Thái Nguyên hiện có gần 10 nghìn doanh nghiệp với hơn 230 nghìn lao động, trong đó cộng đồng doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước chiếm phần lớn. Trong số này, tỷ lệ doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước có tổ chức đảng chỉ chiếm gần 1,4%.
Quan điểm chỉ đạo chung của tỉnh đối với công tác xây dựng Đảng, phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp là: Tổ chức đảng sẽ giúp cho doanh nghiệp phát triển bền vững, giàu mạnh. Việc phát triển tổ chức đảng không chạy theo số lượng mà bỏ qua chất lượng, chỉ thành lập chi, đảng bộ khi đủ điều kiện, đồng thời duy trì hoạt động hiệu quả của các tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.
Phát triển tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước (DNNKVNN) là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và đã được Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên tích cực triển khai trong suốt nhiều nhiệm kỳ. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy có không ít khó khăn làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động, làm cho vị trí, vai trò của một số tổ chức đảng, đảng viên trong DNNKVNN có phần bị lu mờ, không phát huy được vai trò. Trong các nhiệm kỳ đã qua, việc tháo gỡ những khó khăn này là một thách thức không nhỏ đối với Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên.
Sau 38 năm đổi mới, từ chỗ bị hạn chế, kinh tế NKVNN Việt Nam đã có những bước tiến lớn, trở thành một bộ phận không thể thiếu trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trong bối cảnh kinh tế NKVNN ngày càng phát triển, công tác xây dựng Đảng trong DNNKVNN được Đảng ta xác định đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững của DN và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
“Cần đổi mới, hoàn thiện các loại hình tổ chức cơ sở đảng, trong đó quan tâm chỉ đạo tạo điều kiện có đủ số lượng đảng viên để thành lập tổ chức đảng trong DN tư nhân, bảo đảm chất lượng phát huy được vai trò lãnh đạo định hướng hoạt động của doanh nghiệp”. Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) |
Có thể thấy, xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong các DNNKVNN đang là một nhiệm vụ quan trọng khi đất nước đang đẩy mạnh xây dựng, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều thành phần kinh tế cùng hoạt động.
Đối với tỉnh Thái Nguyên, Đề án số 07-ĐA/TU, ngày 15/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên, giai đoạn 2021-2025, xác định chủ trương tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương về xây dựng, phát triển tổ chức đảng, đảng viên trong các DN, nhất là DNNKVNN phù hợp với tình hình mới hiện nay.
Trên cơ sở chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chỉ đạo, ban thường vụ các huyện ủy, thành ủy đã ban hành chương trình hành động, kế hoạch để chỉ đạo phát triển tổ chức đảng, đảng viên và các tổ chức chính trị - xã hội trong các đơn vị kinh tế tư nhân; phân công lãnh đạo đến thăm hỏi, động viên, nắm tình hình DN trên địa bàn; gặp gỡ, tiếp xúc, tổ chức đối thoại, làm việc với các DNNKVNN nhằm tạo sự đồng thuận của chủ DN về việc phát triển tổ chức đảng, đảng viên và các tổ chức chính trị - xã hội.
Đây cũng là quan điểm được các đồng chí lãnh đạo tỉnh nhấn mạnh nhiều lần trong suốt thời gian qua. Theo đó, việc thành lập tổ chức đảng, phát triển đảng viên trong DNNKVNN được xác định có vai trò hết sức quan trọng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đây cũng được xem là giải pháp nhằm phòng ngừa sai phạm có thể xảy ra trong khu vực kinh tế này.
Dù đã có sự quan tâm vào cuộc tích cực của các cấp ủy đảng, nhưng nhìn nhận một cách thẳng thắn, công tác xây dựng tổ chức đảng trong DNNKVNN trên địa bàn tỉnh còn một số tồn tại, hạn chế, đặc biệt trong giai đoạn 2015-2022.
Đảng viên trong các tổ chức đảng thuộc DNNKVNN phần nhỏ là chủ doanh nghiệp được kết nạp vào Đảng; số đảng viên được kết nạp vào Đảng chủ yếu là trong các doanh nghiệp cổ phần có vốn Nhà nước hoặc một số DNNKVNN đã có tổ chức đảng.
Mặt khác, đa số DN trên địa bàn tỉnh chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa, nhiều doanh nghiệp chưa đủ điều kiện để thành lập tổ chức đảng và tổ chức đoàn thể. Việc phát triển đảng viên gặp nhiều khó khăn, một số cấp ủy chưa quan tâm đúng mức đến việc tạo nguồn đảng viên.
Vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng, hoạt động của các đoàn thể hầu hết còn phụ thuộc vào chủ doanh nghiệp; chưa có cơ chế để chủ DNNKVNN khuyến khích, động viên người lao động vào Đảng.
