Chuyện hiến đất, "vẽ" đường ở Phú Đô
.

Chuyện hiến đất, "vẽ" đường ở Phú Đô

19:44, 28/02/2024
 

Đặc thù xã Phú Đô (Phú Lương) có địa hình núi non nhiều, dân cư phân bố rải rác nên chi phí xây dựng các tuyến đường ở đây cao hơn địa phương khác và mức đóng góp để đối ứng của người dân cũng nhiều hơn. Chưa kể, trong xã có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, điều kiện kinh tế còn khó khăn nên việc xã hội hóa không phải lúc nào cũng thuận lợi. Nhưng với tinh thần quyết tâm, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ bài bản, dân chủ, phù hợp với thực tiễn nên năm 2023, xã đã thực hiện tốt việc huy động nhân dân đóng góp sức người sức của để mở rộng, làm nhiều tuyến đường mới, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển.

 
 

Nhớ lại thời điểm gần Tết Giáp Thìn 2024, có mặt tại xóm Pháng 2, chúng tôi chứng kiến người dân đang tập trung san ủi mặt bằng để mở rộng đường. Trong không khí lao động hăng say, tiếng máy ủi nổ giòn hòa cùng tiếng nói, cười của bà con, chúng tôi được ông Vi Văn Nho, Trưởng xóm Pháng 2 vui vẻ nói: Chưa bao giờ, phong trào hiến đất ở địa phương lại mạnh mẽ như bây giờ. Bà con không những tự nguyện hiến đất, còn chặt hạ cây cối, tháo dỡ công trình, tạo mặt bằng sạch để phục vụ thi công đường. Không kể cây rừng, cây ăn quả lâu năm, hay chè đang cho thu hoạch, cứ dự án đường đi qua là bà con chặt, với tinh thần thoải mái, vui vẻ. Xóm Pháng 2 có 171 hộ, với trên 600 nhân khẩu, trong đó, có hàng chục hộ có đất dọc 2 tuyến đường, bà con đều đồng lòng hiến đất.

 

 
 

Chỉ tay về phía vạt rừng keo xanh mướt đã hơn 5 tuổi của gia đình, ông Lâm Minh Đức, xóm Pháng 2 nói: Đường đi đến đâu, cần lấy bao nhiêu đất, gia đình tôi sẵn lòng. Hiến đất để làm đường phục vụ nhân dân là việc đáng làm.

 
 

Theo đó, gia đình ông Đức đã hiến trên 1.330m2 đất để tuyến đường nhanh chóng được thành hình. Chính sự hào sảng, tiên phong của ông Đức đã góp phần lan tỏa mạnh mẽ phong trào hiến đất làm đường ở Phú Đô. Để rồi, nhiều gia đình ở đây có suy nghĩ giống như ông, cũng sẵn sàng chặt hạ cây cối trên đất, cắt đất để bàn giao cho đơn vị thi công làm đường. Trò chuyện với nhiều cán bộ, đảng viên và người dân ở xóm Pháng 2, chúng tôi đều nhận được câu trả lời như một: Ai cũng đòi đền bù thì làm gì có đường. Chính nhận thức này mà không chỉ các cán bộ, đảng viên mà nhân dân địa phương sau khi được tuyên truyền đều nhận thức được điều này nên mọi chuyện tiến hành rất thuận lợi.

 

Nói về phong trào hiến đất làm đường, chúng tôi được cán bộ xã Phú Đô chia sẻ: Mọi chuyện ban đầu không hề dễ dàng. Để có được sự đồng thuận như ngày hôm nay, là cả quá trình thực hiện tuyên truyền, vận động, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, triển khai thực hiện của chính quyền, sự vào cuộc của các đoàn thể ở địa phương. Đặc biệt, không thể thiếu sự tiên phong, dám làm, dám chịu trách nhiệm của đội ngũ bí thư chi bộ, trưởng xóm. Ông Vi Văn Thi, Trưởng xóm Pháng 1 cho biết: Từ khi triển khai làm đường, không kể ngày mưa hay nắng, từ tờ mờ sáng đến đêm muộn, tôi đều có mặt trên đường và ở nhà dân, đến bữa cũng tiện đâu ăn đó. Tôi nghĩ, cần phải túc trực thường xuyên ở đây để khi có vướng mắc gì thì có thể giải quyết ngay,  tạo điều kiện tối đa cho đơn vị thi công làm một cách nhanh nhất, không ảnh hưởng đến tiến độ.

