Vắt từ Hè sang Thu, khi sắc nắng vàng trải dài khắp các dãy núi đá cũng là lúc bà con vùng cao Võ Nhai hối hả thu hoạch nhiều loại cây trái: na, nhãn, vải, thanh long, ổi… Suốt mấy tháng trời, cây trái lúc lỉu trên cành, có ngày bà con thu hái 2-3 bận vẫn chưa xuể. Những trái ngọt này cũng chính là một trong các thành quả của Võ Nhai trong triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025, về chủ trương phát triển vùng trồng cây ăn quả theo hướng bền vững.
Võ Nhai được coi là “thủ phủ” na của cả tỉnh, bởi diện tích trồng na ở địa phương này lên tới hơn 700ha, sản lượng bình quân đạt khoảng 6.000 tấn/năm. Không chỉ có diện tích lớn, na Võ Nhai còn nức tiếng xa gần bởi hương thơm, vị ngọt đậm đặc trưng của thức quà được trồng trên những dốc núi cao ngút tầm mắt, tưới tắm bởi dòng nước mát lành từ những khe đá và được vun trồng bởi bàn tay những người nông dân vùng cao cần cù, tỉ mẩn.
Trên thực tế, na vốn là cây bản địa ở vùng cao Võ Nhai. Ngày trước, nhà nào cũng trồng vài gốc na để làm thức quà cho người lớn và con trẻ. Loại quả này được nhiều người ưa chuộng bởi vị ngọt thanh, mát, mọng nước. Nhưng do được trồng tự nhiên, ít chăm bón nên tỷ lệ đậu quả ít, chưa trở thành cây trồng hàng hóa. Bắt đầu từ năm 1990, khi người dân ở Hưng Yên, Nam Định lên vùng cao Võ Nhai khai hoang và phổ biến phương pháp thụ phấn bằng tay, năng suất na tăng lên rõ rệt.
Rồi đến năm 2010, khi “tiếng lành đồn xa”, nhiều người ở vùng khác dần biết đến sản phẩm na Võ Nhai với hương thơm, vị ngọt đặc trưng, loại cây này đã tạo ra một “cơn sốt”. Khắp các vùng La Hiên, Phú Thượng, Lâu Thượng, thị trấn Đình Cả… người dân đua nhau cải tạo đất, tận dụng từng khoảnh đất nhỏ trên núi đá để trồng na. Cây na cứ dần dần phủ xanh những dốc núi ở vùng cao Võ Nhai.
Cùng với sự nỗ lực của người dân, huyện Võ Nhai cũng nhanh chóng nắm bắt cơ hội bằng việc triển khai nhiều chính sách hỗ trợ phát triển vùng trồng na đặc sản. Huyện triển khai “Dự án phát triển cây na và một số cây ăn quả chủ lực có giá trị kinh tế cao giai đoạn 2021-2025” với chính sách hỗ trợ giá giống và phân bón; hỗ trợ người dân ứng dụng khoa học - công nghệ, kỹ thuật vào sản xuất na theo quy trình VietGAP và hữu cơ. Đồng thời tăng cường quảng bá thương hiệu và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm na thông qua Lễ hội Võ Nhai mùa na chín hằng năm, các chương trình livestream bán na…
Người dân Võ Nhai kể lại, chỉ cách đây khoảng mươi, mười lăm năm, những dốc đá ở Võ Nhai vẫn gần như trơ trọi. Mỗi năm, tùy thuộc vào nước trời, bà con tra 1-2 vụ ngô, thu hoạch cũng chẳng được là bao. Cây na vốn là cây trồng bản địa nhưng cũng chỉ trở thành cây trồng hàng hóa từ cách đây hơn 10 năm. Cái nghèo cứ quanh quẩn bên các nếp nhà của đồng bào vùng cao.
“Thoát nghèo” là mục tiêu chung được lãnh đạo tỉnh và cấp ủy, chính quyền huyện Võ Nhai luôn quan tâm. Nhưng bằng cách nào lại là một bài toán khó. Bởi thời điểm cách đây chừng 20 năm, Võ Nhai gần như không có thế mạnh gì ngoài diện tích đất rừng lớn. Ngoài cây lấy gỗ, huyện không có cây trồng chủ lực; kinh nghiệm và kiến thức sản xuất của bà con nông dân còn thấp…
Nhiều cuộc họp, mô hình, dự án đã được triển khai để giúp đồng bào vùng cao vươn lên thoát nghèo. Trong đó, một trong những hướng đi mang lại hiệu quả cao là trồng cây ăn quả.
