|
Tất cả các hoạt động ở Trung tâm đều mang ý nghĩa “Uống nước nhớ nguồn”, thể hiện sự quan tâm đối với NCC và thân nhân NCC. Đặc biệt, với đội ngũ cán bộ, nhân viên làm việc tại Trung tâm, các anh chị đã và đang thay mặt Đảng, Nhà nước làm nhiệm vụ điều dưỡng, phục hồi sức khỏe cho những người cao quý.
Năm nay, Trung tâm Điều dưỡng NCC Thái Nguyên tròn tuổi 20 (2004-2024), đã đón tiếp, chăm sóc, phục vụ hàng vạn lượt NCC, thân nhân NCC. Với đội ngũ cán bộ, nhân viên phục vụ ở Trung tâm thì các đối tượng vào an dưỡng phục hồi sức khỏe như ông bà, cha mẹ. Nên mỗi đợt tiếp đón, phục vụ, toàn thể 24 cán bộ, viên chức, người lao động biên chế tại các phòng: Hành chính - Quản trị; Hậu cần Dinh dưỡng; Y tế - Nhà phòng đều bảo đảm quân số, thực hiện trực phục vụ 24 giờ/ngày với tinh thần không để chạnh lòng các ông bà, cha mẹ.
Quanh bàn trà, một nhóm người cao tuổi ngồi quây quần bên nhau, cùng hát bài “Tổ quốc nhìn từ biển” của Nguyễn Việt Chiến. Lời hát hào sảng: “Đất Tổ quốc khi chập chờn bóng giặc/Các con nằm thao thức phía Trường Sơn/Biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả/Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn”… Vừa hát, vừa đánh nhịp tay lên mặt bàn vẻ nhập tâm. Vô tư, hồn nhiên như tuổi đôi mươi năm nào.
Những tâm hồn chai sạn lam lũ trẻ lại sau khuôn mặt nám màu thời gian, và có những bàn tay nhăn nheo không còn đủ ngón lật bật làm nền cho tiếng hát. Có người cười giòn tan mà nước ầng ậc trào từ hốc mắt, dấu tích của đạn thù. Các cụ là những người lính từng tham gia chiến đấu ở Điện Biên Phủ; các mặt trận phía Nam; làm nhiệm vụ quốc tế ở nước bạn Lào, Campuchia và tham gia chiến đấu bảo vệ từng tấc đất biên cương Tổ quốc. Các cụ là những người lính từ khắp các mặt trận trở về với gia đình cùng vết thương đạn bom và đang tham gia đợt an dưỡng ở Trung tâm.
Chiến tranh đã lùi vào quá khứ, những kỷ niệm của thời trẻ trung trong mỗi người lính trận năm xưa vừa là niềm tự hào, vừa là điểm tựa tinh thần vững chãi để họ vươn lên trong cuộc sống… Ông Phạm Đức Toản, một nạn nhân chất độc hóa học, cho biết: Sau chiến tranh, lính tráng chúng tôi trở về xây dựng quê hương, có người thành đạt, nhưng cũng có người không may mắn, đau ốm quanh năm vì vết thương làm sức khỏe suy giảm, hằng ngày tiền thuốc còn nhiều hơn tiền ăn.
Mỗi người một hoàn cảnh, sau những yếu mềm lại tự thân đứng dậy, nỗ lực vươn lên ổn định cuộc sống gia đình. Bệnh binh Dương Thị Kiều Oanh nói: Tôi tham gia kháng chiến chống Mỹ. Ngày trở về, tôi là bệnh binh. Vào hôm thời tiết thay đổi, khắp người đau ê ẩm, song nén lòng chịu đựng không để người thân biết.
Hầu hết các đối tượng là NCC trên địa bàn tỉnh đều cao tuổi, đã đến Trung tâm an dưỡng nhiều lần. Tuy mỗi đợt điều dưỡng chỉ gói ghém trong thời gian 5 ngày, song các cụ - những con người cao quý có được những khoảng khắc quý giá của đời người. Giản đơn là một khoảng lặng cho riêng mình, và được sống bên những người bạn của một thời hoa lửa, hàn huyên chia sẻ những niềm riêng để nghị lực nhân lên, không làm hổ thẹn với những gì mình đã từng hy sinh, cống hiến.
Ở Trung tâm, ngày làm việc được bắt đầu từ rất sớm. 24 con người - kể từ Giám đốc đến nhân viên phục vụ được chia thành từng nhóm nhỏ: Quét dọn vệ sinh toàn bộ khuôn viên, đi chợ, nấu ăn… Để khi các cụ thức dậy, vươn vai tập thể dục xong là có bữa điểm tâm sáng. Cũng lúc ấy, một nhóm anh chị em đến từng phòng ở để thay ga trải giường, vệ sinh buồng phòng sạch sẽ giúp các cụ.
