Hai phụ nữ hồi sinh vùng chè Sông Cầu
.

Hai phụ nữ hồi sinh vùng chè Sông Cầu

TNĐT 13:57, 09/12/2024
 
 
 

Với hai chị Hảo, Huyền, Sông Cầu không đơn thuần là tên một dòng sông, một địa danh hành chính mà đó chất chứa cả một miền ký ức gắn liền với thương hiệu chè Sông Cầu vang bóng một thời.

Hơn nửa thế kỷ trước, nơi đây là một đại diện cho trà Việt Nam, xuất khẩu các sản phẩm chè đen, trà xanh đi nhiều nước trên thế giới. Trải qua biến thiên thời gian, thay đổi thời cuộc, Nhà máy chè Sông Cầu dần mất đi vị thế, hoạt động cầm chừng và dẫn tới giải thể. Toàn bộ diện tích chè rộng hơn 1.000ha được giao lại cho các công nhân nông trường năm xưa.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thưởng thức trà Thịnh An cùng các cán bộ cấp cao thưởng thức trà Thịnh An.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thưởng thức sản phẩm của Hợp tác xã chè Thịnh An.

Sinh ra khi đất nước có chiến tranh, có bố mẹ là những công nhân Nông trường chè Sông Cầu, hai chị thấu hiểu giá trị cuộc sống cũng như chứng kiến những thăng trầm của nghề làm chè ở mảnh đất này. 

Chị Huyền kể: Từ chỗ sản xuất chè công nghiệp, xuất khẩu là chủ yếu, người làm chè quay về sản xuất nhỏ lẻ, chật vật tìm đầu ra. Cả một thời gian dài chè Sông Cầu chìm đắm trong thuốc sâu, thuốc diệt cỏ dẫn đến chất lượng chè kém, bị tư thương ép giá, khó tiêu thụ, nhiều người đã chặt bỏ, không còn mặn mà với cây chè.

Trong khi mọi người quay lưng với cây chè thì chị Huyền kiên quyết theo đuổi. Suốt thời gian đảm nhận các vị trí công tác như Phó Bí thư Đoàn Thanh niên, Phó Chủ tịch HĐND và Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sông Cầu, chị luôn trăn trở tìm hướng phát triển cây chè của địa phương.

Năm 2011, lần đầu tỉnh tổ chức Festival trà, khi đó Ban Tổ chức tạo điều kiện cho các làng nghề tham gia. Tại khu trưng bày các làng nghề, chị thấy Sông Cầu - “trái tim” vùng chè có diện tích lớn nhưng lại không có làng nghề chè được công nhận, 2 xã Minh Lập và Hóa Thượng lân cận thì đã có làng nghề chè. 

 

Ý tưởng, con đường vạch ra là vậy, song không dễ thực hiện. Nhất là khi nhiều người phản đối, cho rằng cách làm này đi ngược lại với trước đây, rằng làm chè là sản xuất công nghiệp chứ không phải là sản xuất truyền thống...

Sau cùng, được các cơ quan hỗ trợ về hồ sơ, thủ tục, được người dân tin tưởng, ủng hộ, 2 làng nghề xóm 5 và xóm 9 ra đời. Đến năm 2015, Sông Cầu có thêm Làng nghề xóm Liên Cơ và xóm Tân Tiến. Sự liên kết của làng nghề là bước đệm để tiến tới một mô hình chuyên nghiệp hơn, hợp tác xã. Và năm 2016, HTX chè Thịnh An được thành lập.

Cùng chị Vũ Thị Thanh Hảo, người phụ nữ có khuôn mặt phúc hậu, thăm vùng nguyên liệu của HTX chè Thịnh An, chúng tôi như bị mê hoặc bởi không gian, cảnh sắc nơi đây. Từng vạt chè thoai thoải, đua nhau đâm búp chồi non trong ánh nắng ban mai. Hai bên đường vào đồi chè thêm phần đẹp hơn khi được trồng hoa mẫu đơn, hoa đào.

Chị Hảo chia sẻ, HTX đang liên kết với 150 hộ dân, sở hữu vùng nguyên liệu rộng 50ha chè được chứng nhận VietGAP, 20ha vùng sản xuất chè hữu cơ là chè trung du thuần chủng và 9ha được gắn mã số vùng trồng.

