Thương mại điện tử: Cuộc đua vào hệ sinh thái mới - (kỳ 1) Bức tranh đa sắc màu
.

Thương mại điện tử: Cuộc đua vào hệ sinh thái mới - (kỳ 1) Bức tranh đa sắc màu

TNĐT 07:00, 06/12/2024
 
 
 

Theo liên Bộ Tài chính và Công Thương, hiện Việt Nam có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử (TMĐT) nhanh nhất khu vực Đông Nam Á và thuộc nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới với mức tăng 20%.

Bên cạnh đó, hạ tầng cho TMĐT như logistics, giao hàng chặng cuối, các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt, hạ tầng viễn thông, Internet và những công nghệ mới, giải pháp mới trong TMĐT đã và đang được triển khai mạnh mẽ ở Việt Nam.

Ngày nay, TMĐT không còn là sự lựa chọn mà đã trở thành con đường sống còn của doanh nghiệp (DN).

Theo Nghị định 52/2013/NĐ-CP, hoạt động TMĐT (E-Commerce) là việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác.

Hiểu một cách đơn giản thì TMĐT là hình thức kinh doanh trực tuyến sử dụng nền tảng công nghệ thông tin với sự hỗ trợ của Internet để thực hiện các giao dịch mua bán, trao đổi, thanh toán trực tuyến.

Hệ sinh thái TMĐT là một không gian mở thực hiện mọi tương tác, kết nối yếu tố con người, yếu tố xã hội, nền tảng công nghệ thông tin với các ứng dụng, dịch vụ để cung cấp giá trị và vận hành hiệu quả các thành phần trong hệ sinh thái.

 
 

 

 
 

Thực tế, các sàn TMĐT đã trở thành “miếng bánh” của nhiều “ông lớn” chuyên kinh doanh công nghệ và TMĐT của nước ngoài. Điển hình là sự xuất hiện của Temu - Nền tảng TMĐT xuyên biên giới do PDD Holdings sáng lập, ra mắt lần đầu tại Mỹ vào năm 2022.

Dù mới xuất hiện ở Việt Nam vào cuối tháng 9 vừa qua và chưa có website chính thức đăng ký hoạt động, nhưng Temu đã và đang "làm mưa làm gió" trên thị trường với mô hình hoạt động “giá rẻ tận xưởng”, cắt giảm toàn bộ chi phí trung gian tới tay người tiêu dùng. Điều này đồng nghĩa các doanh nghiệp trong nước đang đối diện với áp lực cạnh tranh vô cùng lớn.

 
 
 

Với cây trồng chủ lực là chè, trong xu thế hiện nay, đa phần các hợp tác xã (HTX), DN sản xuất, chế biến, kinh doanh chè trên địa bàn đã quảng cáo, giới thiệu, bán sản phẩm trên nền tảng số như C-ThaiNguyên, Postmart, VnPost, Voso, Sendo, Lazada, Shopee... và các trang mạng xã hội.

 

Đơn cử như tại HTX chè Hảo Đạt (TP. Thái Nguyên), cùng với ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, HTX còn đưa tất cả sản phẩm lên website: chetancuonghaodat.vn; hoặc thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo, hay các sàn thương mại điện tử như Voso.vn, Postmart.vn để tự giới thiệu sản phẩm và tiếp cận khách hàng.

 
 

HTX chè La Bằng (Đại Từ) cũng đã được ngành chức năng của tỉnh hỗ trợ cấp tài khoản, tài nguyên lưu trữ để vận hành thử nghiệm việc quản lý đơn hàng đến từ các nguồn trực tuyến, ngoại tuyến và thông luồng vận chuyển với VnPost; triển khai và đào tạo sử dụng nền tảng quản lý bán hàng CMC Agri-Connect.

 
 

Livestream cũng đã trở thành một hình thức bán hàng hiệu quả cho các DN tại Thái Nguyên. Theo anh Nguyễn Vĩnh Tùng, Giám đốc Thương hiệu Công ty CP Thương mại đầu tư Quân đoàn mua sắm (TP. Thái Nguyên): Với mục tiêu tạo ra một môi trường mua sắm trực tuyến an toàn, tiện lợi và đa dạng, hiện chúng tôi cung cấp ra thị trường khoảng 30 dòng xe đạp thể thao với mức giá đa dạng từ 2,5 triệu đồng đến 12 triệu đồng/xe. Đơn vị xây dựng các phiên livestream liên tục vào các khung giờ trong ngày với nhiều chương trình khuyến mãi khác nhau. Điều này giúp người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận với nhiều ưu đãi độc quyền, mở rộng trải nghiệm mua sắm. 70% doanh thu của đơn vị đến từ các đơn hàng trực tuyến.

 
 

Là chủ của một chuỗi cửa hàng kinh doanh quần áo thời trang, phụ kiện trang sức có tiếng tại TP. Thái Nguyên, chị Hoàng Sông Ngân xác định bán hàng trực tuyến, nhất là qua các sàn TMÐT, đang là ưu tiên hàng đầu.

Chị Ngân chia sẻ: Từ khi dịch COVID-19 bùng phát, thay vì đến cửa hàng để mua sắm, 70% khách đặt mua trực tuyến qua website, Facebook, Shopee, Tiktok shop… Do vậy đến đầu năm 2024, tôi quyết định chuyển hẳn sang bán hàng trực tuyến, chú trọng nâng cao mẫu mã, chất lượng và đẩy mạnh giới thiệu sản phẩm bằng hình ảnh qua các nền tảng công nghệ.

 

Rõ ràng, không khó để có thể thấy những lợi ích từ kinh doanh online như: giúp DN nhanh chóng nắm bắt được thông tin của khách hàng, mở rộng tệp khách hàng, quy mô và phát triển sản phẩm; mở rộng trải nghiệm mua sắm cho người dùng; giảm chi phí xây dựng, duy trì và quản lý các cửa hàng vật lý; thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt; tiếp cận toàn cầu…

Tuy nhiên hiện nay, đa phần ngành hàng sở hữu các thương hiệu có doanh thu, sản lượng cao nhất trên các sàn TMĐT như điện thoại, mô tô, xe máy, điện gia dụng, thực phẩm & đồ uống, mẹ và bé, làm đẹp lại đa phần đến từ những thương hiệu nước ngoài như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ...

 

Sự phát triển quá nhanh, quá nóng của thị trường TMĐT bán lẻ gây ra một số bất cập: Áp lực cạnh tranh đối với sản phẩm trong nước từ các sản phẩm nhập khẩu; những thách thức trong vấn đề quản lý thuế với các giao dịch thương mại điện tử; chất lượng sản phẩm và dịch vụ chưa đồng đều, có hàng giả, hàng kém chất lượng; sự cạnh tranh thiếu công bằng giữa các công ty vốn nhiều và những sàn thương mại điện tử khởi nghiệp, vừa và nhỏ...

 
 

Để giải đáp cho vấn đề giải pháp mới, ứng dụng công nghệ và dữ liệu trong vận hành kinh doanh, mời quý độc giả đón đọc kỳ 2.

 

Từ khóa:

thương mại điện tử

chuyển sổi số

livestream

kinh doanh onlie

mạng xã hội


Xem thêm bình luận