Để NCC, thân nhân NCC về điều dưỡng thoải mái, thích nghi ngay từ ngày đầu tập trung, Trung tâm tổ chức điều dưỡng theo từng địa phương. Nhờ đó việc đưa đón thuận tiện. Ngay từ ngày đầu vào điều dưỡng, các cụ đã cảm nhận được sự thân thiện vì có quen biết nhau. Chính vì thế, Trung tâm giống như một mái ấm lớn dành cho những người cao quý, cả xã hội biết ơn, kính trọng, vinh danh. Từ gắn bó với công việc và linh cảm nghề nghiệp giúp cán bộ, nhân viên Trung tâm thấu hiểu tâm sự riêng, tính cách, sức khỏe của mỗi người để từ đó tìm ra “phác đồ” chăm sóc chu đáo nhất.
Chị Nguyễn Thị Thương Huyền, Trưởng Phòng Y tế - Nhà phòng, cho biết: Sớm nào Trung tâm cũng lên thực đơn phù hợp với từng người. Trong ngày, chúng tôi tổ chức cho các cụ 3 bữa ăn chính, bảo đảm bữa sau không lặp lại món của bữa trước. Mọi người đều ý thức được trọng trách của mình, động viên nhau làm việc hết sức, với mong muốn khi ngồi vào mâm cơm, các cụ cảm nhận được tình cảm đầm ấm, gần gũi và ăn hết khẩu phần.
Có mặt ở đó, ông Nguyễn Văn Thành góp vui: Tôi là thương binh hạng 4/4. Đây là lần thứ 5 tôi vào Trung tâm hưởng chế độ an dưỡng phục hồi sức khỏe. Những ngày ở đây, bữa ăn nào trên mâm cũng có rất nhiều món, nhưng nhiều lúc rớt nước mắt nhớ đến năm tháng ở rừng, ăn rau dại, nuôi muỗi mòng.
Chiến tranh đã đi qua, những hố bom đạn chất chứa hận thù được lấp đầy, thế vào đó là làng mạc, phố phường và những mùa quả chín. Hận thù khép lại, vào quá khứ, nhưng khi gặp những NCC và thân nhân NCC đang có kỳ an dưỡng ở Trung tâm, chúng tôi hiểu thấu hơn về nỗi đau mang tên chiến tranh. Có người mất đi một phần cơ thể, người mang mảnh đạn trong đầu, người bị chất độc hóa học gặm nhấm sức khỏe… Ai cũng có thể nhìn thấy đó là thương binh, là nạn nhân chất độc hoá học, nhưng ít ai nhìn thấy những phụ nữ bóng lẻ đêm dài, tần tảo một đời thờ chồng, nuôi con.
Bà Nguyễn Thị Thanh, vợ liệt sĩ, chia sẻ: Ở Trung tâm, tôi thấy các cháu (cán bộ, nhân viên) đều còn trẻ, gần gũi, thân thiện như ruột thịt. Dù thời gian an dưỡng không dài, song với tôi đó là những ngày rất đáng sống.
Đã mấy mươi năm chiến tranh vùi chôn vào quá khứ, nhưng các anh chị làm việc ở Trung tâm hằng ngày còn chứng kiến bao nỗi đau mất mát qua từng câu chuyện nhỏ. Nỗi đau ấy cùng thời gian âm ỉ ngấm sâu vào tâm khảm, tạo thành dòng huyết nóng nuôi dưỡng nên những trái tim biết yêu thương, “dám” gác hạnh phúc riêng để đổi lấy nụ cười cho những người cao quý.
Chị Nguyễn Thị Bích Hạnh, điều dưỡng viên, kể: Có lần vào nhà ăn, tôi thấy một người mẹ ngồi lặng lẽ, cầm đũa nhìn mâm cơm. Ngỡ thức ăn không phù hợp khẩu vị nên tôi lại gần, vừa gạn hỏi thì mẹ òa lên, nức nở: Mẹ ăn làm sao đây khi các con của mẹ không về... Cả khu nhà ăn bữa ấy im lặng. Chúng tôi thút thít khóc như những đứa trẻ. Người mẹ ấy có 3 con trai là liệt sĩ.
Đối tượng vào Trung tâm đều tuổi cao, sức yếu. Nhiều cụ mệt mỏi do tăng, hạ đường huyết, bỏ bữa. Cán bộ, nhân viên Trung tâm lại cắt cử nhau chăm nom, nấu cháo hoặc chế biến món ăn riêng phù hợp với khẩu vị, mang đến phòng, thủ thỉ: Mẹ ơi, bố ơi… ông bà của con ơi, gắng ăn một chút kẻo ngã bệnh.
Không nề hà, câu nệ, tối đến anh chị em đến từng phòng, giúp các cụ trải ga đệm, mắc màn. Có cụ bị mất ngủ, lãnh đạo Trung tâm hoặc anh chị em nhân viên phục vụ lại thay nhau ngồi lắng nghe cụ kể chuyện ngày xưa.
Vâng! Ngày xưa các cụ đã chịu nhiều mất mát, hy sinh, để con cháu đời đời được sống trong hòa bình. Và bằng hành động cụ thể, thiết thực, đội ngũ cán bộ, nhân viên phục vụ ở Trung tâm đã gieo vào lòng những người cao quý bao niềm nhớ tốt đẹp. Họ đang thay mặt Đảng, Nhà nước thực hiện công tác chăm sóc NCC, thân nhân NCC và một địa chỉ dành cho những người cao quý ở đất Thép, xứ Trà hằng năm về an dưỡng.
|