Tiếp nối đà phục hồi từ cuối năm 2023, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong 7 tháng đầu năm 2024 tiếp tục cho thấy xu hướng tích cực khi Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 7,15% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,27% và tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt tăng trưởng; ngành khai khoáng tăng 1%; ngành sản xuất, phân phối điện tăng 0,29%...
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh thời gian qua là do đã "hấp thụ" hiệu quả các giải pháp của Chính phủ trong tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như: Kích cầu tiêu dùng nhằm hỗ trợ tiêu thụ và sản xuất hàng hóa; các chính sách nhằm ổn định giá cả và nguồn cung cấp nguyên vật liệu cho các doanh nghiệp; ưu tiên nguồn vốn vay với lãi suất thấp.
Ngoài ra, các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng linh hoạt tìm kiếm thị trường mới để gia tăng số lượng đơn hàng tiêu thụ. Thêm nữa, một số đơn vị, doanh nghiệp đã nghiên cứu, sản xuất và cung cấp ra thị trường nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao.
Đơn cử, trong tháng 7, Samsung ra mắt thị trường dòng sản phẩm điện thoại Samsung Galaxy Z Fold 6 và Z Flip 6. Hai mẫu điện thoại này được nghiên cứu, phát triển ở Trung tâm Samsung R&D đặt tại TP. Hà Nội, sau đó chuyển tới các nhà máy tại Việt Nam để sản xuất cho nhu cầu nội địa và xuất khẩu đi 128 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
Cùng với sản phẩm mới này, Samsung Thái Nguyên đã sản xuất cán mốc 8 triệu chiếc điện thoại thông minh trong tháng 7, tăng 1% so với tháng trước và tăng 0,4% sản phẩm so với cùng kỳ. Samsung Thái Nguyên là doanh nghiệp đóng góp trên 95% giá trị công nghiệp, giá trị xuất khẩu toàn tỉnh.
Với kết quả trên, sản xuất công nghiệp được nhận định là điểm sáng của nền kinh tế trong 7 tháng qua. Đáng nói, trong bối cảnh khó khăn bủa vây khi tình hình xung đột chính trị, lạm phát kinh tế trong và ngoài nước vẫn tác động tiêu cực, song sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn tăng, chứng tỏ một phần sức chống chịu của doanh nghiệp sản xuất trong tỉnh đã vững vàng hơn.
Thái Nguyên vẫn được đánh giá là một trong những địa phương có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư bởi có hạ tầng và nguồn nhân lực tốt, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư.
Tính đến ngày 16-8, Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh đã cấp mới 16 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, bằng 107% kế hoạch năm và bằng 72,73% cùng kỳ năm trước. Thu hút vốn đăng ký đầu tư vào các dự án trong các KCN đạt trên 513 triệu USD, bằng 313,7% cùng kỳ, đạt 102,7% kế hoạch năm...
Trong đó, đáng quan tâm là những dự án quan trọng với số vốn đầu tư lớn, góp phần tạo điều kiện, cơ hội để tiếp tục thu hút các dự án mới. Đó là Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Sông Công II, giai đoạn 2 với diện tích trên 296ha, tổng mức đầu tư gần 4.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, một số dự án được kỳ vọng khi đi vào hoạt động sẽ tạo “cú hích” trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như: Nhà máy may Thagaco Smart Green Định Hóa với tổng mức đầu tư 788,7 tỷ đồng; Trạm biến áp 220kV Phú Bình và đường dây 220kV Phú Bình nhánh rẽ Thái Nguyên - Bắc Giang có tổng mức đầu tư 620 tỷ đồng; Dự án PVC Huali Việt Nam tại KCN Điềm Thụy có tổng vốn đăng ký 40 triệu USD; Nhà máy KHVATEC Thái Nguyên tại KCN Yên Bình có tổng vốn đăng ký 25 triệu USD…
Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 309 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực. Trong đó có 172 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký đầu tư là trên 10.872 triệu USD và 137 dự án DDI với tổng số vốn đăng ký đầu tư trên 22.346 tỷ đồng.
Việc lựa chọn Thái Nguyên làm điểm đến đầu tư và mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp lớn là tín hiệu đáng mừng, thể hiện niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với địa phương. Đặc biệt, trong thời điểm hiện nay, khi tình hình kinh tế trong nước và thế giới đang phục hồi tích cực thì việc khẳng định chất lượng môi trường đầu tư sẽ góp phần gia tăng số lượng dự án quy mô lớn vào Thái Nguyên.
Bên cạnh những kết quả tích cực thì một số nhóm ngành công nghiệp của tỉnh còn gặp không ít khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Trong đó có cả những nhóm ngành chủ lực của tỉnh như sản xuất vật liệu xây dựng (xi măng, sắt thép); cơ khí chế tạo...
Ông Bùi Xuân Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Thang máy - Cơ khí Tân Lập, cho biết: Do không tìm kiếm được đơn hàng mới nên doanh thu của đơn vị sụt giảm. Cụ thể, 7 tháng đầu năm nay, doanh thu của chúng tôi chỉ đạt 20,5 tỷ đồng, giảm 13 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023.
Còn đối với Công ty CP Gạch Prime Phổ Yên - chuyên sản xuất gạch ốp lát, nếu như các năm trước, dây chuyền sản xuất của nhà máy hoạt động đạt 100% công suất thiết kết (tương đương hơn 11,5 triệu m2 gạch lát nền/năm), thì năm nay công suất chỉ đạt 50%. Nguyên nhân là sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, lượng tồn kho tăng cao nên đơn vị đã phải tạm dừng 2/4 dây chuyền sản xuất. Doanh thu 7 tháng qua chỉ đạt 30% kế hoạch năm, sụt giảm 70% so với cùng kỳ năm trước.
Để tồn tại trong giai đoạn này, nhiều đơn vị, doanh nghiệp phải “thắt lưng buộc bụng”, tìm cách thắt chặt chi phí sản xuất để hạ giá bán sản phẩm, giảm công suất hoạt động, chỉ duy trì sản xuất cầm chừng. Ở một số đơn vị, mặc dù sản phẩm tiêu thụ khó khăn, hàng tồn nhiều nhưng vẫn duy trì việc làm cho lao động, chấp nhận bù lỗ để trả lương nhằm giữ chân công nhân.
Để phấn đấu đạt cao nhất mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp năm 2024 là 1.055.400 tỷ đồng (tăng 8,5% so với năm 2023), các cấp, ngành và cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh đang nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.
Cụ thể về phía doanh nghiệp, nhiều đơn vị đang nỗ lực tìm kiếm, mở rộng, tái cơ cấu thị trường tiêu thụ; tăng cường các giải pháp tiết kiệm chi phí sản xuất; tái cấu trúc doanh nghiệp và đầu tư công nghệ, chuyển đổi xanh để đáp ứng yêu cầu của khách hàng về điều kiện chứng chỉ xanh đối với nhà máy, kinh tế tuần hoàn…
Đồng hành với doanh nghiệp, các cấp, ngành tập trung nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho các cơ sở sản xuất công nghiệp duy trì hoạt động ổn định và phát huy tối đa công suất; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp, tạo thêm năng lực sản xuất cho nền kinh tế.
Cụ thể, ngoài 5/11 KCN đã đi vào hoạt động, tỉnh đã thông qua các đồ án quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 các khu công nghiệp như: Đô thị - Dịch vụ Phú Bình, Đô thị - Dịch vụ Tây Phổ Yên, Thượng Đình, Yên Bình 2, Yên Bình 3...
Đến nay, công tác quy hoạch các KCN của tỉnh đã cơ bản hoàn thành. Cùng với đó, chất lượng quy hoạch được chú trọng theo hướng thu hút các dự án sản xuất công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn chính là tiền đề quan trọng trong việc lựa chọn, thu hút nhà đầu tư trong thời gian tới.
Đối với phát triển các cụm công nghiệp, các cấp chính quyền và ngành liên quan đang tập trung tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư hạ tầng về giải phóng mặt bằng, hướng dẫn lập, điều chỉnh quy hoạch chi tiết, thực hiện các bước lập dự án đầu tư… Nhờ đó, nhiều cụm công nghiệp đã đầu tư xây dựng hạ tầng để có thể thu hút, mời gọi các dự án đi vào hoạt động…