Du khách, nông dân làm chè trên địa bàn tỉnh đến tham quan, học hỏi mô hình sản xuất chè hữu cơ của Hợp tác xã chè Thịnh An.
Du khách, nông dân làm chè trên địa bàn tỉnh đến tham quan, học hỏi mô hình sản xuất chè hữu cơ của Hợp tác xã chè Thịnh An.
 

Có được kết quả này là nỗ lực không nhỏ của những người “đứng mũi chịu sào” như chị Hảo, chị Huyền và các hộ thành viên. Để thay đổi thói quen sản xuất, năm 2017, HTX chè Thịnh An kết hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên triển khai Dự án sản xuất chè an toàn với quy mô 50ha.

Tham gia Dự án, thành viên được hướng dẫn kỹ thuật sản xuất chè an toàn, hỗ trợ phân bón, thuốc trừ sâu. Đổi lại, thành viên phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình, như chỉ sử dụng phân hữu cơ, dùng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép, ưu tiên nhóm thuốc sinh học và thảo mộc, ghi chép nhật ký chăm sóc, phun thuốc, thu hoạch…

 

Trong suốt quá trình hoạt động của HTX, với cương vị là Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) chị Hảo đã chủ động xây dựng phương án đầu tư vốn, xây dựng nhà xưởng, đổi mới trang thiết bị công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, như: máy sao chè bằng gas của Đài Loan, máy đóng gói hút chân không, kho lạnh bảo quản sản phẩm...

Song song với đó, chị luôn quan tâm đến việc nâng cao kiến thức cho các thành viên, chủ động phối hợp với chính quyền, các phòng, ngành chức năng mở lớp tập huấn cho các thành viên về chăm sóc, chế biến chè, tập huấn về sở hữu trí tuệ; hướng dẫn thành viên cách ghi chép trong quá trình chăm sóc, chế biến theo đúng quy trình VietGAP, hữu cơ.

 

Dường như mỗi người sinh ra mang một sứ mệnh nhất định, tôi tin thế khi biết trước khi trở thành Chủ tịch HĐQT HTX chè Thịnh An, chị Hảo từng là giáo viên mầm non. Qua bao nhiêu tháng năm, duyên nghiệp với cây chè vẫn gắn bó, “níu” chị quay về.

Và giờ chị thấy hạnh phúc vô cùng khi đồi chè được đón học sinh các trường, trong đó có học sinh mầm non đến thăm, được thấy bàn tay nhỏ xinh, non nớt của các con chạm vào những búp chè.

Với chị, đó là cách để các con hiểu, yêu trà và biết được thế mạnh và văn hóa của vùng đất, con người nơi mình sinh ra và trưởng thành. Ngày sinh nhật chị cũng chính là Ngày Chè thế giới (21/5). Chị có một khứu giác đặc biệt nhạy bén với chè, phân biệt rành mạch từng giống chè, tỷ lệ pha trộn thế nào khi cầm vốc chè trên tay.

Khác với chị Hảo giỏi về sản xuất thì chị Huyền có khả năng tổ chức, định hướng, xây dựng hình ảnh thương hiệu chè gắn với văn hóa. Sau khi rời vị trí Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sông Cầu, chị đảm nhiệm chức vụ Giám đốc HTX chè Thịnh An và gắn trọn với việc kinh doanh chè từ đây.

Theo chị Huyền, làm ra sản phẩm chè chất lượng dù khó nhưng vẫn chưa đủ mà phải biết tạo ra giá trị tinh thần, cốt lõi cho sản phẩm. Để làm được điều này, HTX chè Thịnh An đã mời Nghệ nhân trà Hoàng Anh Sướng chia sẻ về nghệ thuật trà đạo.

 

Chị cũng dành nhiều thời gian tham gia các khóa học, nghiên cứu, học hỏi từ các chuyên gia về ẩm thực, văn hóa trà. Chị luôn nỗ lực truyền đạt cho người làm trà về tình yêu với cây chè, về việc tạo ra những “cây chè hạnh phúc”, nói không với phân hóa học, thuốc trừ sâu, phát triển hài hòa với thiên nhiên. Từ đó để họ tự kể về câu chuyện, văn hóa trên chính sản phẩm của mình.

