Làng mới - tên gọi tắt của Chương trình xây dựng làng mới theo phong trào Saemaul Undong (Hàn Quốc), thể hiện tình hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc, cũng là cái tên thân thương nhiều người đặt cho xóm Rừng Vần, xã La Bằng (Đại Từ). Là xóm được triển khai thí điểm mô hình làng mới đầu tiên ở Việt Nam, Rừng Vần đã phát huy tốt những nguồn lực hỗ trợ ban đầu. Trải qua hơn 2 thập kỷ, làng mới đã có những bước phát triển vượt bậc về nhiều mặt, nhưng vẫn giữ được nét đẹp bình yên với phong cảnh hữu tình.
Đứng trước Nhà văn hóa Rừng Vần - Saemaul, bao kỷ niệm như một thước phim quay chậm ùa về trong tôi. Cách đây 20 năm về trước, tôi cũng đứng ở nơi đây với cảm giác ngỡ ngàng trước sự bề thế, hiện đại của một nhà văn hóa xóm.
Bởi lúc đó, cuộc sống của người dân ở hầu hết các xóm, bản trong tỉnh nói chung và huyện Đại Từ nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn, xóm nào xây dựng được nhà văn hóa cấp 4 lợp prô-ximăng, có sức chứ khoảng 100 chỗ ngồi đã là tốt, còn phần lớn bà con sinh hoạt cộng đồng nhờ nhà dân hoặc hội trường UBND xã. Nhưng vào thời bấy giờ, xóm Rừng Vần đã có nhà văn hóa khang trang có sức chứa trên 200 chỗ ngồi.
Nhà văn hóa Rừng Vần là một trong những công trình nằm trong Dự án xây dựng Làng mới Saemaul do tỉnh Gyeongsangbuk (Hàn Quốc) tài trợ với tổng mức đầu tư lên tới 115.000 USD, có tổng diện tích 330m2, gồm: phòng họp, văn phòng, phòng trưng bày, phòng phát thanh, phòng thay đồ, phòng vệ sinh, nhà kho...
Bà con xóm Rừng Vần nhớ rõ không khí ngày khánh thành nhà văn hóa. Hôm đó, không khí tưng bừng trong tiếng nhạc và cờ hoa, khẩu hiệu rực rỡ khắp mọi nơi. Từ sớm, người dân trong xóm và đông đảo bà con ở nhiều nơi khác cũng đổ về để ngắm nhìn nhà văn hóa khang trang, to đẹp. Nét mừng vui tràn ngập trong từng ánh mắt, nụ cười và những khuôn mặt rạng rỡ.
Có hạ tầng khang trang, người dân Rừng Vần hăng hái tham gia xây dựng làng mới. Từ việc phát triển kinh tế, giữ gìn vệ sinh môi trường đến thay đổi nếp sống, nếp sinh hoạt theo hướng hiện đại, khoa học hơn. Xóm làng từng ngày được "thay áo mới", màu sắc nông thôn hiện đại dần đậm nét trên mảnh đất này.
Khác với những chuyến đi thâm nhập cơ sở, lần này chúng tôi quyết định ngắm hoàng hôn ở Làng mới Rừng Vần. Sự thay đổi này khiến chúng tôi nhận ra, không chỉ có bình minh mới tuyệt đẹp mà hoàng hôn cũng mang đến cảm giác bình yên và thơ mộng. Sau một ngày lao động vất vả, người nông dân thong thả trở về nhà trên những con đường bê tông phẳng phiu, có nhiều đoạn được mở rộng tới 6m, hai bên đường nhiều loài hoa khoe sắc thắm.
Trẻ em rủ nhau ra sân vận động của xóm chơi đá bóng. Những bà, những chị bế con, cháu đứng trò chuyện rộn rã trong tiếng cười nói vui vẻ. Khói lam chiều vương vấn trên những nếp nhà, mái bếp, luôn gợi cho con người cảm giác nao nao nhớ bữa cơm ấm cúng bên gia đình. Nhưng vệt nắng cuối ngày vắt ngang những ngôi nhà xây cao tầng, nhà mái ngói nằm giữa những nương chè, vườn cây trái xum xuê, xanh ngát.
Kinh tế ngày càng ổn định, khấm khá, người dân quan tâm hơn đến việc nâng cao đời sống tinh thần nên phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao ở xóm rất phát triển. Xóm có 2 đội văn nghệ, đội Bóng đá, đội Cầu lông… thu hút đông đảo người dân tham gia tập luyện, giao lưu và thi đấu, đạt nhiều thành tích cao ở những cuộc thi do xã, huyện tổ chức.
Từ năm 2014, bình quân thu nhập của người dân xóm Rừng Vần đã đạt xấp xỉ 35 triệu đồng/người/năm, trở thành xóm có thu nhập cao nhất xã. Hiện nay, xóm chỉ còn 2 hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội, thu nhập bình quân đầu người tăng gần gấp đôi so với năm 2014…
Để có được cuộc sống như ngày hôm nay, 60% số hộ trong xóm đã đầu tư cải tạo đất đai để trồng chè bằng các giống chè lai cho năng suất, chất lượng cao, 100% diện tích (35ha) được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và từ 10 năm trước, năng suất chè ở Rừng Vần cũng thuộc top cao nhất xã.
