho các công ty trong nước mà còn cạnh tranh và đáp ứng các yêu cầu khắt khe của các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Doanh nghiệp Anh Dương của chị Thùy liên tục được UBND huyện Đại Từ khen thưởng là doanh nghiệp có nhiều thành tích trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Tính từ năm 2012 đến nay, ngoài Doanh nghiệp Anh Dương, còn có 5 mô hình cung ứng địa phương được thành lập nhằm cung cấp các mặt hàng, dịch vụ cho Công ty Núi Pháo, như: Cơ sở sản xuất giá đỡ hàng, cơ sở may đồng phục; hợp tác xã dịch vụ vận tải; tổ cung ứng chè VietGAP; tổ dịch vụ ăn uống.

Đến nay, quy mô về lao động và doanh thu của các cơ sở này đã tăng từ 10-40% so với thời điểm mới thành lập. Các cơ sở cũng góp phần tạoviệc làm ổn định cho khoảng 120 lao động là hộ bị ảnh hưởng bởi Dự án, với mức thu nhập bình quân từ 5-5,5 triệu đồng/người/tháng.

Vì một cộng đồng phát triển bền vững

Hàng năm, Công ty Núi Pháo dành từ 3-5 tỷ đồng cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội cho cộng đồng; hoạt động khuyến nông và sinh kế bền vững cho người dân; sức khỏe cộng đồng, nước sạch và vệ sinh môi trường; tín dụng vi mô, nâng cao năng lực và các chương trình tài trợ, từ thiện... trên địa bàn các xã ảnh hưởng bởi Dự án Núi Pháo nói riêng và tỉnh Thái Nguyên, huyện Đại Từ nói chung.

Thời gian qua, Công ty Núi Pháo đã hỗ trợ nhiều địa phương trong vùng Dự án thực hiện các tiêu chí nông thôn mới. Trong ảnh: Tuyến đường bê tông liên xã Phục Linh - Hà ThượngThời gian qua, Công ty Núi Pháo đã hỗ trợ nhiều địa phương trong vùng Dự án thực hiện các tiêu chí nông thôn mới. Trong ảnh: Tuyến đường bê tông liên xã Phục Linh - Hà Thượng (thuộc Dự án cộng đồng của Công ty Núi Pháo).

Ngoài ra, Công ty còn hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bằng các chính sách riêng thông qua các Chương trình phục hồi kinh tế Núi Pháo và trợ cấp cho các nhóm đặc biệt khó khăn ngoài chính sách của Nhà nước qua nhiều kế hoạch khác nhau dành cho hơn 6.000 người dân địa phương được hưởng lợi trực tiếp.

Đối với công tác xây dựng cơ sở hạ tầng - xã hội cho cộng đồng, từ năm 2014 đến nay, Công ty đã hỗ trợ xây dựng, cải tạo trên 8,2km đường giao thông nông thôn; 12,95km đường điện thắp sáng làng quê; trên 500m kênh mương; xây mới 5 công trình và nâng cấp cải tạo 5 nhà văn hóa xóm; cung cấp hàng nghìn bộ bàn ghế và hàng chục bộ trang thiết bị âm thanh cho 23 nhà văn hóa xã, xóm. Qua đó, góp phần giúp tất cả các xã thuộc vùng bị ảnh hưởng bởi Dự án đạt chuẩn nông thôn mới.

Với phương châm: Không trao “con cá” mà trao “cần câu”, hướng dẫn người nông dân sinh kế ngay trên ruộng vườn của họ, nhằm nâng cao thu nhập từ chè - cây kinh tế trọng điểm của các xã trong khu vực Dự án, Công ty đã hỗ trợ thành lập 17 tổ hợp tác sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP với gần 500 hộ tham gia; trên 110ha chè được chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP. Ngoài ra Công ty hỗ trợ chuyển đổi mô hình chè VietGAP sang chè hữu cơ trên diện tích trên 10ha, với 40 hộ tham gia.

Công ty đã ký hợp đồng ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đại Từ thực hiện chương trình tín dụng vi mô nhằm hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng Dự án Núi Pháo được tiếp cận với nguồn vốn vay từ Quỹ vốn vay phục hồi kinh tế, với lãi suất ưu đãi theo quy định của Ngân hàng. Từ nguồn vốn 6 tỷ đồng vào năm 2014,  tới nay tổng giá trị vốn quay vòng của Quỹ là gần 13 tỷ đồng, với gần 400 hộ được vay vốn.

Không chỉ vậy, tinh thần chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng đã lan tỏa đến từng cán bộ, công nhân viên trong Công ty. Trải qua hơn 10 năm, văn hóa chia sẻ, hướng tới cộng đồng và người yếu thế đã trở thành việc làm thường xuyên, tự giác của mỗi cá nhân. Kể từ khi thành lập đến nay, Công ty đã chung tay giúp đỡ xây dựng được gần 30 ngôi nhà tình nghĩa; trao hàng trăm suất học bổng bằng tiền và hiện vật cho các em học sinh nghèo; khám và tư vấn sức khỏe cho trên 1.000 người có công, gia đình chính sách.

Những hoạt động thường niên của Công ty đối với cộng đồng dân cư trong vùng Dự án Núi Pháo, đặc biệt là những đối tượng yếu thế như hộ nghèo, người già, phụ nữ khuyết tật, đơn thân... không chỉ nhằm thực hiện cam kết và trách nhiệm xã hội mà đây chính là tấm lòng, tình cảm của doanh nghiệp để tri ân những đóng góp của người dân và địa phương vào quá trình phát triển bền vững của Núi Pháo. Cùng với đó, từ năm 2015 đến nay, đều đặn mỗi năm, Công ty đóng góp trực tiếp cho Ngân sách tỉnh Thái Nguyên số tiền tương đương 1 triệu USD để phục vụ các chương trình an sinh xã hội tại tỉnh nói chung và địa bàn nơi có Dự án nói riêng.

Trong nhiều năm liền, Công ty Núi Pháo được đánh giá là doanh nghiệp tiêu biểu của tỉnh Thái Nguyên trong thực hiện trách nhiệm xã hội với các giải thưởng đã được trao tặng, như: “Doanh nghiệp xuất sắc tỉnh Thái Nguyên”, “Doanh nghiệp có thành tích trong 10 năm thực hiện phong trào thi đua Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Đại Từ, giai đoạn 2010-2020”; “Doanh nghiệp có thành tích tiêu biểu trong công tác Hội Chữ thập đỏ huyện Đại Từ, giai đoạn 2015-2020”; “Doanh nghiệp có thành tích đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội huyện Đại Từ”; “Doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm An sinh xã hội và phát triển cộng đồng” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao tặng...