Nghề mộc đã gắn bó với nhiều hộ ở Làng nghề An Châu (xã Nga My, Phú Bình) từ rất lâu đời. Trải qua bao thăng trầm, những thợ mộc nơi đây vẫn một lòng với nghề “bụi bặm” và kiên trì truyền “lửa nghề” cho thế hệ sau.
Về Làng nghề mộc An Châu, chúng tôi được nghe những âm thanh rền vang phát ra từ các xưởng mộc. Đó là tiếng cưa máy, cắt gỗ, bào cây, đục đẽo “lốc cốc”... Những âm thanh này đã gắn liền với cuộc sống của biết bao thế hệ người dân nơi đây.
Theo chia sẻ của những người thợ lâu năm thì nghề mộc đã xuất hiện tại địa phương từ rất lâu đời, không ai còn nhớ mốc thời gian cụ thể. Chỉ biết rằng, trước đây các cơ sở sản xuất gỗ nằm rải rác ở 11 xóm thuộc làng An Châu, Nga My, Đại Đồng Xuân. Về sau, các làng này sáp nhập thành xã Nga My ngày nay. Hiện, các cơ sở sản xuất nằm tại 7 xóm: Trại An Châu, Liên Ngọc, Cũ, Cầu Cát, Thái Hòa, Đồng Hòa, Làng Nội.
Ðể tạo ra được những sản phẩm ưng ý, người thợ phải trải qua rất nhiều công đoạn như: cưa gỗ, bào nhẵn, đo và lấy kích thước, lọc gỗ, vẽ, chạm khắc, lắp ráp, sơn... Dưới bàn tay tài hoa của những thợ mộc lành nghề, các sản phẩm gỗ mỹ nghệ được xuất bán từ Làng nghề mộc An Châu có chất lượng tốt, chạm khắc tinh xảo, được khách hàng tin tưởng lựa chọn.
Với kỹ năng nghề điêu luyện, các cơ sở có thể sản xuất được đa dạng mặt hàng từ gỗ, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người dùng như: hoành phi, câu đối, đồ thờ, cửa, bàn ghế, giường tủ... Ngoài ra, một số thợ mộc hành nghề lâu năm còn thành lập các tổ thợ lưu động để chuyên làm nhà cổ trong và ngoài huyện.
Nhờ làm mộc, đời sống của nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã được nâng lên. Cứ thế, nghề “bụi bặm” đó được truyền từ đời này sang đời khác, trở thành nghề truyền thống mang thương hiệu “An Châu”.
Các cơ sở sản xuất tại Làng nghề mộc An Châu đã trải qua nhiều thăng trầm để gìn giữ và phát triển nghề truyền thống. Theo đó, trước năm 2000, làm nhà cổ là công việc “đắt” khách vì nhu cầu trong và ngoài huyện khá lớn. Tuy nhiên, những năm sau đó, xu hướng làm nhà xây ngày càng thịnh hành khiến đơn hàng làm nhà cổ ít dần, thợ làm nhà không ít việc.
Để giữ nghề, các chủ xưởng đã tìm hiểu nhu cầu của khách hàng và tập trung sản xuất các sản phẩm nội thất. Thời điểm gần cuối năm, các xưởng hoạt động rất nhộn nhịp, hàng sản xuất đến đâu được tiêu thụ hết đến đó. Từ năm 2010 đến nay, nhận thấy nhu cầu làm nhà cổ bắt đầu tăng trở lại, một số xưởng đã huy động thợ lành nghề để gây dựng lại tổ thợ làm nhà, kịp thời đi vào sản xuất khi có đơn đặt hàng.
Khi xã hội ngày càng phát triển, yêu cầu của khách hàng về sản phẩm cũng khắt khe hơn. Trong khi đó, sự nổi lên của các mặt hàng gia dụng từ nhựa hoặc gỗ gia công với giá thành rẻ cũng khiến các xưởng mộc chật vật, vì thị trường đầu ra khó khăn. Để tồn tại, nhiều xưởng đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư máy móc nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và năng suất.
Nếu như trước kia, sản phẩm được làm hoàn toàn thủ công thì nay máy móc đã thay thế đến 90% công đoạn. Với sự trợ giúp của máy móc hiện đại, các sản phẩm được làm ra với thời gian nhanh và đẹp hơn; đường nét, hoa văn đạt độ chính xác cao. Đồng thời giúp giảm thiểu hao hụt nguyên liệu và chi phí nhân công.
Tuy nhiên, để sản phẩm vừa có độ tinh xảo mà vẫn pha nét mộc truyền thống, công đoạn chạm khắc vẫn thường được làm thủ công, không lạm dụng khắc máy.
Để thích ứng với thị hiếu của khách hàng, các xưởng mộc cũng quan tâm cải tiến mẫu mã đảm bảo tính mỹ thuật, hoa văn được làm tinh xảo hơn. Đơn cử như làm nhà cổ, trước đây, hầu hết ngôi nhà không có nhiều họa tiết, nguyên liệu gỗ có kích thước nhỏ. Thời gian hoàn thành một ngôi nhà chỉ khoảng 1 tháng. Tuy nhiên, hiện nay khách hàng yêu cầu nhà cổ có nhiều hoa văn, họa tiết cầu kỳ hơn. Gỗ để làm nhà to hơn, gấp 3-4 lần khối lượng so với trước. Thời gian làm 1 ngôi nhà dao động từ 3 đến 6 tháng, giá thành dao động từ 500 triệu đồng đến trên 1 tỷ đồng/nhà (tùy thuộc diện tích, độ tinh xảo).
Bên cạnh khó khăn về tìm kiếm “chỗ đứng” cho các sản phẩm trên thị trường, việc tìm người kế thừa để giữ nghề truyền thống cũng không dễ. Bởi hiện nay đa số người trẻ đều hướng đến làm việc trong môi trường công nghiệp, ít ai gắn bó với nghề truyền thống. Do đó, việc bảo tồn, phát triển nghề truyền thống là một trong những trăn trở của những thợ cao tuổi.
Từ thực tế đó, hầu hết các thợ lâu năm đều định hướng, truyền dạy cho con cháu học nghề. Thời điểm đầu thì cho làm quen với các công đoạn. Sau đó là dạy thực hành từ công đoạn dễ đến khó. Nhờ đó, từ e ngại, người trẻ sẽ dần hiểu và yêu nghề truyền thống này. Đến nay, hầu hết xưởng mộc trong Làng nghề An Châu đều đã có người trẻ nối nghiệp.
Tuy nhiên, để làng nghề “sống khỏe”, ngoài sự chủ động của các cơ sở thì rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành liên quan về vốn, đào tạo nghề cho lao động trẻ, tiếp cận thị trường. Đặc biệt, hiện nay hầu hết cơ sở đều đang phát triển nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm. Vì vậy, chính quyền địa phương cần khuyến khích thành lập hợp tác xã trong làng nghề để tăng cường liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ.