Gần lắm Đồng Danh ơi!
.

Gần lắm Đồng Danh ơi!

TNĐT 19:00, 31/10/2024
 

Theo Nghị quyết của HĐND tỉnh, xóm Ba Họ (xã Yên Ninh, Phú Lương) vừa sáp nhập với xóm Đồng Danh cũ, thành xóm Đồng Danh. Nhắc đến Ba Họ, trước đây nhiều người nghĩ đến một xóm nghèo chủ yếu các hộ dân tộc Dao sinh sống và là xóm duy nhất của huyện Phú Lương chưa có đường bê tông. Nhưng hiện giờ, con đường mới mở rộng và trải bê tông phẳng lì dẫn vào tận xóm như nối dài ước mơ của người dân nơi đây, cổ vũ, khích lệ họ tích cực vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.

 
 

Trong tiết trời Thu dìu dịu tháng 10, chúng tôi cùng ông Lâm Văn Tùng (Bí thư Đảng ủy xã Yên Ninh) có chuyến hành trình vào xóm Đồng Danh. Ngồi trên xe ô tô bon bon chạy trên tuyến đường bê tông phẳng phiu, uốn lượn bám theo những sườn núi vào tận cuối xóm, chúng tôi đưa tầm mắt sang bên đường ngắm màu xanh của những rừng keo bạt ngàn mà cứ ngỡ trong mơ.

Nhớ lại cách đây gần 2 năm trước, cũng cung đường này, tôi được Bí thư Đảng ủy xã chở vào xóm thực tế trên chiếc xe máy mà qua nhiều đoạn phải nín thở vì đường đất nhỏ hẹp, có chỗ bị xói lở với đá mấp mô.

 
 

Sau vài ba câu chuyện, chúng tôi đã đến lưng núi Thăm Cáng, điểm cuối của tuyến đường, tiếp giáp với xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn. Gặp ông Hoàng Thông Báo, chúng tôi được ông kể: Ngày chưa có đường, người dân ở đây khổ lắm, đi lại rất vất vả trên con đường mòn độc đạo lên xóm.

Mỗi khi đi ra trung tâm xã, dù chỉ gần 10km mà người dân phải vượt qua nhiều con dốc cao gập gồ đá tảng mất hàng giờ đồng hồ. Sợ nhất là trời mưa, bà con phải tháo lốp xe, rồi lấy dây xích quấn để giảm trơn trượt, ai cứng tay lái mới dám đi, còn lại phải gửi xe nhà người quen dưới núi để leo bộ về nhà.

 
 

Những bậc cao niên kể lại, khoảng 30 năm trước, Nhà nước đã mở đường cho xóm, nhưng là đường đất, qua các trận mưa, đường hư hỏng nhiều, nên nỗi vất vả ấy cứ đằng đẵng kéo dài hết năm này qua năm khác. Những ngày mưa bão, trẻ em phải nghỉ học.

Qua mỗi trận mưa, đường lại bị xói lở, mặt đường hư hỏng nặng, tạo thành rãnh sâu, hố lớn. Chẳng may có người ốm đau, phải đưa ra cơ sở y tế cũng lắm gian nan. Bởi vậy, được đổ bê tông, mở rộng đường lên xóm là khao khát cháy bỏng của tất cả người dân ở đây.

Vậy nên, khi có chủ trương đầu tư làm đường bê tông, các hộ đều đồng thuận hiến đất, tự tay phá bỏ cây cối, tài sản trên đất để bàn giao cho đơn vị thi công. Từ lúc khởi công đến khi tuyến đường dần hoàn thiện, ai cũng vui mừng.

 
 

Nói về “sự tích” con đường mơ ước này, người dân nơi đây không quên: Căn cứ chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, khi đó là Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên, trong buổi đối thoại trực tiếp với cán bộ và nhân dân của huyện Phú Lương vào tháng 9-2022, các sở, ban, ngành liên quan và chính quyền các cấp của huyện đã khẩn trương phối hợp khảo sát, cân đối nguồn vốn để đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường cho nhân dân xóm Ba Họ.

 
 

Trong tháng 12-2022, Vietel Thái Nguyên đầu tư xây dựng 1 trạm BTS đáp ứng nhu cầu về sóng viễn thông di động và Internet không dây băng thông rộng 4G cho 100% hộ dân ở Ba Họ có điều kiện tiếp cận Internet phục vụ đời sống, học tập, lao động sản xuất...

 

Xóm Ba Họ khi chưa sáp nhập là xóm đặc thù, với 31 hộ, trên 100 nhân khẩu, hơn 99% là người dân tộc Dao. Người dân tộc Ba Họ ở trên núi cao, bị chia cắt với các xóm khác bởi núi bao quanh. Còn Đồng Danh là xóm duy nhất có tuyến đường liên xóm nối lên Ba Họ, chủ yếu là người dân tộc Sán Chỉ sinh sống.

Nhằm quản lý và tăng cường, huy động, cân đối các nguồn lực để điều tiết, phân bổ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh quốc phòng địa bàn, đặc biệt là giúp bà con ở Ba Họ có thêm điều kiện phát triển, xã đã thực hiện sáp nhập 2 xóm. Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nên chủ trương này được 100% hộ đồng thuận.

 

Bí thư Đảng ủy xã Yên Ninh Lâm Văn Tùng chia sẻ: Việc sáp nhập hai xóm sẽ thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, đồng thời tăng quy mô số hộ và nhân khẩu, tạo điều kiện cho việc lựa chọn nhân sự các chức danh, nâng cao chất lượng người hoạt động không chuyên trách của xóm.

Sau sáp nhập, đầu tháng 10 vừa qua, Chi bộ xóm Đồng Danh tổ chức buổi sinh hoạt có sự tham dự của lãnh đạo huyện Phú Lương. Buổi sinh hoạt được chuẩn bị chu đáo, cấp ủy điều hành khoa học, nhất là sự dân chủ, hăng hái tham gia phát biểu của các đảng viên.

Nét nổi bật trong công tác tháng 9 là sau khi sáp nhập, Chi bộ đã nhanh chóng chỉ đạo nhân dân phòng chống và khắc phục hậu quả hoàn lưu cơn bão số 3 (xóm có có 12 hộ bị ngập lụt, 7 hộ bị sạt lở phải di dời tạm thời, 2 nhà bị hư hỏng nặng, gần 13ha lúa và hoa màu và một số cây công nghiệp khác bị hư hỏng).

 

Các đảng viên đã đóng góp nhiều ý kiến, thảo luận về nguyên nhân một số diện tích cây rừng phát triển kém, dịch bệnh ở vật nuôi, hiện tượng xói lở ở một số điểm. Việc các đảng viên đóng góp nhiều ý kiến, Chi bộ đưa ra những nghị quyết cụ thể ở từng lĩnh vực, chính là nét mới – điều mà trước đây Chi bộ Ba Họ chưa làm được.

Từ đó, Chi bộ đề ra nghị quyết rất cụ thể, với sự thống nhất cao của các đảng viên để thực hiện trong tháng 10 và những tháng cuối năm như: Tiếp tục lãnh đạo thực hiện tốt việc khắc phục hậu quả sau bão số 3; tích cực phát triển kinh tế; vận động nhân dân hiến đất làm đường liên xóm Đồng Danh - Suối Bén - Đồng Phủ 1; quan tâm phát triển đảng viên mới; nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên trong Chi bộ.

 
 

Chúng tôi đến thăm mô hình kinh tế rừng của gia đình ông Hoàng Ngân Sơn ở cuối xóm Đồng Danh và không khỏi ngạc nhiên khi thấy ở trên núi cao hẻo lánh, ông Sơn đã xây dựng được căn nhà khang trang, bề thế. Năm nay có đường mới, ông vừa tậu thêm chiếc ô tô con phục vụ đi lại cho gia đình.

Ông bảo: Gia đình tôi đã gắn bó với rừng nhiều năm nay, tôi hiểu rõ giá trị của rừng vì điều hòa khí hậu, lại cho thu nhập ổn định hơn các loại cây ngắn ngày. Vì thế, tôi trồng toàn bộ keo, khoảng 6ha. Tôi không thu hoạch sớm, mà chỉ thu tỉa, để keo đến 7-10 năm thu hoạch là có nguồn thu lớn để xây nhà, mua xe.

 
 

Không riêng ông Sơn, ở Đồng Danh có hàng chục hộ dân có diện tích rừng trồng lớn đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế khá. Như gia đình ông Hoàng Xuân Vượng, ngoài trồng 7ha keo còn trồng thêm 3.000 cây quế.

Quế là cây mang lại giá trị kinh tế cao, bởi cây quế sau khi phát triển thì tất cả lá, cành nhỏ đều có thể bán được để làm tinh dầu quế. Khi cây phát triển, có thể khai thác vỏ quế, còn cây trưởng thành thì khai thác gỗ cho chế biến đồ mỹ nghệ.

 

Thấy được giá trị cao từ cây quế, trong xóm có gần 30 hộ trồng, với tổng diện tích khoảng 5ha. Hiện, toàn bộ diện tích quế đang sinh trưởng phát triển tốt, chỉ sang năm là bắt đầu cho thu hoạch tỉa.

 

Ngoài trồng rừng, tận dụng diện tích đất rộng, nguồn thức ăn dồi dào, nhiều hộ ở Đồng Danh cũng tích cực chăn nuôi gia súc, gia cầm. Gia đình ông Hoàng Xuân Thọ ngoài trồng rừng còn nuôi thêm khoảng 40 con dê. Mỗi năm từ đàn dê, ông Thọ có thu nhập thêm 50-70 triệu đồng, cộng với nguồn thu từ gỗ rừng, gia đình ông cũng có của ăn của để.

Những năm gần đây, người dân Đồng Danh đã biết phát huy tốt thế mạnh đồi rừng, mạnh dạn đầu tư phát triển các loại cây trồng, vật nuôi cho giá trị kinh tế cao. Toàn xóm có khoảng 100 hộ canh tác từ rừng. Coi những cánh rừng xanh là tài sản quý, người dân quan tâm đầu tư, chăm sóc, khai thác hiệu quả, mang lại cuộc sống ấm no.

Nếu như trước năm 2012, phần lớn số hộ ở Đồng Danh, Ba Họ thuộc diện nghèo, thấp thoáng dưới tán rừng là những mái nhà lá lúp xúp, thì bây giờ số hộ nghèo, cận nghèo đã giảm nhiều. Hầu hết hộ dân đã xây dựng được nhà kiên cố, khang trang, tạo nên một diện mạo mới, trù phú hơn…

 

Từ khóa:

Yên Ninh

Phú Lương

Ba Họ

Đồng Danh


Xem thêm bình luận