Những câu hát Pả Dung (hay Páo Dung) giản dị, mộc mạc đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của đồng bào người Dao Lô Gang ở xóm Khe Nác, xã Yên Đổ (Phú Lương). Làn điệu truyền thống này đã và đang được cộng đồng người Dao nơi đây lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Pả Dung là làn điệu dân ca cổ truyền của người dân tộc Dao. Hát Pả Dung của người Dao ra đời từ chính hoạt động sản xuất, cuộc sống thường ngày và tình cảm tự nhiên giữa người với người. Chính vì thế, chủ đề của các bài hát khá đa dạng. Đó là ca ngợi vẻ đẹp của quê hương, làng bản, con người; ca ngợi tình yêu đôi lứa hoặc nói lên tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người dân lao động.
Thông qua làn điệu Pả Dung, người Dao muốn gửi gắm niềm tin, khát vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Pả Dung có lối hát đối đáp, ít có bài theo mẫu sẵn. Trong Pả Dung, một bài hát thường gồm 4 câu, mỗi câu 7 chữ; hai câu hợp lại thành một ý, hai ý trọn vẹn thành một bài.
Lời Pả Dung được viết dưới dạng cấu trúc thơ, thể thất ngôn tứ tuyệt. Bởi vậy, ca từ Pả Dung thường mộc mạc, giản dị, có thể hát ở bất cứ nơi đâu, không giới hạn số lượng người tham gia. Thêm nữa, khi hát, người hát có thể nhấn nhá, dùng từ đệm để kéo dài câu hát, tạo cho điệu hát ngân nga, vang mãi.
Với mỗi làn điệu khác nhau, người Dao lại diễn xuất bởi giọng điệu, âm hưởng khác nhau để phù hợp với hoàn cảnh, tâm trạng và không gian diễn xướng…
Pả Dung có nội dung thể hiện rất phong phú, đa dạng. Chính vì thế, làn điệu này được người Dao sử dụng vào nhiều hoàn cảnh khác nhau như: hát ru, hát giao duyên, hát đối đáp nam nữ, hát than...; hát trong nghi lễ (hát trong Lễ cấp sắc, Tết nhảy, lễ cưới, đám tang, cúng đầy tháng...).
Hát Pả Dung thường theo từng nhóm, hát giữa hai người với nhau hoặc tự hát. Với ca từ trong sáng, giàu chất trữ tình, Pả Dung giúp người nghe được “đắm mình” vào những câu chuyện về đời sống thường ngày, không khí lao động sản xuất mà bài hát truyền tải.
Hát Pả Dung có vị trí đặc biệt trong đời sống cộng đồng dân tộc Dao. Tuy nhiên, chính trong cộng đồng Dao, người có thể thuộc lời và thể hiện bài hát của dân tộc mình lại không nhiều, chủ yếu là những người trung và cao tuổi, số người trẻ biết hát Pả Dung còn ít.
Đối với giới trẻ người dân tộc Dao, do ảnh hưởng của các dòng nhạc và cuộc sống hiện đại, nhiều người còn chưa biết đến làn điệu Pả Dung. Người dân tộc Dao ở Yên Đổ cũng ít dùng tiếng dân tộc để giao tiếp nên trẻ em, học sinh ít nói, thậm chí không nói được tiếng dân tộc mình.
Để bảo tồn làn điệu Pả Dung, thời gian qua, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Phú Lương đã tham mưu và triển khai đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào Dao trên địa bàn gìn giữ giá trị văn hóa của dân tộc mình. Đồng thời tổ chức sưu tầm, tập hợp tư liệu, sách cổ về Pả Dung đang được lưu giữ trong nhân dân.
Năm 2018, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông huyện đã hỗ trợ thành lập Câu lạc bộ Văn nghệ và bảo tồn văn hóa người Dao Phú Lương gồm 42 thành viên, nhằm giữ gìn, lưu truyền những câu hát Pả Dung.
Mặc dù từng đứng trước nguy cơ mai một, nhưng với sự vào cuộc của chính quyền địa phương, điệu hát Pả Dung đã dần được khôi phục. Những thanh âm của Pả Dung đã và đang được người dân tộc Dao ở xóm Khe Nác chú trọng gìn giữ, lưu truyền.
Công tác lưu truyền, phát triển làn điệu Pả Dung đang được huyện Phú Lương quan tâm thực hiện. Theo đó, phòng chuyên môn khuyến khích người dân tổ chức hát Pả Dung tại các chương trình nghệ thuật trong và ngoài huyện; tạo điều kiện cho Câu lạc bộ tham gia các chương trình giao lưu văn hóa truyền thống trong và ngoài huyện.
Có thể thấy, công tác lưu giữ và bảo tồn văn hóa hát Pả Dung đang được chính quyền địa phương và cộng đồng người Dao thực hiện bằng nhiều giải pháp thiết thực, góp phần để làn điệu này mãi ngân vang đến muôn đời sau.
Ông Trần Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Đổ, cho biết: Xã sẽ đẩy mạnh tuyên truyền để giới trẻ hiểu hơn về giá trị văn hóa của hát Pả Dung. Đồng thời kêu gọi xã hội hóa, đầu tư thiết bị âm thanh giúp người dân có thêm điều kiện để luyện tập; bảo tồn những làn điệu Pả Dung để lưu giữ cho các thế hệ sau.