Thị trường thép vẫn chưa hết trầm lắng

08:22, 25/08/2011

Từ cuối tháng 3 năm 2011 đến nay, thị trường thép chứng kiến sự trầm lắng đáng lo ngại, khiến người ta liên tưởng tới năm 2008 khi  mức sụt giảm của ngành thép xây dựng tụt xuống đến kịch sàn. Thái Nguyên, một trong những trung tâm sản xuất và tiêu thụ thép của cả nước, cũng cho thấy sự ảm đạm của thị trường này  mặc dù đang  bước vào mùa xây dựng.

Theo đánh giá chuyên môn, chỉ có 2 tháng đầu năm 2011, giá thép tăng vượt bậc và thị trường thép chứng kiến cảnh sôi động bất thường mặc dù nhu cầu xây dựng thấp. Sức tiêu thụ thép trong hai tháng này tăng từ 40% đến 50% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, sự tăng vọt khó ngờ đó lại là ngưỡng đánh dấu sự tụt dốc của thị trường thép cả về giá cả và sản lượng ở những tháng tiếp theo. Lý giải về vấn đề này, các nhà chuyên môn cho rằng, thứ nhất, thời gian này giá phôi thép, thép phế trên thị trường thế giới cũng chững lại, hơn thế, các doanh nghiệp đang phải cạnh tranh nhau khá gay gắt, nhất là với các sản phẩm thép nhập khẩu từ Trung Quốc và các nước trong khu vực. Vì thế giá bán thép trên địa bàn tỉnh cũng giảm mạnh. Có thời điểm, các doanh nghiệp kinh doanh thép của tỉnh đã phải giảm giá từ 200 đến 300 nghìn đồng/tấn sản phẩm. Lý do thứ hai và cũng là lý do chủ yếu chính là việc các cơ quan, đơn vị, các địa phương đang nghiêm túc thực hiện Nghị quyết số 11 của Chính phủ về thắt chặt chính sách tài khoá, cắt giảm đầu tư công, nên nhiều dự án xây dựng trên địa bàn phải tạm hoãn. Theo kế hoạch thì năm 2011, tỉnh sẽ triển khai thực hiện 107 dự án song để bảo đảm cân đối đủ vốn cho các dự án cấp thiết, tránh dàn trải, kéo dài thời gian và ổn định nguồn vốn đầu tư, tỉnh đã rà soát và tiến hành cắt giảm 33 dự án. Ngoài ra, tỉnh cũng tiến hành kiểm tra và loại bỏ 7 dự án xây dựng khác không khả thi, thiếu hiệu quả. Bởi vậy, sức tiêu thụ thép xây dựng trên địa bàn những tháng qua đã giảm mạnh, buộc các doanh nghiệp phải điều chỉnh giảm giá bán thông qua các biện pháp như tăng chiết khấu bán hàng, hỗ trợ vận chuyển, trợ giá cho các công trình để kích cầu thị trường. Tuy nhiên, cũng không cải thiện được sức mua là bao.

 

Hiện nay trên thị trường, giá thép các loại đang ở mức như sau: Giá thép xuất bán tại Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (chưa gồm thuế VAT) đối với thép cuộn là 16,3 đến 16,6 triệu đồng/tấn; thép vằn D14-D40 từ 16,1 đến 16,3 triệu đồng/tấn, D10 từ 16,4 đến 16,65 triệu đồng/tấn. Giá thép tại các đại lý cấp 2, các cửa hàng nhỏ lẻ trên địa bàn đang dao động ở mức từ 16,5 đến 16,7 triệu đồng/tấn thép cuộn và 16,5 triệu đồng/tấn thép cây các loại. Như vậy, so với hai tháng đầu năm nay giá bán đã thấp đi đôi chút song mức tiêu thụ vẫn rất chậm. Hiện tại, tỷ lệ hàng tồn kho trong các nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh thép trên địa bàn còn khá lớn. Tại Nhà máy Cán thép Lưu Xá hiện còn tồn khoảng 10 nghìn tấn, Công ty Cổ phần Thương mại Thái Hưng khoảng 30 nghìn tấn, Công ty Cổ phần Luyện - Cán thép Gia Sàng khoảng 4 nghìn tấn thép; Doanh nghiệp Kim khí Hải Hà cũng còn khoảng từ 3 đến 4 nghìn tấn, Công ty Cổ phần Cơ khí Gang thép trên 380 tấn thép cán… Theo ông Đoàn Mạnh Hà, Trưởng phòng Kế hoạch - Nhà máy cán thép Lưu Xá thì ở vào thời điểm tháng 8 hàng năm thị trường thép thường trầm lắng nhất. Những tháng qua, sản xuất và tiêu thụ thép tại Nhà máy chững lại do khách hàng chưa bán hết hàng. Còn theo nhận định của các nhân viên Phòng Kinh doanh của Công ty Cổ phần Thương mại Thái Hưng, một trong những đơn vị đứng đầu của tỉnh về phân phối các sản phẩm thép thì xét tổng sản lượng thép cung cấp ra thị trường từ đầu năm đến nay không đến nỗi thấp, nhưng tính từng tháng thì lại không cao. Có tháng cung cấp tới 40 đến 50 nghìn tấn, nhưng có tháng chỉ được khoảng 10 đến 20 nghìn tấn. Đặc biệt trong “tháng ngâu” này thì lượng thép xuất kho rất thấp.

 

Tuy vậy, theo đánh giá có phần lạc quan của một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép của tỉnh thì cuối quý 3 và đầu quý 4 năm nay thị trường thép có khả năng sẽ sáng sủa hơn đôi chút. Các doanh nghiệp dự báo, trong vài tháng tới khi nhu cầu xây dựng tăng lên (chủ yếu là xây dựng dân dụng), giá thép sẽ có biến động, nhiều khả năng sẽ nhích dần lên tới mức giá 17 triệu đồng/tấn. Do vậy, ở thời điểm này, các nhà máy sản xuất thép của Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên, các doanh nghiệp kinh doanh thép đang tập trung sản xuất, tích trữ hàng đễ sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thị trường.

 

Là doanh nghiệp có mức độ ảnh hưởng nhất định trên thị trường nên Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên và một số doanh nghiệp kim khí quy mô lớn trên địa bàn có nhiệm vụ bình ổn giá thép và bảo đảm nguồn hàng phục vụ nhu cầu xã hội. Hiện tại, Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên đang tập trung sản xuất phôi thép, chỉ đạo các đơn vị cán thép có kế hoạch sản xuất hợp lý để giảm áp lực cho những tháng cao điểm tới. Ngoài ra, Công ty còn tập trung phân tích, dự báo thị trường để có cơ chế giá bán, khuyến mại phù hợp với tình hình tiêu thụ của khách hàng. Những doanh nghiệp thương mại sắt thép lớn thì có trách nhiệm tìm hiểu diễn biến thị trường, đồng thời nhận định tình hình để có thông báo, chia sẻ kịp thời với khách hàng nhằm góp phần bình ổn giá cả ngành thép.