Hơn 60 năm từ khi được thành lập, diện mạo đô thị của TP. Thái Nguyên ngày càng khang trang, hiện đại. Có được kết quả này, cấp ủy, chính quyền các cấp thành phố và mọi tầng lớp nhân dân đã đồng lòng, đoàn kết, huy động nhiều nguồn lực đầu tư, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Về tổ dân phố số 12, phường Phan Đình Phùng (TP. Thái Nguyên), chúng tôi được nghe người dân trong tổ nhắc lại câu chuyện đóng góp tiền, “hiến tấc vàng”, tự nguyện tháo dỡ công trình, với giá trị hàng tỷ đồng, để làm đường bê tông, xây dựng các công trình công cộng từ năm 2023. Điều này thể hiện sự đoàn kết, thống nhất trong nhân dân, góp sức xây dựng đô thị ngày càng khang trang.
Tổ dân phố 12 có 305 hộ, với trên 1.100 nhân khẩu. Trong khoảng 2 năm (từ 2023 đến nay), nhân dân trong tổ đã hiến đất và tài sản trên đất tổng giá trị khoảng 2 tỷ đồng để làm tuyến đường Xương Rồng; tự nguyện đóng góp gần 130 triệu đồng làm đường bê tông trong ngõ và trên 1,5km đường điện chiếu sáng. Ngoài ra, tổ dân phố còn huy động làm 2 sân thể thao với kinh phí trên 300 triệu đồng.
Tổ dân phố số 12 chỉ là 1 trong nhiều tổ tiêu biểu ở phường Phan Đình Phùng đã đoàn kết, đồng lòng góp sức xây dựng hạ tầng đô thị. Trên cơ sở quy hoạch hạ tầng giao thông gắn với nhu cầu của người dân, từ năm 2020 đến nay, phường Phan Đình Phùng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều tuyến đường do nhân dân tự nguyện hiến đất, đóng góp kinh phí cải tạo, nâng cấp.
Đơn cử như tuyến phố Xương Rồng; đường tổ dân phố 25; đường Nguyễn Đình Chiểu… Hơn 1.000 hộ dân đã hiến tổng cộng trên 27.000m2 đất các loại, với tổng giá trị trên 31 tỷ đồng. Ngoài ra, bà con còn tự nguyện tháo dỡ các công trình với tổng giá trị gần 7 tỷ đồng để thực hiện nhiều công trình, dự án trên địa bàn.
Xác định người dân là chủ thể góp sức, cũng là người hưởng lợi chính trong công cuộc xây dựng đô thị văn minh nên TP. Thái Nguyên đã đẩy mạnh vận động, tuyên truyền, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của nhân dân; phát huy vai trò của các tổ chức hội, đoàn thể, với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa.
Đơn cử như Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố. Hội đã gắn công tác hội với các phong trào, cuộc vận động, đề án xây dựng đô thị văn minh; chỉ đạo hội LHPN các xã, phường nhân rộng mô hình “Chi hội phụ nữ thực hiện tiết kiệm từ thu gom rác thải tái chế”; ra mắt các mô hình thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; thực hiện 2 đề án “Phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn” và “Xây dựng tuyến phố văn minh đô thị”…
Hay đối với lực lượng đoàn viên thanh niên, Thành đoàn Thái Nguyên đã triển khai rộng khắp phong trào chung tay bảo vệ môi trường, xây dựng đô thị sáng - xanh - sạch - đẹp, với các hoạt động, như: Lao động vệ sinh môi trường ngày Chủ nhật xanh, với trên 4.200 đoàn viên tham gia, trồng mới trên 17.200 cây xanh; tổ chức ngày hội “Đổi rác lấy cây xanh”; trao tặng thùng rác thải nhựa cho các khu dân cư…
Thời gian qua, TP. Thái Nguyên đã lồng ghép nhiều nguồn lực để đầu tư hạ tầng, tạo diện mạo mới cho đô thị trung tâm của tỉnh; đã và đang đầu tư xây dựng hàng trăm công trình, dự án. Riêng nguồn vốn đầu tư công, giai đoạn 2021-2025, thành phố đã xây dựng gần 550 công trình, dự án, với tổng kinh phí trên 9.600 tỷ đồng. Đến nay có 380 công trình, dự án đã phê duyệt quyết toán; 50 công trình đang được hoàn thiện hồ sơ trình phê duyệt quyết toán. Số công trình đang được triển hiện là 76 và 30 công trình đang được chuẩn bị đầu tư.
