Giá vàng quanh mốc 44 triệu đồng/lượng

13:51, 29/09/2011

So với giá thế giới, chưa kể thuế, chi phí gia công, giá vàng trong nước hiện đang đắt hơn thế giới trên 4 triệu đồng/lượng

Sáng 29/9, giá vàng SJC (mua vào-bán ra) tại Hà Nội được giao dịch với giá 44-44,42 triệu đồng/lượng. Tại TP HCM, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ, giá vàng ở mức 44-44,44 triệu đồng/lượng. So với giá thế giới, chưa kể thuế, chi phí gia công, giá vàng trong nước hiện đang đắt hơn thế giới trên 4 triệu đồng/lượng

 

Giá vàng trong phiên châu Á sáng 29/9 giảm xuống quanh vùng 1.600 USD. So với ngày 28/9, giá vàng giảm gần 50 USD/oz. Giá vàng giảm mạnh là do trong phiên giao dịch New York ngày 28/9, giá USD tăng mạnh so với các loại tiền tệ khác. Nỗi lo về khủng hoảng nợ tại châu Âu đã khiến cho đồng bạc xanh tăng 0,7% so với rổ tiền tệ.

 

Mặc dù ngày 28/9, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chính thức cấp giấy phép cho nhập khẩu vàng đối với các đơn vị kinh doanh. Tuy nhiên, giải pháp này vẫn không thể làm cho giá trong nước bám sát được giá thế giới.

 

Nguyên nhân chính khiến giá trong nước vẫn cao hơn giá thế giới là nguồn cung trên thị trường vẫn ít dù các đơn vị đã được phép nhập. Bởi thường khi có quota nhập, các đơn vị chốt giá mua thế giới và bán ra trong nước chứ không chờ vàng về đến Việt Nam mới bán. Thế nhưng mấy ngày trước, khi giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới 3 - 4 triệu đồng/lượng, các đơn vị đã bán khá nhiều vàng trong kho nên khi có quota nhập vàng, họ sẽ cân đối lại nguồn hàng trong kho là chính. Do đó, lượng vàng cung cấp cho thị trường vẫn không thể nhiều lên khi có quota nhập vàng. Như vậy, việc cho nhập khẩu vàng vẫn không giải quyết được vấn đề chênh lệch giá. Ở những lần đạt mục đích "cắt cơn" thì ngay sau khi các đơn vị nhập hết hàng cũng là lúc khoảng cách chênh lệch lại được kéo xa.

 

Cho nhập khẩu vàng nhưng giá vẫn cao hơn thế giới

 

Với mức chênh lệch giá trong nước ngày 28/9 khoảng hơn 2,6 triệu đồng/lượng, các đơn vị được nhập vàng đã lời to. Ví dụ, nếu được phép nhập khoảng 500 kg vàng, mức lời khoảng 30 tỉ đồng. Một số ý kiến cho rằng, việc NHNN cấp nhỏ giọt 4 - 5 tấn mỗi lần, mỗi đơn vị được vài trăm ký đã không đủ lực để can thiệp thị trường. Đó là chưa kể, các đơn vị nhập khẩu vào những thời điểm khác nhau với khối lượng ít nên lực cung trên thị trường không đủ mạnh để kéo giá trong nước sát giá thế giới. Biện pháp nhập khẩu vàng cũng không còn hiệu quả. Từ đầu năm tới nay, NHNN đã cấp phép cho nhập khoảng 20 tấn vàng nhưng vẫn không giải quyết được vấn đề của thị trường.

 

Trước đây, khi các sàn giao dịch vàng tài khoản còn được phép, các nhà đầu tư giao dịch mỗi ngày trên tài khoản 20 tấn vàng. Khi giá vàng vật chất cao hơn giá thế giới, ngay lập tức các nhà đầu tư vay vàng ở các NH bán ra thị trường và thực hiện mua vàng trên tài khoản. Chính vì vậy, mà giá vàng trong và ngoài nước không chênh lệch như ngày nay.

 

Theo các chuyên gia kinh tế, NHNN cần thấy rõ vai trò của công cụ vàng tài khoản để vận dụng có lợi cho thị trường. Thay vì nhập khẩu 1 tấn vàng mất hơn 50 triệu USD, việc mua vàng trên tài khoản chỉ cần đặt cọc từ 500.000 – 1,5 triệu USD. Quan trọng hơn, khi thị trường trong nước và thế giới liên thông, những hiện tượng bất thường như khan hàng, giá vàng trong nước bỏ xa giá thế giới sẽ được hạn chế một cách tối đa./.