Từ những cây trồng thế mạnh ban đầu, diện tích cây ăn quả trên địa bàn huyện Võ Nhai ngày càng được mở rộng. Ban đầu, bà con chủ yếu đầu tư trồng bưởi Diễn và na, sau đó tiếp tục trồng nhiều loại cây khác như: nhãn, thanh long, ổi, bưởi da xanh… Nhiều địa phương đã hình thành vùng trồng cây ăn quả rộng hàng trăm héc-ta như: Lâu Thượng, Phú Thượng, Tràng Xá, La Hiên…
Cùng với sự chủ động của người dân, huyện Võ Nhai đã xây dựng Đề án phát triển nông - lâm nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó định hướng phát triển vùng sản xuất cây ăn quả tập trung tại các xã: Tràng Xá, Phú Thượng, Lâu Thượng, La Hiên, Dân Tiến và Phương Giao.
Thực hiện Đề án, giai đoạn 2022-2024, Võ Nhai đã hỗ trợ toàn bộ chi phí cấp chứng nhận VietGAP lần đầu; hỗ trợ toàn bộ chi phí trồng mới, trồng thay thế cây na, bưởi, nhãn; hỗ trợ 40% chi phí lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm cho cây ăn quả…
Và chỉ trong năm đầu tiên thực hiện (năm 2021), toàn huyện đã hỗ trợ cấp chứng nhận VietGAP lần đầu cho 65ha cây ăn quả; hỗ trợ chi phí trồng mới, trồng thay thế 100ha diện tích cây na, bưởi, nhãn; hỗ trợ 40% chi phí lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm cho 20ha cây ăn quả...
Với mục tiêu trở thành vùng trồng cây ăn quả trọng điểm của tỉnh, những năm gần đây, không chỉ khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng, huyện Võ Nhai còn đẩy mạnh hỗ trợ bà con ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Trên địa bàn đã xuất hiện một số mô hình nhà lưới công nghệ cao, vườn cây ăn quả ứng dụng công nghệ tưới tự động, trồng theo hướng hữu cơ…
Song song với đó, thời gian qua, huyện tích cực hỗ trợ bà con nông dân kết nối tiêu thụ nông sản chủ lực và các loại quả chính vụ, đặc biệt là na. Tháng 8 vừa qua, Chương trình xúc tiến, kết nối tiêu thụ sản phẩm na Võ Nhai năm 2024 đã huy động được sự tham gia của 20 youtuber, tiktoker, streamer thực hiện livestream trên các nền tảng mạng xã hội, với lượng bán đạt gần 700 đơn hàng trong ngày đầu tiên, bán khoảng 5 tấn na và các nông sản khác.
Dù đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng thực tế cũng cho thấy hầu hết loại quả của nông dân Võ Nhai hiện nay đều bán thô. Trên địa bàn chưa có doanh nghiệp tham gia liên kết bao tiêu đầu ra cho nông dân, chưa có cơ sở chế biến sản phẩm từ các loại quả.
Đa số nông dân vẫn còn thói quen sản xuất manh mún, chưa bắt kịp thông tin thị trường, chạy đua theo thời vụ dẫn đến tình trạng “được mùa mất giá” diễn ra khá thường xuyên. Trên địa bàn gần như chưa có mô hình trồng cây ăn quả lớn ứng dụng khoa học - công nghệ hay những dự án liên kết với các viện nghiên cứu…
Qua đó cho thấy, sợi dây liên kết giữa “Nhà nông - Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp” trong sản xuất cây ăn quả ở Võ Nhai còn lỏng lẻo, đặc biệt là giữa doanh nghiệp và nông dân. Những điểm yếu đó dễ dẫn đến nguy cơ vùng sản xuất cây ăn quả này rơi vào tình trạng khó khăn: ùn tắc đầu ra, mất giá, vỡ quy hoạch cây trồng, thu nhập nông dân bấp bênh…
Thêm vào đó, tính đến thời điểm hiện tại, toàn huyện Võ Nhai mới có gần 500ha cây ăn quả chủ lực được cấp chứng nhận VietGAP (chiếm gần 28% tổng diện tích cây ăn quả). Rõ ràng, con số này khá khiêm tốn trong bối cảnh nhu cầu của thị trường ngày càng cao như hiện nay.
Thực tế cho thấy, trong “4 nhà”, nếu để “đứt mạch” bất kỳ một mối liên kết nào thì lợi ích và trách nhiệm giữa các bên sẽ không gắn kết. Chỉ khi nào mối liên kết được bền chặt, có sự tương tác, hỗ trợ nhau thực sự hiệu quả từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, thì sản xuất nông nghiệp mới có thể phát triển bền vững và đời sống nông dân hết bấp bênh. Đây rõ ràng là một thách thức không nhỏ đối với mục tiêu phát triển vùng trồng cây ăn quả của huyện Võ Nhai.