 
 
 

Nói về phong trào hiến đất làm đường, chúng tôi được cán bộ xã Phú Đô chia sẻ: Mọi chuyện ban đầu không hề dễ dàng. Để có được sự đồng thuận như ngày hôm nay, là cả quá trình thực hiện tuyên truyền, vận động của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể, vai trò của MTTQ được thể hiện rõ. Đặc biệt, không thể thiếu những đóng góp của đội ngũ bí thư, trưởng xóm. Ông Vi Văn Thi, Trưởng xóm Pháng 1 cho biết: Từ khi triển khai làm đường, không kể ngày mưa hay nắng, từ tờ mờ sáng đến đêm muộn, tôi đều có mặt trên đường và ở nhà dân, đến bữa cũng tiện đâu ăn đó. Mỗi ngày tôi chỉ về nhà vài tiếng để tắm rửa, ngủ, có khi mấy ngày không nhìn thấy mặt người thân vì khi ra khỏi nhà thì người nhà còn chưa ngủ dậy, khi về nhà họ đã đi ngủ rồi. Tôi nghĩ, cần phải túc trực thường xuyên ở đây để khi có vướng mắc gì thì có thể giải quyết ngay, để tạo điều kiện tối đa cho đơn vị thi công làm một cách nhanh nhất, không ảnh hưởng đến tiến độ.

 
 
 

Trước kia, để sản xuất, khai thác rừng, nhiều năm liền, người dân phải đi qua những con đường mòn, hơn ai hết đồng bào vùng núi Phú Đô thấu hiểu nỗi vất vả khi đường nhỏ hẹp khó đi, nhất là việc sản xuất, khai thác gỗ vô cùng vất vả. Trong khi đó, số hộ dân thưa thớt, nên việc huy động kinh phí để làm đường bê tông là điều không thể. Vì thế, để có con đường rộng rãi, dễ đi vẫn chỉ là ước mơ của những hộ có rừng ở đây. Chỉ đến khi, Dự án đường lâm nghiệp được triển khai, bà con mới có hy vọng với tới ước mơ đó, vì vậy, họ mừng vui ủng hộ.

 

Ngoài xóm Pháng 1, 2, Cúc Lùng, Khe Vàng thì xóm Vu 1, xã Phú Đô cũng tích cực san gạt mặt bằng để làm tuyến đường lâm nghiệp của xóm. Tuyến đường đi qua xóm Vu 1 có chiều dài hơn 400m, mặt đường rộng 4,5m, hai bên lề, rãnh mỗi bên rộng 60cm. Để mở rộng tuyến đường thuận tiện cho việc đi lại cũng như khai thác rừng của người dân địa phương nhiều hộ dân đã hiến hàng chục đến hàng trăm m2 đất, thậm chí nhiều hộ đã tự nguyện phá bỏ nhiều diện tích chè của gia đình để hiến đất làm đường.

 

Tuyến đường lâm nghiệp xã Phú Đô do Chi cục Kiểm lâm làm Chủ đầu tư, thuộc dự án Bảo vệ và phát triển rừng sản xuất, phòng hộ, đặc dụng và nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng của tỉnh giai đoạn 2021-2025. Với chủ trương, Dự án đi qua rừng của hộ nào thì hộ đó hiến đất, người ít, người nhiều, nhưng đều vì lợi ích chung. Đúng ngày 2/11/2023, Dự án được khởi công, người dân tích cực thực hiện chặt cây rừng, phá bỏ chè, cây ăn quả... hiến đất làm đường. Chỉ sau hơn 1 tháng, tuyến đường đã hoàn thành nền đường, ô tô có thể chạy bon bon trên những cung đường rộng mở.

 
 

Đứng trên đỉnh núi cao, phóng tầm mắt xuống vùng rừng Na Pháng, những cung đường đất mới san ủi uốn lượn đan xen tựa những dải lụa hồng vắt lên nền rừng xanh bát ngát. Bà Dương Thị Miên, xóm Pháng  phấn khởi cho biết: Đường lâm nghiệp là “món quà” của Đảng, Nhà nước dành tặng đồng bào chúng tôi, chúng tôi trân trọng lắm, biết ơn lắm, nên sẵn sàng hiến đất để làm đường. Chỉ trong thời gian ngắn, chúng tôi đã có đường to đẹp để đi, nhiều lúc vẫn ngỡ là giấc mơ. Đôi khi, sợ giấc mơ tan biến mất, tôi lại lấy xe ra chạy dọc tuyến đường để một lần nữa xác thực con đường mới đã thành hiện thực. Từ đây, dân làng đi làm rừng sẽ bớt phần vất vả, tụi nhỏ đi học cũng thuận lợi bội phần, và rồi rừng sẽ xanh tốt hơn, đời sống người dân sẽ sung túc hơn.

