Trên địa bàn huyện Đồng Hỷ hiện có trên 50.000 người dân tộc thiểu số (DTTS), trong đó có 15.900 người dân tộc Sán Dìu (đông thứ hai sau dân tộc Nùng). Hằng năm, khi lúa vụ mùa bắt đầu chín vàng trên những cánh đồng (vào khoảng cuối tháng Tám, tháng Chín Âm lịch) bà con người dân tộc Sán Dìu tại các địa phương trong huyện lại hối hả thu hoạch những “hạt ngọc trời” chín sớm nhất và chọn ngày lành để tổ chức Lễ cúng cơm mới.
Từ xa xưa, do đời sống kinh tế chủ yếu của bà con dựa vào nông nghiệp, điều kiện sản xuất khó khăn, vì vậy tín ngưỡng liên quan đến sản xuất nông nghiệp chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống của mỗi tộc người. Đối với người dân tộc Sán Dìu ở Đồng Hỷ cũng vậy, các tín ngưỡng nông nghiệp thường được tiến hành dựa theo chu kỳ mùa vụ, được sử dụng như một “vũ khí tinh thần” để chống chọi với những khó khăn từ điều kiện tự nhiên.
Trong 1 năm, các lễ theo tín ngưỡng nông nghiệp gồm: Lễ ra đồng (tháng Giêng); Lễ hạ điền (tháng 4 Âm lịch); Lễ thượng điền (tháng 7 Âm lịch); Lễ ăn cơm mới (tháng 8, 9 Âm lịch) và Lễ tổng kết tạ ơn (cuối năm).
Lễ cúng cơm mới là tín ngưỡng được người dân tộc Sán Dìu ở huyện Đồng Hỷ gìn giữ qua nhiều thế hệ đến ngày nay. Lễ được tổ chức hằng năm theo quy mô xóm vào đúng vụ thu hoạch lúa mùa (thường vào cuối tháng Tám và tháng Chín Âm lịch).
Ở mỗi xóm, cụm dân cư có đông người dân tộc Sán Dìu sinh sống sẽ có người phụ trách làm lễ, được gọi là Thủ từ hoặc Trưởng nhang. Khi lúa mùa bắt đầu chín, Thủ từ sẽ lựa chọn ngày lành, đẹp và phù hợp với điều kiện sinh hoạt của người dân trong xóm để tổ chức Lễ cúng cơm mới của xóm.
Người dân sẽ chọn lúa ở thửa ruộng chín sớm nhất trong xóm, sau đó đem xát lấy gạo, nấu thật đầy nồi, cùng với thịt gà, thịt lợn làm các mâm lễ dâng lên những vị thần ngoài đình, chùa của xóm mình. Sau khi lễ của xóm tổ chức xong thì các hộ người dân tộc Sán Dìu mới tổ chức Lễ cúng cơm mới tại gia đình mình.
Xã Tân Lợi (Đồng Hỷ) có 8 xóm thì 7 xóm có đông người dân tộc Sán Dìu sinh sống. Riêng xóm Bảo Nang, trong 900 nhân khẩu thì chỉ có 12 người dân tộc Sán Dìu, tuy vậy xóm vẫn tổ chức Lễ cúng cơm mới tại đình. Sau khi làm lễ xong, các xóm đều tổ chức liên hoan tại đình.
Chúng tôi có dịp tham gia Lễ cúng cơm mới của người dân xóm Trại Gião (xã Nam Hòa); xóm Trung Thần (xã Hóa Trung) và tìm hiểu tại xóm Trại Đèo, xóm Đồng Lâm (xã Tân Lợi). Ở mỗi khu dân cư, tùy vào đặc điểm địa hình, điều kiện tự nhiên mà Lễ có một số điểm khác nhau.
Đơn cử như ở xóm Trại Gião, xóm có 196/197 hộ dân là người dân tộc Sán Dìu với trên 800 nhân khẩu. Do diện tích đình nhỏ hẹp, không thể tổ chức Lễ cúng cơm mới theo quy mô toàn xóm, nên xóm chia đều số hộ thành 8 tổ dân cư, mỗi tổ sẽ phụ trách từng lễ cúng trong năm.
