Cô ấy đã cho chúng tôi cảm nhận sâu sắc về những giá trị của cuộc sống và biết trân trọng những phút giây hiện tại; biết về sức chịu đựng dẻo dai của con người dù trong tận cùng của nỗi đau thể xác lẫn tinh thần. Chỉ cần chúng ta kiên cường, có niềm tin vào một ngày mai tốt đẹp hơn…
Chị Lệ vẫn nỗ lực sống và làm việc với thái độ lạc quan, tích cực để làm chỗ dựa cho hai con. |
Cô ấy là Trịnh Thị Lệ, người phụ nữ luôn giấu nỗi niềm vào tận đáy tim để nở nụ cười tươi trong nghịch cảnh, một tinh thần “thép” nhưng lại làm mềm trái tim nhiều người thương mến cô…
Trịnh Lệ xinh đẹp và dịu dàng - đó là cảm nhận đầu tiên khi tôi gặp em. Em đẹp từ trong ánh mắt, nụ cười đến lối nói chuyện dí dỏm, duyên dáng. Nhưng đằng sau vẻ đẹp đó là cả một "bầu trời" đầy giông bão và đau thương.
Lệ ly dị chồng khi 2 con gái còn nhỏ, bản thân mang bạo bệnh. Lý do cô đưa ra khiến người nghe xót xa mà không cầm nổi nước mắt.
Ngày bị chồng đánh gãy khớp xương quai hàm - thái dương phải nhập viện cấp cứu cũng là ngày Lệ phát hiện mình bị u màng não. Sau đó là những chuỗi ngày Lệ sống trong đau đớn đến mờ cả mắt nên em quyết định mổ cắt u.
Vào viện, bên cạnh không một người thân chăm sóc, các con còn nhỏ, người ký giấy bảo lãnh để phẫu thuật cho em lại là “người dưng”. Trước khi lên bàn mổ, tài sản quý giá nhất của Trịnh Lệ là chiếc điện thoại em coi như bảo bối. “Nếu ca mổ không thành công, em chỉ có chiếc điện thoại này lưu giữ nhiều kỷ niệm vui, buồn, chị hãy trao lại cho các con em nhé!” - Lệ dặn “người dưng” như vậy.
Vậy mà số phận nghiệt ngã vẫn chưa chịu buông tha em, cách đây hơn 3 tháng Lệ lại phát hiện bị ung thư đại tràng giai đoạn cuối. Hai lần em bị cảm nặng, hơi thở chỉ còn thoi thóp, nhưng rồi em lại hồi tỉnh, tiếp tục chiến đấu với bệnh tật, chăm chỉ lao động để có tiền chữa bệnh và nuôi 2 con gái nhỏ ăn học.
Trong câu chuyện đời mình, Lệ kể với chúng tôi bằng chất giọng vui vẻ, hóm hỉnh chứ không bi lụy, hờn trách số phận.
Lệ bảo: Con đường em đi chỉ có thể nhìn về phía trước, vì đằng sau là khoảng trời đen tối, hai bên là vực thẳm, chỉ có tiến thẳng em mới tự tin, lạc quan để sống tiếp, để vui vẻ, hạnh phúc bên các con. Muốn vậy không có cách nào khác em phải tích cực lao động, chừng nào sức khỏe không cho phép nữa mới dừng. Vì lao động không chỉ mang lại đồng tiền cho em chữa bệnh, nuôi các con ăn học mà lao động còn mang lại cho em nguồn vui sống.
Vượt qua nỗi đau bệnh tật, hằng ngày chị Lệ vẫn tích cực làm việc. |
Chẳng thế mà Lệ đã sống như một “chiến binh” dù chặng đường cô đi qua quá truân chuyên và nhiều chông gai, nhưng cô chưa bao giờ chùn bước. Là một người phụ nữ có nước da trắng hồng, đôi mắt to tròn đen láy, khuôn mặt phúc hậu, xinh đẹp, nhưng không việc gì mà Lệ không thử sức làm, miễn là lao động chân chính, từ hái chè thuê, chăn nuôi lợn, gà, làm chè, làm đậu, rồi đến trang điểm cô dâu.
Lệ bảo: Trong số công việc đó, nghề trang điểm cô dâu đã mang lại cho em nhiều thành công nhưng chồng em đã phá hết vì cờ bạc, nợ nần và cũng làm em thui chột với nghề. Giờ em thuê xưởng sản xuất chè, giải quyết việc làm cho 3 lao động. Trung bình 1 ngày em sản xuất hơn 1 tạ chè khô với giá bán từ 250 nghìn đồng đến 1,8 triệu/kg tùy từng loại. Những ngày nằm viện, em mang cả đồ nghề vào viện bán hàng qua mạng. Lúc đầu bị bác sĩ “mắng” nhưng sau biết rõ hoàn cảnh của em, mọi người trong khoa đều thông cảm và ủng hộ.
Từ ngày biết mình mắc nhiều loại bệnh, thời gian ở viện có khi còn nhiều hơn ở nhà, nhưng dù trong hoàn cảnh nào, Lệ cũng cố gắng lao động kiếm tiền trang trải cuộc sống với muôn vàn khó khăn.
“Có những giai đoạn khó khăn khốn cùng, nhất là dịp COVID-19 bùng phát, khi nằm viện, ngày em chỉ dành 5 nghìn đồng mua 1 gói xôi để ăn cả ngày, nên ở viện em có biệt danh là Lệ “5K”; rồi “Trưởng phòng” vì thời gian nằm viện lâu nhất.” - chị Trịnh Thị Lệ.