Thành phố đang tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án: Cầu đường bộ kết nối phường Hương Sơn với xã Đồng Liên; tập trung hoàn thiện các dự án khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn phường Tân Lập, nhất là Dự án cải tạo đường Thanh niên xung phong và xây dựng hạ tầng khu dân cư hai bên đường; Khu tái định cư số 4, số 5 phường Tân Lập…
Ngoài ra, thành phố cũng đang tích cực đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ thi công các dự án: Xây dựng cảnh quan phía sau Quảng trường Võ Nguyên Giáp; Khu đô thị mới, phố đi bộ trung tâm…
TP. Thái Nguyên cũng sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới để phát triển hạ tầng đô thị, với 2 dự án lớn là Phát triển tổng hợp đô thị động lực TP. Thái Nguyên; Chương trình đô thị miền núi phía Bắc TP. Thái Nguyên. Tổng kinh phí đầu tư của 2 dự án là gần 4.000 tỷ đồng.
Chương trình đô thị miền núi phía Bắc TP. Thái Nguyên được chia làm 2 giai đoạn trong vòng 6 năm (từ 2015-2020), tổng mức đầu tư trên 1.800 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới là gần 1.300 tỷ đồng, vốn đối ứng trên 560 tỷ đồng. Mục tiêu là hoàn thiện hạ tầng, điều kiện vệ sinh môi trường, nâng cao mức sống cho người dân nhằm phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Dự án phát triển tổng hợp đô thị động lực TP. Thái Nguyên là một dự án quan trọng của tỉnh, với tổng mức đầu tư trên 2.200 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn vay từ Ngân hàng Thế giới là trên 1.200 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của địa phương. Dự án được triển khai từ năm 2018 và hoàn thành trong năm 2023, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển đô thị khu vực phía Đông và phía Nam thành phố.
13 hạng mục của Dự án gồm các công trình về hạ tầng giao thông; cải tạo hệ thống thoát nước, khu đô thị, trường mầm non. Trong đó, điểm nhấn là công trình đường Bắc Nam - cầu Huống Thượng, có thiết kế đồng bộ, hiện đại, kết nối đường Bắc Nam hiện có với cầu Huống Thượng.
Đây là trục đường huyết mạch thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực phía Nam thành phố, kết nối với trục đường Cách mạng Tháng Tám và Quốc lộ 3, Bến xe trung tâm TP. Thái Nguyên; tuyến đường vành đai, trục giao thông động lực đi qua xã Linh Sơn, điểm cuối là đường tròn Chùa Hang, chiều dài toàn tuyến hơn 20km.
Xác định chuyển đổi số là một nhiệm vụ trọng tâm của phát triển đô thị, do vậy, cùng với xây dựng hạ tầng, TP. Thái Nguyên chú trọng đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, đường truyền số chuyên dùng, hệ thống truyền hình hội nghị; lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu điều khiển giao thông tại vị trí một số nút giao theo công nghệ mới. Đến nay, 100% phường, xã đã triển khai lắp đặt tổng số 304 camera giám sát, để phục vụ công tác quản lý và chỉ đạo, điều hành của chính quyền cơ sở.
TP. Thái Nguyên cũng đã đưa vào hoạt động Trung tâm điều hành đô thị thông minh và hệ thống camera giám sát an ninh trật tự, với tổng mức đầu tư gần 45 tỷ đồng. Đây là một hạng mục phục vụ thực hiện tốt nhiệm vụ chuyển đổi số, tạo dựng nền tảng ban đầu để xây dựng chính quyền điện tử; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phục vụ tốt nhu cầu của người dân…
Việc thanh toán không dùng tiền mặt được thành phố triển khai đến các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, người dân đã chủ động thay đổi phương thức thực hiện các giao dịch (thuế, điện nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội) từ thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt chuyển sang thanh toán trên website hoặc App (ứng dụng) của các ngân hàng thương mại, đơn vị viễn thông.
Hiện nay, 122/122 trường học đã thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong thu nộp học phí và các khoản thu khác; các bệnh viện trên địa bàn đã phối hợp với các ngân hàng xây dựng module kết nối thanh toán chi phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt.
TP. Thái Nguyên cũng đã triển khai ứng dụng công nghệ số trong kết nối, quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực trên địa bàn. Đến nay, 100% sản phẩm OCOP của thành phố đã được hỗ trợ đưa lên cả 2 sàn là Postmart và Vỏ sò. Tiêu biểu là các sản phẩm trà của một số hợp tác xã, như: Tâm Trà Thái, chè Hảo Đạt, chè Sơn Dung…
Cùng với đó, thành phố tập trung xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao. Quan tâm đầu tư phát triển lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế. Thực hiện tốt các chính sách xã hội, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao cả về vật chất và tinh thần. Tình hình an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm…
Phát huy những kết quả đã đạt được, TP. Thái Nguyên sẽ tiếp tục huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng đô thị, đảm bảo phát triển đồng bộ cả về kết cấu hạ tầng và tổ chức sản xuất; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao hơn nữa đời sống cho người dân, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.