Giá vàng “phi mã” lên trên 49 triệu đồng/lượng

16:51, 23/08/2011

Trước tình hình giá vàng thế giới tăng mạnh và nhanh, Ngân hàng Nhà nước sẽ cho nhập khẩu vàng không giới hạn để bình ổn thị trường. 

Giá vàng SJC lúc 9h sáng 23/8 tăng vọt lên mức 48,55-49,05 triệu đồng/lượng. Tại TP HCM, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ, giá vàng ở mức 48,50-49,10 triệu đồng/lượng. Cùng thời điểm, giá vàng SBJ của Sacombank mở cửa nhảy lên 48,51-49,09 triệu đồng/lượng. Như vậy, so với cuối giờ chiều 22/8, giá vàng tăng từ 360.000 - 750.000 đồng/lượng.

 

Tại công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận giá vàng tăng khoảng 400.000 đồng/lượng. Giá vàng Phượng Hoàng PNJ-DAB giao dịch ở mức 48,40-48,78 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra). Công ty vàng bạc đá quý Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín niêm yết với tốc độ tăng mạnh, tăng gần 450.000 đồng/lượng, giá ở mức 48,40-49,10 triệu đồng/lượng.

 

Bà Nguyễn Ngọc Quế Chi, Tổng Giám đốc Công ty vàng SBJ cho biết, số người dân đến  mua vàng trong ngày 22/8 tăng đột biến,  doanh số giao dịch của công ty lên đến 7.000-8.000 lượng. Tại Công ty PNJ, số vàng bán ra trong ngày đạt 2.400 lượng, trong khi mua vào chỉ 625 lượng. Bên cạnh đó, nhu cầu mua vàng cũng xuất phát từ nhu cầu cắt lỗ của người vay nợ vàng ngân hàng. Trong khi đó, do nguồn cung khan hiếm dẫn đến tình trạng rượt đuổi giá vì sau khi bán ra, các đơn vị kinh doanh không thể mua lại với giá cũ. So với cuối tuần trước, giá vàng đã tăng tổng cộng 1,55 triệu đồng/lượng. Công ty vàng SJC điều chỉnh giá 15 lần trong ngày. Trong khi đó, chủ một tiệm vàng trên đường Lê Thánh Tôn (quận 1, TP HCM) cho biết, một vài người có tiền nhàn rỗi đã mua 1-2 lượng, có trường hợp mua 4-5 lượng.

 

Giá vàng trong nước tăng mạnh là do giá vàng phiên New York ngày 22/8 đã có lúc tăng lên trên 1.900 USD/oz. Trong phiên giao dịch, giá vàng dao động trong biên độ khá phức tạp khi có lúc lùi về vùng 1.860 USD/oz. Tuy vậy, ngưỡng 1.900 USD/oz thì chưa một lần bị thử thách. Kết thúc ngày giao dịch, giá vàng giao ngay tăng 1,6% lên 1.889,29 USD/oz. So với đầu năm nay, giá vàng đã tăng 33%. Trong khi đó, giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 39,7 USD lên 1.891,9 USD/oz.

 

Giá vàng tăng trước lo ngại về khả năng sẽ có chính sách nới lỏng tiền tệ làm gia tăng nỗi lo về lạm phát. Giới phân tích nhận định, lo ngại có gói nới lỏng định lượng 3 (QE3) cũng như tuyên bố giữ lãi suất cơ bản ở mức thấp đến năm 2013 của FED sẽ là nhân tố hỗ trợ mạnh cho giá vàng. Ngoài ra, những bất ổn ở Libya dấy nên nỗi lo ngại cho nhà đầu tư về một cuộc hậu chiến tại đất nước này.

 

Mặc dù trong ngày 22/8, Quỹ đầu tư vàng lớn nhất thế giới (SPDR) đã bán ra trên 6 tấn vàng, đưa lượng nắm giữ xuống 1.284,4 tấn nhưng đã không thể ngăn nổi việc giá vàng đi lên. Như vậy, đến thời điểm này, mức dự báo giá vàng sẽ lên 2.000 USD/oz đang chiếm ưu thế.

 

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo, giá vàng đang tăng quá mức và sẽ vỡ bất cứ lúc nào một khi có những tín hiệu tốt từ đồng USD và hoạt động bán tháo sẽ diễn ra ồ ạt. Vì vậy, những nhà đầu tư vào vàng cần cẩn trọng theo dõi sát thị trường khi có biến động mạnh để chốt lời và cắt lỗ.

 

Sẽ cho nhập khẩu vàng không giới hạn

 

Trước tình hình giá vàng thế giới tăng mạnh và nhanh, chiều 22/8, Ngân hàng Nhà nước đã có buổi làm việc với lãnh đạo Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) để thảo luận các giải pháp nhằm xóa bỏ cách biệt giữa giá vàng trong nước - thế giới, đồng thời tăng tính liên thông cho thị trường vàng.

 

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, trong đó Công ty SJC làm chủ lực, tham gia can thiệp thị trường vàng nhằm kéo giá vàng trong nước từ mức cao hơn 1 triệu đồng/lượng như hiện nay về ngang với giá vàng thế giới. Ngay trong chiều 22/8, Công ty SJC đã được Ngân hàng Nhà nước cấp phép nhập khẩu vàng và trong ngày 23/8 Công ty SJC sẽ tiếp tục nhập khẩu thêm một lượng vàng đủ để can thiệp mạnh thị trường.

 

Lãnh đạo công ty SJC cho biết: “Quan điểm Ngân hàng Nhà nước đưa ra là việc can thiệp thị trường sẽ kéo dài và diễn ra tại nhiều thời điểm sao cho giá vàng trong nước bám sát thế giới. Ngân hàng Nhà nước cũng không giới hạn về số lượng. Tuy nhiên việc không giới hạn không có nghĩa là “thoải mái” vì đi kèm theo đó sẽ có những yếu tố kỹ thuật, tuyên truyền sao cho việc can thiệp mang lại hiệu quả cao nhất”.

 

Theo lãnh đạo SJC, Ngân hàng Nhà nước sẽ sử dụng những giải pháp mang tính thị trường để bình ổn giá vàng trong nước. Ngân hàng không độc quyền can thiệp mà có sự tham gia của SJC cùng những doanh nghiệp kinh doanh vàng khác. Việc can thiệp thị trường vàng sẽ không dựa hoàn toàn vào việc nhập khẩu mà Ngân hàng Nhà nước sẽ có hàng loạt công cụ mang tính thị trường khác đi kèm. Mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước là nhằm giảm tình trạng vàng hóa nền kinh tế. Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ có hàng loạt biện pháp nhằm tăng tính liên thông giữa thị trường vàng trong nước và quốc tế theo quan điểm có nhập, có xuất. Dự kiến trong ngày 23/8, Ngân hàng Nhà nước công bố hàng loạt giải pháp điều hành thị trường vàng trong thời gian tới.