Phòng cháy, chữa cháy tại các khu công nghiệp: Phòng hỏa hơn cứu hỏa
.

Phòng cháy, chữa cháy tại các khu công nghiệp: Phòng hỏa hơn cứu hỏa

TNĐT 16:15, 13/12/2024
 

Tỉnh Thái Nguyên hiện có 5 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, với trên 300 dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có một số ngành nghề có nguy cơ tiềm ẩn cháy nổ cao như may mặc, hàng điện tử, gỗ…

 

Nếu để xảy ra cháy, nổ sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Xác định rõ điều đó, công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy luôn được các cấp, ngành của tỉnh quan tâm.

 

Công an tỉnh đã chủ động tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều chỉ thị, kế hoạch, văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, huyện, thành phố, doanh nghiệp trong khu công nghiệp triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy (PCCC).

 

Hằng năm, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đều tiến hành rà soát, nhắc nhở, đôn đốc chủ cơ sở kinh doanh hạ tầng các khu công nghiệp đầu tư xe chữa cháy, bổ sung, thay mới các phương tiện, dụng cụ phục vụ chữa cháy đã hư hỏng, không bảo đảm chất lượng, không đáp ứng yêu cầu chữa cháy.

 

Các khu công nghiệp khi đi vào hoạt động đều thành lập được đội PCCC chuyên ngành; thực hiện thiết kế, lắp đặt hệ thống cung cấp nước cho công tác PCCC.

 

Theo đánh giá của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, trong những năm gần đây, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PCCC trong các khu công nghiệp đã được nâng lên rõ rệt. Đặc biệt, công tác chữa cháy ban đầu của lực lượng PCCC tại chỗ phát huy hiệu quả, một số đám cháy nhỏ được dập tắt ngay từ khi mới phát sinh, không để bùng phát gây cháy lớn.

Bên cạnh đó, công tác xây dựng phong trào Toàn dân tham gia PCCC được chú trọng. Thông qua Phong trào, các doanh nghiệp đã chủ động tự cải thiện, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn và khả năng xử lý sự cố cháy nổ của lực lượng tại chỗ.

 

Như tại Khu công nghiệp Yên Bình (TP. Phổ Yên), ngay từ khi xây dựng hạ tầng, chủ đầu tư đã lắp đặt trụ nước chữa cháy ở các tuyến đường; trang bị đầy đủ xe và các phương tiện chữa cháy. Đội PCCC và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành được thành lập với 45 người, phân công trực 24/24 giờ và thường xuyên được huấn luyện, cập nhật kiến thức, kỹ năng chữa cháy; công tác tuyên truyền phòng cháy được thực hiện hiệu quả. Nhờ đó, từ khi đi vào hoạt động vào năm 2013 đến nay, tại đây chưa phát sinh một vụ cháy nào trong khu vực sản xuất của các nhà máy.

 
 

Mặc dù số vụ cháy, nổ tại các khu công nghiệp không nhiều nhưng hầu hết đều gây ra những thiệt hại đáng kể về người và tài sản. Gần đây nhất là vụ cháy xảy ra tại Công ty TNHH Wiha Việt Nam (Khu công nghiệp Sông Công 1, phường Bách Quang, TP. Sông Công). Đáng nói, do phần mái nhà xưởng là trần đệm xốp nên lửa nhanh chóng lan ra cả xưởng làm cháy hàng hóa bên dưới, khiến nhà xưởng rộng hơn 10.000m2 bị thiêu rụi.

 

Tuy đám cháy đã được dập tắt kịp thời, không gây cháy lan và không có thiệt hại về người, nhưng thiệt hại về tài sản cho doanh nghiệp là tương đối lớn. Thực tế này càng cho thấy, công tác PCCC trong các khu công nghiệp có vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo hoạt động ổn định của doanh nghiệp và người lao động.

 

Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp thường có diện tích nhà xưởng lớn, các nhà xưởng nằm sát nhau, với lượng người tập trung đồng thời tại một địa điểm lớn. Nhiều doanh nghiệp hoạt động ở các ngành nghề có sử dụng nguyên vật liệu dễ cháy như vải, hóa chất, gỗ, linh kiện điện tử... nên luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao.