Đối với tổ phụ trách Lễ cúng cơm mới, trước ngày diễn ra Lễ, ngoài gạo mới thu hoạch, các hộ dân đóng góp tiền để mua nguyên liệu cần thiết cùng nấu 5 mâm cỗ làm lễ và cỗ liên hoan cả Tổ.
Người dân xóm Trại Gião cùng nhau dọn dẹp, nấu cỗ, làm đồ lễ. |
Trong ngày diễn ra Lễ thì mỗi hộ dân trong tổ dân cư đều cử đại diện tham gia làm hậu cần và phục vụ lễ cúng. Nữ giới thì đảm nhiệm bếp núc, dọn dẹp tại nhà văn hóa, còn nam giới thì phụ trách chuẩn bị đồ lễ, quá trình làm lễ ở đình và miếu của xóm. Sau khi làm lễ xong, người dân đưa các mâm lễ cúng về nhà văn hóa để cùng thụ lộc.
Còn xóm Trung Thần (xã Hóa Trung) hiện có 183 hộ, gần 800 nhân khẩu với 97% người dân tộc Sán Dìu, sau khi sáp nhập 2 xóm Cầu Mánh và xóm Trung Thần vào năm 2018. Hiện Trung Thần là 1 xóm, tuy nhiên 2 cụm dân cư vẫn duy trì sinh hoạt tín ngưỡng tại 2 đình Cầu Mánh và Trung Thần như trước đây. Và giữa 2 cộng đồng người Sán Dìu này làm Lễ cúng cơm mới cũng có sự khác biệt.
Nếu như cụm Cầu Mánh có gần 50 hộ, chia đều thành 5 nhóm. Mỗi nhóm 10 hộ phụ trách Lễ cúng cơm mới, mỗi hộ sẽ tự nấu một mâm lễ cúng thể hiện lòng thành (tùy vào điều kiện kinh tế và thời gian chuẩn bị), đúng ngày đúng giờ như Thủ từ đã thông báo sẽ bê ra đình để làm Lễ. Sau đó, đại diện các hộ cùng thụ lộc tại sân đình.
Còn cụm dân cư Trung Thần cũng chia theo nhóm các hộ dân phụ trách từng Lễ cúng trong năm. Tuy nhiên, khác với những địa phương nêu trên, để làm Lễ cúng cơm mới, các hộ dân đóng góp một mức tiền cho Chủ nhang đứng ra mua sắm lễ. Khi nấu cỗ, chỉ cần một vài hộ gia đình có nhân lực tham gia, sắp lễ đem ra đình Trung Thần. Sau khi cúng xong, lễ sẽ được chia đều cho những hộ trong nhóm và các gia đình tự đem về tư gia liên hoan.
Người dân tộc Sán Dìu ở huyện Đồng Hỷ đã và đang gìn giữ những nét đẹp trong tín ngưỡng, làm phong phú thêm văn hóa bản địa.
Ngày nay, Lễ cúng cơm mới không chỉ đơn giản mang ý nghĩa dâng lên những “hạt ngọc” quý do bà con gieo cấy trong năm, cầu mong mùa màng bội thu, mà rộng hơn là "báo cáo" đất trời, thánh thần, tổ tiên về những thành tựu của bà con, cầu no ấm, sung túc, hạnh phúc, là điểm tựa tinh thần, thắt chặt tình đoàn kết.
Mặc dù chưa có số liệu thống kê, đánh giá riêng về đời sống kinh tế của người dân tộc Sán Dìu trong toàn huyện, song điểm qua một vài địa phương thì cũng thấy rõ sự đổi thay, phát triển.
Với xã Nam Hòa, địa phương có đông người dân tộc Sán Dìu nhất huyện, đời sống kinh tế, tinh thần của bà con cũng được nâng cao, minh chứng thể hiện rõ như y tế, văn hóa, giáo dục được quan tâm, nâng cao chất lượng. Xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2023, sớm hơn 1 năm so với kế hoạch...