 

Và rồi tới đây, tuyến đường lâm nghiệp sẽ hoàn thành rải cấp phối, việc đi lại sẽ thuận lợi hơn nữa. Điều này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển rừng, cũng thuận tiện cho công tác phòng cháy chữa cháy, mà còn tạo sự gắn kết liên hoàn, thông suốt từ mạng lưới giao thông giữa các vùng, tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội ở địa phương, xây dựng nông thôn mới của xã Phú Đô ngày càng khang trang, sạch, đẹp.

 
 

Trên hành trình thăm lại Phú Đô lần này, nghe chị Nguyễn Thị Như Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND xã giới thiệu lộ trình, trong đó điểm đến cuối cùng là lên với bản người Mông Na Sàng, chúng tôi thoáng chút ái ngại. Bởi lần này đi không chuẩn bị tư trang cho việc “leo núi”, đặc biệt là lại đi bằng ô tô, không biết hành trình sẽ được bao xa. Trong suy nghĩ của chúng tôi, để đến Na Sàng phải vượt qua con đường mòn nhỏ dựng đứng theo ngọn núi cao, vừa nguy hiểm, vừa khó đi. Dường như đoán được suy nghĩ của chúng tôi, chị Quỳnh cười giòn bảo: Đường đến Na Sàng giờ đẹp lắm, hai ô tô tránh nhau còn được, không còn vất vả như trước nữa.

 

 Rồi chị giới thiệu thêm: Na Sàng là một trong những xóm đặc biệt khó khăn của xã, 90% là đồng bào dân tộc Mông. Đây là dải đất trũng được bao quanh bởi những cánh rừng xanh thẳm, người Na Sàng trước đây ít ra ngoài bởi đường xá đi lại khó khăn, nhất là sau mỗi trận mưa, nước mưa sói lở đường lại thành suối. Năm 2023, tuyến đường xóm Na Sàng có chiều dài 1,8km đã được xây dựng theo tiêu chuẩn đường giao thông cấp VI, tổng mức đầu tư trên 2,6 tỷ đồng, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.

 

Vừa đi vừa trò chuyện, thoáng chốc, đã đến chân núi, trải ra trước mắt chúng tôi là con đường bê tông rộng mở như đón chào, mời gọi. Con đường uốn lượn giữa núi rừng xanh mướt, hình ảnh này quá mới mẻ, khiến chúng tôi ngỡ ngàng. Xe lên đỉnh núi, chúng tôi dừng chân để được chiêm ngưỡng cảnh sắc núi rừng nơi đây, hít sâu bầu không khí trong lành vào lồng ngực và ngắm bản Na Sàng nằm gọn trong vòng tay bao bọc của những dãy núi cao, vừa hùng vĩ vừa nên thơ, đẹp say lòng người.

Được biết, năm 2023, ngoài tuyến đường xóm Na Sàng, xã Phú Đô đã hoàn thành tuyến đường ở xóm Phú Nam 3, sửa chữa cầu, làm được gần 10km đường giao thông, tổng kinh phí đầu tư trên 26 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương trên 16 tỷ đồng, ngân sách địa phương gần 3 tỷ đồng, vốn lồng ghép các chương trình, dự án trên 700 triệu đồng, còn lại do nhân dân đóng góp. Các tuyến đường được mở rộng, xây mới, không chỉ giúp người dân các xóm, bản đi lại thuận tiện, mà còn kết nối giao thông giữa các xã trong và ngoài huyện, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương ngày càng phát triển.

 
 

Nhờ đó, giờ đây, hình ảnh về những con đường mưa lầy, nắng bụi ngày nào đã dần lùi về quá khứ và trở thành kỷ niệm, thay vào đó là những cung đường rộng mở thênh thang, ngỡ chỉ là giấc mơ của đồng bào Phú Đô thì nay đã trở thành hiện thực.

 

Chia tay Phú Đô khi bóng nắng khuất núi, trong lòng chúng tôi vui lây khi những bản làng vùng cao, vùng sâu nay đã khang trang, sạch, đẹp khi có nhiều tuyến đường giao thông tạo điều kiện thuận lợi để bà con phát triển kinh tế, từng bước xây dựng bộ mặt nông thôn mới. Nhất là việc mở những con đường lâm nghiệp, chắc chắn tới đây sẽ giúp cho người trồng rừng trên địa bàn xã phát triển mạnh phong trào trồng rừng, để nâng cao giá trị thu nhập.

 
 

 



Xem thêm bình luận