Bên cạnh đó, vai trò của một số tổ chức đảng, đảng viên trong DNNKVNN có lúc còn mờ nhạt, khiến một bộ phận người lao động chưa nhận thức đầy đủ về Đảng, ngại tham gia các đoàn thể và không mặn mà đối với việc được đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Giám đốc một DNNKVNN trên địa bàn tỉnh cho biết: Toàn Công ty có 2 đảng viên, là tôi và một lao động địa phương. Bản thân tôi sinh hoạt đảng tại chi bộ nơi cư trú, cách Công ty khá xa. Mặt khác, hầu hết lao động trong Công ty đều làm việc thời vụ nên công tác phát triển đảng viên mới không hề đơn giản.
Một yếu tố khác khiến hoạt động của chi bộ trong DNNKVNN chưa thực sự mạnh là do hoạt động sản xuất – kinh doanh gặp khó khăn; biến động lao động… Như tại huyện Phú Lương, năm 2022, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện thực hiện giải thể Chi bộ Công ty TNHH Quang Trung do DN kinh doanh thua lỗ, phá sản. Hiện nay, toàn huyện chỉ còn 1 tổ chức đảng trong DNNKVNN.
Việc thành lập tổ chức đảng mới trong DNNKVNN trên địa bàn cũng gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân là do phần lớn DN có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, số lượng lao động ít, chủ yếu là lao động phổ thông, làm việc thời vụ, nhiều lao động thường xuyên phải thay đổi công việc gây khó khăn trong công tác bồi dưỡng kết nạp Đảng.
Một vướng mắc khác cũng được chỉ ra là mức đóng đảng phí khi sinh hoạt ở chi bộ đảng trong DN cao hơn nhiều so với khi sinh hoạt ở nơi cư trú. Điều này gây khó khăn trong công tác tạo nguồn phát triển đảng viên, cũng như việc chuyển sinh hoạt đảng cho đảng viên từ nơi cư trú về DN để đủ điều kiện thành lập tổ chức đảng.
Sinh hoạt định kỳ là một trong những yêu cầu bắt buộc trong công tác đảng. Điểm 6, Điều 22, Điều lệ Đảng quy định: “… Chi bộ cơ sở họp thường lệ mỗi tháng một lần; họp bất thường khi cần”. Đối với chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, Điểm 2, Điều 24 Điều lệ Đảng cũng quy định: “Chi bộ, chi ủy họp thường lệ mỗi tháng một lần”.
Cũng về vấn đề này, Điểm 2, Mục A, Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW ngày 2/3/2012 của Ban Tổ chức Trung ương “Hướng dẫn nội dung sinh hoạt chi bộ” nêu rõ: “Các chi bộ trong tất cả các loại hình tổ chức cơ sở đảng phải thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt đảng định kỳ theo quy định của Điều lệ Đảng.
Tuy vậy, đối với các DN, đặc biệt là DNNKVNN, do đặc thù lao động sản xuất hoặc người lao động làm việc theo ca kíp nên công tác tổ chức sinh hoạt tương đối khó khăn.
"Một số đảng viên thuộc bộ phận kinh doanh thường xuyên đi tìm hiểu thị trường hàng tháng trời, trong đó có cả các đồng chí trong Chi ủy. Vì vậy, việc tổ chức sinh hoạt đảng hằng tháng của Chi bộ tương đối vướng mắc." - Đại diện một DN chuyên sản xuất – kinh doanh thuốc thú y.
Nhiều DN trên địa bàn tỉnh cũng có mức biến động lao động lớn nên chuyện một chi bộ đầu nhiệm kỳ có hàng chục đảng viên, cuối nhiệm kỳ chỉ còn vài người là không hiếm. Thêm nữa, ở một số chi bộ trong DNNKVNN, đồng chí bí thư chi bộ hoặc các đồng chí trong chi ủy không phải chủ DN hay lãnh đạo công ty, gây không ít trở ngại cho việc xây dựng và thực hiện nghị quyết.
Mặt khác, một số người lao động chia sẻ mong muốn DN đang làm việc có tổ chức đảng để họ có cơ hội được kết nạp, sinh hoạt đảng và định hướng phấn đấu trong sự nghiệp. Tuy nhiên, nhiều chủ DN hầu như chỉ tập trung vào hoạt động sản xuất - kinh doanh mà quan tâm công tác phát triển Đảng. Do vậy, ở nhiều DN, dù đã có đủ số lượng đảng viên để thành lập tổ chức đảng nhưng vẫn chưa vận động thành lập được.
Đại diện một số cấp ủy thì cho rằng: Nhiều chủ DN, nhất là chủ DN vốn FDI, chưa hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa, lợi ích thiết thực của việc thành lập tổ chức đảng nên chưa quan tâm, đồng thuận. Đây cũng là nguyên do chính khiến Thái Nguyên có tới 218 dự án FDI đang hoạt động nhưng đến nay mới chỉ có 2 DN thành lập được tổ chức đảng.
(Còn nữa)