Những hộ dân không làm chè thì đầu tư mở hàng quán dịch vụ, buôn bán nhỏ; phần lớn người trong độ tuổi lao động đi làm công nhân ở các công ty, nhà máy trên địa bàn tỉnh… Ngoài cây chè được coi là cây "mũi nhọn", người dân Rừng Vần còn chú trọng đến việc canh tác trên 15ha lúa, nhằm đảm bảo nguồn lương thực không chỉ cho con người mà còn phát triển chăn nuôi, góp phần nâng cao thu nhập.
Anh Dương Văn Vượng cho rằng: Để xóm Rừng Vần có được kết quả tích cực ngày hôm nay, nguyên nhân trước tiên phải kể đến sự giúp đỡ, hỗ trợ của tỉnh Gyeongsangbuk. Sự giúp đỡ ở đây không phải chỉ là về vật chất, mà tỉnh bạn cũng giúp người dân thay đổi được tư duy làm ăn, sản xuất lạc hậu; biết gần gũi, chia sẻ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống; biết giữ gìn vệ sinh môi trường xanh, sạch, đẹp; có ý thức tự lực vươn lên, phát huy lợi thế, khắc phục khó khăn mà không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước...
Không chỉ có xóm Rừng Vần được hưởng lợi từ Dự án, các công trình như: trạm y tế, trường tiểu học... tại xã La Bằng cũng được tỉnh bạn hỗ trợ đầu tư xây dựng, với tổng số tiền 145.000 USD. Hằng năm, tỉnh Gyeongsangbuk còn tổ chức các đoàn tình nguyện sang thăm, giúp đỡ xã sửa chữa, sơn lại trường học, trạm y tế, nhà văn hóa; khám, chữa bệnh cho nhân dân toàn xã; tổ chức giao lưu văn hóa - văn nghệ...
Với sự khởi đầu tốt đẹp ở Rừng Vần, những cách làm sáng tạo của mô hình làng mới Saemaul lần lượt được nhân dân các xóm Đồng Tiến, Lau Sau, Tân Sơn... áp dụng, đóng góp quan trọng vào Chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở xã La Bằng.
Hưởng ứng phong trào xây dựng Làng mới, nhân dân các xóm trên địa bàn xã La Bằng đã thực hiện tốt việc huy động sức mạnh và nguồn lực của cộng đồng trong việc xây dựng hạ tầng cho nông thôn mới.
Phương pháp “dùng cộng đồng để vận động cộng đồng” phát huy hiệu quả rõ rệt. Khi một công trình đường giao thông được triển khai, hàng trăm người dân cùng tham gia thi công, giám sát bảo đảm thực hiện đúng chất lượng. Các công trình được người dân lựa chọn các tổ thợ thực hiện dựa trên thiết kế được duyệt, người dân tự giám sát, thay vì thuê trọn gói. Nhờ vậy, nhiều chi phí được cắt giảm, công trình đạt chất lượng cao.
Hay mới đây, UBND xã La Bằng đã tổ chức công bố Quy hoạch chi tiết xây dựng Điểm du lịch xã La Bằng, với diện tích quy hoạch là 92ha, tại xóm Tân Sơn. Khu quy hoạch bao gồm các chức năng: Khai thác du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm văn hóa kết hợp phát triển vùng chè xung quanh suối Kẹm gắn với Vườn quốc gia Tam Đảo. Khu vực có quy hoạch hạ tầng đồng bộ về hệ thống đường giao thông, đường điện, bãi đỗ xe, trung tâm văn hóa cộng đồng kết hợp thương mại, dịch vụ; quy hoạch khu vực biệt thự nghỉ dưỡng, khu dân cư mới, khu vực du lịch cộng đồng homstay hiện đại, đồng bộ về hạ tầng...
Theo lãnh đạo địa phương, "cái được" lớn nhất của phong trào Làng mới là thay đổi tư duy của người dân và từ đó khuyến khích bà con tự vươn lên thoát nghèo, tiến lên khá giả trên cơ sở phát huy tinh thần tự lực, hợp tác, đoàn kết, không ỷ lại...
Đồng thời, phong trào Làng mới triển khai trên địa bàn xã La Bằng đã huy động nguồn lực đóng góp của người dân là chính, Nhà nước hỗ trợ chỉ có tính chất "xúc tác", trao quyền, phân cấp mạnh cho cộng đồng làng, xã. Qua đó tăng cường vai trò tự quản của địa phương, sự chủ động, tích cực và sáng tạo của cộng đồng để phát huy nội lực trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và xóa đói, giảm nghèo bền vững trong giai đoạn mới.
Rời La Bằng dưới sắc tím của hoàng hôn, trong mỗi chúng tôi đong đầy cảm xúc về tình đoàn kết hữu nghị Việt - Hàn, về cuộc sống no ấm ở nơi đây. Ngày mai, khi bình minh ló rạng, nhịp sống yên vui của người dân La Bằng lại bắt đầu...