Chị Lệ thường xuyên livestream bán sản phẩm chè trên nền tảng TikTok. |
Ngày chúng tôi tới thăm, 3 mẹ con Lệ mới chuyển từ nhà trọ sang căn nhà mới xây dựng, nhỏ nhắn nhưng sạch sẽ, gọn gàng, ấm cúng.
Giờ trong ngôi nhà ấy góp thêm tiếng cười của chị Vũ Hoài Anh. Chị là giáo viên thể chất của một trường THCS ở Hà Nội. Thông qua mạng xã hội, chị biết đến hoàn cảnh của Lệ, cảm kích trước nghị lực sống của Lệ, chị làm quen để mong có cơ hội giúp đỡ Lệ phần nào những khó khăn trong cuộc sống.
Chị Hoài Anh giúp đỡ chị Lệ đóng gói sản phẩm chè. |
Sau gần 2 năm, chuyện qua, chuyện lại, tâm tình, sẻ chia, thấy có nhiều điểm hợp nhau, có sự đồng cảm sâu sắc, vừa rồi, chị Hoài Anh đã chuyển về ở hẳn với 3 mẹ con Lệ để dễ bề chăm sóc gia đình nhỏ.
Chị Hoài Anh tình nguyện giúp đỡ, chăm sóc mẹ con chị Lệ. |
Hằng ngày, chị Hoài Anh đi xe máy đến trường ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) dạy học, hết giờ, chị lại chạy hơn 2 tiếng đồng hồ về tổ 2, phường Thịnh Đán, TP. Thái Nguyên, để chăm sóc, đỡ đần mẹ con Lệ.
Vũ Hoài Anh từng là một cầu thủ thuộc Đội bóng đá nữ Hà Nội 1, sau một chấn thương, cô đã phải mổ khớp gối và giải nghệ. Cô yêu thích nhiều môn thể thao như bóng chuyền, bóng bàn… nhưng vì chân đau, khó hồi phục như trước nên bị hạn chế.
Cô đã có nhiều ngày tháng sống chìm đắm trong nỗi buồn, sự bi quan vì nghĩ rằng đến một ngày nào đó mình sẽ phải ngồi xe lăn, phải sống phụ thuộc người thân. Nhờ gặp Lệ, cô lấy lại được sự vô tư, yêu đời và tin tưởng mình sẽ vượt qua những khó khăn “nhỏ” của bản thân để sống tốt.
Hai mảnh ghép gặp nhau như một định mệnh. Trong tận cùng cái khổ họ đã tìm thấy nhau, nương tựa, sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau mà không hề mưu cầu bất kỳ một thứ vật chất tầm thường nào khác. Họ đã trao nhau thứ quý giá hơn tiền bạc đó là niềm tin và những tiếng cười lạc quan, yêu đời. Hoài Anh đã trở thành người giám hộ hợp pháp cho các con của Lệ. Cha mẹ Hoài Anh cũng nhận Lệ làm con nuôi.
Chị Lệ nhận được nhiều tình yêu thương và một số món quà từ những người bạn qua mạng. |
Ngoài Hoài Anh, bên cạnh Lệ còn có rất nhiều người tốt ở khắp mọi miền đất nước đã gửi quà, những lời chia sẻ, động viên; nguyện cầu cho Lệ vượt qua được bạo bệnh; chúc tình bạn chân thành mãi bền lâu.
“Khi em đi mổ não, sự sống như ngàn cân treo sợi tóc. Người thân không có ai, tiền bạc cũng không có nhưng chị Nguyễn Thị Hoa, ở xóm Thai Thèn Bạ, xã Phúc Thuận, TP. Phổ Yên (người dưng - PV), đã đứng ra ký giấy bảo lãnh và cho em vay tiền để mổ. Em bảo nhỡ em chết thì lấy gì trả cho chị, nhưng chị ấy vẫn cho em vay mấy chục triệu đồng mà không hề lo lắng. Thấy em nghèo khổ quá, người tặng cái này, người cho cái kia, giúp em vượt qua những giai đoạn tưởng chừng như bế tắc. Em không biết nói gì hơn, chỉ biết gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến tất cả mọi người!” - Lúc này mới thấy Lệ rưng rưng.
Trong nghịch cảnh, Lệ đã sống mạnh mẽ, nỗ lực vươn lên như một chiến binh dũng cảm. Cô đón nhận điều xấu nhất xảy ra với mình bằng nụ cười hiền hậu đến đau lòng. Cô bảo: “Em đã lo chu toàn cho các con. Khi điều đó xảy ra, em ra đi thanh thản”.
Câu nói của Lệ khiến mắt tôi cay, cổ họng nghẹn đắng. Có thể trong tận cùng của nỗi đau thể xác và tinh thần, trong tận cùng của sự bất hạnh, Lệ đã đạt tới cảnh giới của sự buông bỏ, giải thoát mọi ưu phiền, âu lo. Nhưng dù ở góc độ nào, tôi vẫn cảm nhận được nỗi đau trong lòng em. Lệ có thể buông bỏ mọi thứ thuộc về mình, nhưng thứ duy nhất không thể đó chính là 2 đứa con thơ. Hy vọng chị Hoài Anh sẽ không làm Lệ phải thất vọng… Và những người bạn tốt của Lệ trên “cõi mạng” sẽ luôn đồng hành và âm thầm bảo vệ các con của cô.
Trịnh Thị Lệ - Một tấm gương vượt khó, vươn lên trong nghịch cảnh, sống bằng tinh thần lạc quan, tô thắm cuộc đời bằng những nụ cười, khiến chúng tôi vô cùng ngưỡng mộ. Lòng tôi thầm cầu nguyện trời cao thấu cảnh, ban cho em một phép màu, để em được sống thật lâu bên các con.