Và đúng như thế, hiện nay các sản phẩm của HTX chè Thịnh An không chỉ là sản phẩm thuần túy mà giống như đại sứ chuyên chở tình cảm, yêu thương, văn hóa của vùng đất Sông Cầu, Thái Nguyên. Mỗi sản phẩm đến tay khách hàng đều được kể những câu chuyện đằng sau nó.

Đó là câu chuyện về thiên nhiên ưu đãi, về lịch sử cây chè gắn với vùng đất Sông Cầu, bắt nguồn từ những ngày xa xưa, khi Nông trường chè Sông Cầu chuyên sản xuất chè công nghiệp, xuất khẩu hàng container đi nước ngoài.

Đến hiện nay, khi người làm chè quay về với sản phẩm truyền thống, với quy mô nhỏ, là quy trình sản xuất khắt khe, qua nhiều công đoạn; là hồn quê, của giọt mồ hôi mặn chát, đôi bàn tay chai sần một nắng hai sương của người làm nên sản phẩm; là sức khỏe, sự bình an, thanh thản tâm hồn khi ta chú tâm pha trà, thưởng trà…

 

Câu chuyện văn hóa trà được xây dựng và kể qua việc HTX xây dựng các tour du lịch trải nghiệm, du lịch xanh, về trà đạo; qua việc đa dạng hóa sản phẩm, phục vụ cho nhiều tệp khách hàng, như chè đinh, chè búp, chè túi lọc, chè matcha, chè đen (hồng trà), phối hợp với các chủ thể sản xuất để tạo ra các sản phẩm bánh đậu xanh, kẹo lạc, kẹo dồi từ bột trà matcha.

Chính những yếu tố này giúp các sản phẩm của HTX chè Thịnh An đến được với người tiêu dùng. Từ việc chủ động đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quảng bá sản phẩm, hiện HTX chè Thịnh An đang được hỗ trợ gian hàng trưng bày mang tên "Huyền trà xưa" tại Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, số 489, đường Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Ngoài công việc phát triển thị trường cho HTX chè Thịnh An, chị Huyền còn say mê nghiên cứu khoa học từ cây chè. Chị chia sẻ: Dầu hạt chè được biết đến với hàm lượng cao chất béo không bão hòa đơn, có thể sử dụng trong sản xuất mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm. 

Qua tìm hiểu, chị thấy các nước như Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan đang khai thác được giá trị tinh dầu trà, trong khi ở Thái Nguyên vốn có chè trung du trồng bằng hạt, tuổi đời lâu năm có nhiều quả nhưng quả đang bị bỏ phí, thậm chí diện tích càng ngày càng bị thu hẹp. Bởi thế, chị quyết tâm nghiên cứu dòng sản phẩm mới này.

Hợp tác xã chè Thịnh An luôn có các đoàn khách đến tham quan, trải nhiệm, nhất là học sinh.

Theo chị, để tạo ra sản phẩm cần tuân thủ một quy trình công phu, nghiêm ngặt, tỉ mỉ, từ khâu thu hoạch hạt, làm sạch, phơi khô, rồi đưa vào máy chiết xuất bằng công nghệ hiện đại, lọc và tinh chế, đóng gói sản phẩm…

Thật vui khi mới đây giải pháp khai thác dầu trà cao cấp từ hạt chè của chị được Hội Nông tỉnh Thái Nguyên ghi nhận, trao giải sáng kiến khoa học - kỹ thuật tiêu biểu, được cấp nhãn hiệu bảo hộ.

Sáng kiến của chị mở ra hướng đi mới cho cây chè trong lĩnh vực chế biến các sản phẩm về mỹ phẩm, dược phẩm và thực phẩm chức năng. Chị đang lên kế hoạch sản xuất đại trà từ năm 2025…

Từ tình yêu với vùng đất, quê hương, với nỗ lực không mỏi mệt, hai chị Hảo - Huyền đã mang lại nhiều lợi ích, giúp người dân thay đổi tư duy làm chè. Để giờ đây họ thêm yêu, hạnh phúc, "sống khỏe" với nghề làm chè, đó là lúc “trái tim vùng chè Sông Cầu” được đánh thức, để chè Sông Cầu vươn xa.

 

Từ khóa:

chè sông cầu

đồng hỷ

chè thái nguyên

thịnh an

thương hiệu

văn hóa

sản phẩm chè


Xem thêm bình luận