Nếu xảy ra cháy sẽ gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự và môi trường đầu tư tại các khu công nghiệp. Điều đó đặt ra yêu cầu bắt buộc các khu công nghiệp phải đảm bảo điều kiện an toàn về PCCC và cứu nạn, cứu hộ.

 

 

Hiện nay, phần lớn cơ sở công nghiệp, nhà kho đều được kiểm tra các điều kiện an toàn về PCCC và đã được thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC trước khi đưa vào hoạt động. Một số tồn tại, vi phạm trong quá trình hoạt động chủ yếu là những hành vi như: sắp xếp hàng hóa, vật tư không đảm bảo an toàn PCCC; bố trí, sắp xếp hàng hóa, vật tư, phương tiện giao thông và các vật dụng khác cản trở lối thoát nạn; vi phạm quy định an toàn PCCC trong lắp đặt, quản lý, sử dụng điện…

 
 

Nhằm bảo đảm an toàn PCCC, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ gây ra trong các khu công nghiệp, lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ đã tích cực phối hợp với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp tổ chức tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ PCCC cho cán bộ, nhân viên, người lao động và lực lượng PCCC cơ sở trong các đơn vị, doanh nghiệp.

 

Bình quân mỗi năm, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ cùng công an các huyện, thành phố phối hợp với doanh nghiệp trong các khu công nghiệp tổ chức trên 400 buổi tập huấn, truyền truyền về kỹ năng PCCC cho cán bộ, nhân viên, thành viên đội PCCC của doanh nghiệp, với nhiều nội dung, hình thức phong phú.

 

Nội dung tập huấn bám sát vào những kiến thức pháp luật cơ bản về công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ; phương pháp tuyên truyền, xây dựng phong trào Toàn dân PCCC trong doanh nghiệp; biện pháp, kỹ thuật, đội hình chữa cháy; phương pháp xây dựng, thực tập phương án chữa cháy; tính năng, tác dụng và cách sử dụng trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ PCCC, cứu nạn, cứu hộ thông dụng…

Hoạt động tập huấn, diễn tập, thực hành phòng cháy, chữa cháy được thực hiện thường xuyên.
Hoạt động tập huấn, diễn tập, thực hành phòng cháy, chữa cháy được triển khai thường xuyên.

Ngoài ra, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ còn phối hợp với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp tổ chức hội thao nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; diễn tập phòng cháy quy mô khu công nghiệp…

 

Lồng ghép vào nội dung các buổi tập huấn, lực lượng Công an còn kết hợp kiểm tra, nhắc nhở các đơn vị, doanh nghiệp duy trì thường xuyên chế độ và trình tự kiểm tra PCCC trong cơ sở; rà soát và niêm yết nội quy PCCC, biển cấm lửa, cấm hút thuốc ở những nơi có nguy cơ cháy, nổ; nghiêm cấm các hành vi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt trong các nhà xưởng, kho hàng; thường xuyên kiểm tra hệ thống công nghệ, thiết bị, dây chuyền sản xuất, hệ thống điện để phát hiện kịp thời những yếu tố mất an toàn và có biện pháp khắc phục.

 

Thời gian tới, cùng với công tác kiểm tra, giám sát, Công an tỉnh tiếp tục đôn đốc, phối hợp với doanh nghiệp triển khai tốt công tác tập huấn kỹ năng về PCCC cho người lao động, lực lượng PCCC trong các khu công nghiệp. Từ đó nâng cao trình độ nghiệp vụ, tinh thần tự giác, ý thức trách nhiệm, chủ động của doanh nghiệp, người lao động trong việc ứng phó nhanh khi có cháy nổ xảy ra. Đồng thời thường xuyên tập luyện, bảo đảm phương tiện, lực lượng, thường trực chiến đấu 24/24 giờ, góp phần thực hiện công tác phòng ngừa cháy nổ, tham gia chữa cháy kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy nổ gây ra trong các khu công nghiệp.

 
 
 

Từ khóa:

phòng cháy

chữa cháy

doanh nghiệp

khu công nghiệp

diễn tập

công an thái nguyên


Xem thêm bình luận