Ngày cuối Thu, bầu trời như cao và xanh hơn, không khí ở xóm núi Khe Rịa trong veo, chúng tôi ngửa cổ, hít hà “ô xi sạch” đến căng lồng ngực, ánh mắt bỗng chạm vào vẻ đẹp của những cô thôn nữ xúng xính trong bộ quần áo dân tộc, xuống núi để đến Nhà văn hóa xóm tham gia buổi sinh hoạt thường kỳ của Câu lạc bộ Giữ gìn bản sắc trang phục dân tộc Dao Lô Gang xóm Khe Rịa.
Chúng tôi như bị hút hồn không chỉ bởi vẻ đẹp độc đáo của bộ trang phục dân tộc người dân tộc Dao Lô Gang mà còn bởi ánh mắt, nụ cười, vẻ hồn nhiên, vô tư như cây rừng của các chị, các em…
Ai cũng đeo bên mình một chiếc túi nhỏ xinh, trong đó đựng kim, chỉ và những vật dụng dùng để thêu thùa. Phụ nữ Dao có thể thêu thùa ở bất kỳ nơi đâu, không kể tâm trạng buồn hay vui, khi ngồi vào thêu, họ thấy tâm hồn thư thái, quên hết mọi vất vả, buồn phiền…
Đó không phải là tâm sự của riêng chị Xuân mà cũng là tâm tư chung của các chị Triệu Thị Sự, Triệu Thị Thoa, Phan Thị Hoa… và nhiều chị em người Dao khác ở xóm Khe Rịa.
Nói tới giá trị văn hóa của tộc người không thể không nhắc tới trang phục. Trang phục là một nét văn hóa đặc trưng cho mỗi dân tộc, giúp phân biệt tộc người này với tộc người kia.
Đồng thời, trang phục còn thể hiện tính thẩm mỹ, lối sống của chính dân tộc đó, tạo nên bản sắc văn hóa của từng dân tộc nói chung và dân tộc Dao nói riêng.
Đối với dân tộc Dao, trang phục nữ có đầy đủ các yếu tố về trang sức lẫn trang phục, như: khăn, mũ, áo, váy, yếm, quần, thắt lưng, xà cạp, vòng tai, vòng cổ, nhẫn. Không chỉ hoàn thiện mà còn rất đa dạng và phong phú: khăn ít nhất cũng phải có 3 loại (khăn vuông, khăn chữ nhật, khăn dài...), mũ đội vào dịp cưới xin, làm chay hay cấp sắc... và loại đội thường ngày.
Ngoài ra, quần áo, yếm, thắt lưng, xà cạp cũng có 2 đến 3 loại. Đồ trang sức cũng đa dạng về chủng loại. So với các dân tộc khác thì dân tộc Dao còn giữ được nhiều nét bản sắc của mình với chất liệu bằng vải bông nhuộm chàm, màu xanh, đỏ, đen, tím than hoặc trắng.
Chị Triệu Thị Thoa, Chủ nhiệm Câu lạc bộ, cho biết: Nghệ thuật trang trí trên quần áo người dân tộc Dao rất phong phú về mô típ, cách thêu độc đáo. Người ta thêu ở mặt trái của vải, hình mẫu nổi lên ở mặt phải, không vẽ mẫu lên vải mà hoàn toàn dựa trên trí nhớ của người thêu các họa tiết trên áo, yếm, xà cạp, cùng đồ trang sức vàng, bạc, khăn vấn đầu. Trang sức ngoài việc làm đẹp thì chúng còn mang giá trị nhân văn, tín ngưỡng. Theo truyền thuyết, trang sức bằng bạc sẽ trừ tà ma, tránh gió, được thần linh phù hộ...
Trang phục của người Dao Lô Gang có màu chủ đạo là đỏ cam và màu vàng xuyên suốt, kể cả của nam và nữ, từ mũ đội đầu, yếm, áo, quần, dây lưng. Còn lại là màu xanh lá cây, màu trắng, màu đen trên nền vải đen.
Người Dao Lô Gang quan niệm, màu đỏ là màu của Mặt trời mang lại cho sự sinh sôi, phát triển, may mắn và hạnh phúc; màu vàng là màu của lúa ruộng, lúa nương gắn bó đời đời với người Dao. Các hoạ tiết gắn chặt với cuộc sống thường ngày như cỏ cây, hoa lá, hoa hồi tám cánh, hoa dưa nương, hoa sâm, cây thông, hình trái tim…
So với các nhóm Dao khác, trang phục Dao Lô Gang được thêu hoa văn rất tỉ mỉ, độc đáo với mật độ dày. Bên trong có yếm, bà con gọi là áo con có thêu hoa văn và gắn các ngôi sao bằng bạc. Quần ống rộng, cạp chun, quần dài trên mắt cá chân, gấu quần có thêu hoa văn.
Mũ đội đầu được quấn bằng các lớp vải bên trong, trước mũ toàn bộ màu đỏ giống như hình mái nhà, trên mũ có phủ mảnh vải thêu hoa văn hình ngôi sao tám cánh, cỏ cây, hoa lá… quấn quanh mũ bằng dây hạt cườm đủ màu sắc. Dây lưng màu trắng dài 2m có thêu hoa văn ở hai đầu.
Đối với trang phục cô dâu, quần áo giống như bộ thường ngày, nhưng sẽ nổi bật ở khăn che mặt và khăn đội đầu được tạo bởi các sợi len màu đỏ, thêu hoa văn cầu kỳ ở 4 dây đính ở 4 góc của mũ đội đầu; khăn đội đầu của phù dâu là mảnh vải vuông có thêu hoa văn được phủ lên mũ.
Chị Ma Thị Chiên, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Vũ Chấn, cho rằng: Phụ nữ Dao Lô Gang trên địa bàn là những người đảm đang, hay lam hay làm lại khéo tay thêu thùa trang phục cho chính mình, cho chồng con, được kế truyền từ thuở ấu thơ. Tuy nhiên, lớp trẻ hiện nay không quan tâm nhiều đến việc mặc trang phục truyền thống, nguyên nhân chính do các cháu đi học, đi làm xa nhà nên việc truyền dạy thêu không được thường xuyên.
Để tiếp tục tuyên truyền cho thế hệ trẻ, hằng năm, Hội LHPN xã Vũ Chấn đều vận động đồng bào Dao Lô Gang nói riêng và các đồng bào dân tộc thiểu số nói chung trên địa bàn khi tham gia các chương trình lễ, Tết, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư…, nên mặc trang phục dân tộc.
Trong bối cảnh hội nhập và phát triển, dân tộc Dao cũng đã bắt nhịp với cuộc sống hiện đại, nhưng họ vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống. Trong đó, trang phục của người Dao đã góp phần làm phong phú và tạo nên sự đa dạng trong nền văn hóa Việt Nam.