Trần Đại Cương sinh năm 2000 tại vùng “Đệ nhất danh Trà”, xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên. Cương có quê ngoại ở xã Bình Sơn (TP. Sông Công), nơi có “viên ngọc quý” hồ Ghềnh Chè với cảnh sắc còn nét hoang sơ, không khí trong lành.
Mỗi lần về quê ngoại, Cương thường được người thân dẫn đi thưởng ngoạn cảnh đẹp, hít hà không khí trên Hồ. Lúc đó, em đã có ước mơ sau này sẽ làm một điều gì đó để “khai mở” du lịch nơi đây.
Năm 2019, Cương thi đỗ Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên (Khoa Thú y) nhưng em vẫn ôm ấp ước mơ được làm du lịch trên chính mảnh đất quê nhà. Cương tâm sự: Để thực hiện ước mơ của mình, em đã vận động bố mẹ bán đất, thế chấp cả tài sản để đầu tư xây dựng điểm du lịch cộng đồng Ghềnh Chè.
Thời gian này, xóm Tiền Tiến, xã Bình Sơn, cũng được Quỹ toàn cầu Saemaul Hàn Quốc hỗ trợ xây dựng Làng du lịch sinh thái cộng đồng Ghềnh Chè, Cương vận động người thân, bà con trong xóm tận dụng cơ hội, vay vốn cùng đầu tư làm du lịch và thành lập Hợp tác xã (HTX) du lịch cộng đồng Ghềnh Chè.
HTX đến nay có 19 thành viên, cùng nhau xây dựng điểm du lịch hấp dẫn. Khu đón khách rộng hơn 1ha, được trồng nhiều hoa, cây cảnh. Khuôn viên Điểm du lịch có 2 căn nhà sàn, 5 homestay phục vụ du khách đến lưu trú ăn uống, 5 chiếc thuyền chở khách du lịch trên hồ.
Ngoài ra, tại đây có cả hệ thống nuôi cá lồng, chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm để cung cấp thực phẩm, chế biến những món ẩm thực tươi ngon phục vụ khách du lịch.
Ngoài việc vận động mọi người vào HTX, Cương còn thường xuyên san sẻ khách tham quan cho các hộ cùng làm du lịch với mình; đưa khách đến những nhà hàng quanh hồ để ăn uống, thưởng thức những món ăn ngon.
Nếu khách thích trải nghiệm, Cương đưa lên những vườn chè được người dân chăm sóc theo phương pháp hữu cơ, cho du khách chế biến, mua các sản phẩm trà của bà con…
Theo Cương, cách làm đó cũng là để giúp người dân tham gia làm du lịch cùng mình. Trong quá trình dẫn khách tham quan, em còn giới thiệu cho du khách biết về những địa điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh Thái Nguyên gần với hồ Ghềnh Chè, như: Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải, Trại ngựa Bá Vân, vùng chè Tân Cương… để du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Nghe Cương kể, khi em bắt tay thực hiện kế hoạch làm du lịch cộng đồng, ở quanh vùng hồ Ghềnh Chè chưa có một ai làm mô hình này, nhưng giờ đã có gần 10 hộ tham gia. Hồ Ghềnh Chè ngày càng đông khách đến tham quan.
- Chúng tôi hỏi: Bí quyết nào để hồ Ghềnh Chè “hút” nhiều khách? Cương bảo thời đại 4.0 rồi, em luôn tranh thủ mạng xã hội, ứng dụng chuyển đổi số để làm du lịch.
Nhớ lại thời gian đỉnh dịch COVID-19 vào cuối năm 2020, khi đó HTX du lịch cộng đồng Ghềnh Chè tạm ngưng hoạt động do quy định giãn cách, Cương đã thực hiện ý tưởng đóng vai du khách, vừa chèo thuyền vừa cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ của hồ, rồi nhờ thợ chụp hình, quay video, làm tiktok đăng tải lên các trang nhóm du lịch, mạng xã hội. Nhờ đó, du khách biết đến nhiều hơn về cảnh đẹp của hồ Ghềnh Chè.
Cương bảo, em đón đoàn khách du lịch đầu tiên là các cô chú, anh chị mà em quen biết thông qua mạng xã hội. Em thật sự rất vui và nhận được phản hồi tích cực từ họ. Cuối năm 2022, hoạt động du lịch dần trở lại ổn định, khách quen giới thiệu khách mới, cùng với khách xem qua mạng xã hội đến tham quan ngày một đông. Có đợt cao điểm, HTX đón 1.000 khách du lịch mỗi tháng.
Cùng với quảng bá hồ Ghềnh Chè, Cương cũng có nhiều ý tưởng để làm du lịch cộng đồng hướng tới sự chuyên nghiệp. Ngoài việc khách đến hồ được chiêm ngưỡng cảnh đẹp thiên nhiên, Cương cũng thiết khế nhiều chương trình trải nghiệm, như: chèo SUP, câu cá, cắm trại trên đảo, tham quan tại các đồi chè do người dân địa phương trồng và chăm sóc theo phương pháp hữu cơ, giới thiệu cho khách thưởng thức những món ăn dân dã như: gà nướng, tôm cá bắt dưới hồ, thịt lợn ta…
“Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta.
Mà phải hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”.
Cương ngâm nga câu hát trong lúc chèo thuyền chở chúng tôi đi tham quan hồ Ghềnh Chè. Với suy nghĩ sống là để cống hiến, chàng trai trẻ Trần Đại Cương tham gia nhiều câu lạc bộ thiện nguyện. Cương tiết lộ với chúng tôi, em vừa đi Quảng Bình để thực hiện công tác cứu hộ, vì ở đây người dân vừa phải hứng chịu cơn đại hồng thủy do bão Trà Mi gây ra.
Trước đó, chúng tôi được biết đến Cương qua việc em cùng Nhóm cứu hộ du lịch cộng đồng Ghềnh Chè giúp đỡ, cứu hộ nhiều người dân vùng lũ ở tỉnh Thái Nguyên giữa tháng 9 vừa qua, do ảnh hưởng của bão số 3 và hoàn lưu bão.
Ở thời điểm đó, Cương đang tham gia lớp tập huấn về du lịch cộng đồng tại Hà Nội, em vội vã quay trở về, thành lập nhóm cứu hộ và lên đường giúp đỡ bà con vùng lũ.
Cương kể, nhóm cứu hộ của em có 15 người, chia nhỏ để lái thuyền cứu hộ. Mỗi ngày tổ chức khoảng 100 chuyến thuyền và đã giải cứu được nhiều người bị mắc kẹt đến nơi an toàn. Nhóm hoạt động liên tục 5 ngày, đêm và phải thường xuyên dầm mình trong nước.
Việc cứu trợ cũng rất khó khăn, nhóm của Cương trong quá trình cứu hộ đã có 2 bạn bị thương, bản thân Cương do ngâm mình trong nước trong nhiều giờ cũng bị sốt 2 ngày liền.
Trong thời gian cứu hộ, nhóm của Cương đã tiếp nhận hàng trăm cuộc điện thoại mỗi ngày. Cả nhóm hỗ trợ được hàng nghìn lượt người trong đợt lũ đến nơi an toàn. Đồng thời vận chuyển, tiếp tế hàng tấn thực phẩm vào vùng bị ngập.
Nhiều người dân biết đến hành động dũng cảm của Cương đã gọi em là "người hùng bão Yagi", có người lại ví Cương là "người hùng" trong thời bình.
Nhiều người sau khi được Cương và nhóm cứu hộ của em đưa đến nơi an toàn đã nhắn tin, gọi điện cảm ơn. Một số mạnh thường quân liên hệ ngỏ ý muốn ủng hộ kinh phí để sửa chữa lại phương tiện bị hư hỏng, nhưng Cương và anh em trong nhóm đã từ chối.
Ghi nhận những việc làm của Cương, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã tặng Bằng khen; Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên tặng Giấy khen.