Thương mại điện tử: Cuộc đua vào hệ sinh thái mới - (kỳ 2) Nền công nghiệp phụ trợ
.

Thương mại điện tử: Cuộc đua vào hệ sinh thái mới - (kỳ 2) Nền công nghiệp phụ trợ

Nhóm P.V 17:54, 07/12/2024
 

 

 
 

Khoảng 10 năm trở lại đây, thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam mới thực sự có bước phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng. Việc cho phép hoạt động và thúc đẩy thị trường phát triển cũng nằm trong Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 của Chính phủ.

Về phía tỉnh, Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số (CĐS) giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, cũng tạo điều kiện cho kinh tế số Thái Nguyên phát triển.

Muốn kinh doanh số phát triển, hạ tầng số cần đi trước. Thái Nguyên hiện nằm trong Top 10 tỉnh của cả nước dẫn đầu về hạ tầng số và là một trong những tỉnh sớm triển khai các nền tảng số phục vụ kinh tế số trên địa bàn.

 

Tỉnh đề ra mục tiêu đến 2025, số thuê bao băng rộng di động đạt 95 thuê bao/100 dân; tỷ lệ thuê bao sử dụng điện thoại thông minh/tổng thuê bao điện thoại di động đạt 90%; tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 94%; tốc độ băng rộng di động (tốc độ tải xuống theo i-Speed) đạt 70 Mbps. 

 

Theo sau sự phát triển của TMĐT là sự mở rộng và phát triển của ngành công nghiệp bao bì, đóng gói và các công cụ hỗ trợ. Yêu cầu đảm bảo an toàn cho hàng hóa, yêu cầu thị hiếu khách hàng, yêu cầu tiết kiệm chi phí cho nhà bán hàng… tất cả làm cho thị trường bao bì, hộp carton trở nên đa dạng về mẫu mã và chất lượng.

Hộp ship COD và hộp carton nhỏ đã, đang có những ưu thế khi được lựa chọn cao trong nhiệm vụ “vận chuyển” hàng hóa đến người tiêu dùng.

Thông thường một hộp carton cỡ nhỏ có giá bán từ 1-5 nghìn đồng, những size to sẽ có giá cao hơn từ 3-5 nghìn đồng. Tùy từng loại hàng hóa mà nhu cầu về kích thước, chất liệu, mẫu mã lại khác nhau.

Chị Vũ Thị Huyền Trang, bán hàng giày dép trên sàn TMĐT tại TP. Thái Nguyên, cho biết: Từ khi chuyển đổi sang kinh doanh online, tôi đã giảm việc sử dụng túi giấy ship hàng nội tỉnh, thay vào đó là sử dụng các hộp carton nhỏ, hoặc nhỡ, giá tốt, đảm bảo hàng hóa vẫn được đóng gói an toàn, thẩm mỹ khi đến tay người nhận.

Những doanh nghiệp (DN), đơn vị sản xuất các sản phẩm hỗ trợ đóng gói cũng dần tăng trưởng và thu hút được lượng lớn khách hàng trong và ngoài tỉnh.

Công ty TNHH Khoa Việt chuyên sản xuất và kinh doanh băng dính, màng PE, bao tải dứa, đai nhựa (trụ sở tại tổ 3, phường Quan Triều, TP. Thái Nguyên) là một ví dụ. Thị trường của đơn vị đã vươn ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Điều này cũng phản ánh phần nào sức hấp dẫn của thị trường, cũng như doanh thu tăng trưởng khá mà Công ty đạt được hàng năm.

 

 

Đối với DN bao bì lớn, bao bì phục vụ các sản phẩm trà chiếm ưu thế tại thị trường Thái Nguyên. Ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Công ty In và Thiết kế Tuấn Hoàng, chia sẻ: Tính riêng năm 2023, Công ty đã cung ứng cho thị trường khoảng 15 triệu sản phẩm bao bì các loại, tạo việc làm cho gần 100 lao động cố định và 150 lao động thời vụ. Trong đó, 70% lượng sản phẩm của Công ty sản xuất phục vụ mặt hàng chè.

 

Cùng với đó, các cửa hàng bán lẻ sản phẩm bao bì, đóng gói, công cụ hỗ trợ cũng có đất kinh doanh. Dù là tại cửa hàng hay bán online đều khá “thuận buồm xuôi gió”.

 
 

Thay vì phải nhập doanh thu, chi phí trên những file excel dài dòng, dễ nhầm lẫn, thay vì phải nhớ số lượng hàng tồn, hàng đã bán, thông tin khách hàng… những phần mềm hỗ trợ quản lý bán hàng đã ra đời và trở thành trợ thủ đắc lực.

Chỉ vài trăm đến vài triệu đồng mỗi tháng (tùy vào quy mô và các dịch vụ phát sinh), cửa hàng kinh doanh online của bạn đã có thể hoạt động dễ dàng, thuận tiện, kết nối tới các nền tảng như Facebook, Shopee, TikTok…

 

Các đơn vị cung cấp dịch vụ bán hàng đa kênh không ngừng lớn mạnh, không chỉ vì tiết kiệm chi phí quản lý mà còn bởi hỗ trợ online toàn quốc. Đơn vị sẽ cung cấp dịch vụ thông qua phần mềm, khách hàng chỉ cần cài đặt và sử dụng. Như với dịch vụ của Công ty CP Công nghệ Sapo, đang cung cấp phần mềm bán hàng đa kênh cho hơn 500 khách hàng tại Thái Nguyên.

Theo đó, khách hàng có thể sử dụng phần mềm để thống kê lượng đơn hàng, hoạch toán chi phí kinh doanh tại cửa hàng, các nền tảng TMĐT, mạng xã hội… Đặc biệt là lưu trữ thông tin khách hàng để tạo đơn vận chuyển và theo dõi, cập nhật xu hướng mua hàng của khách.

 

Các nhà bán hàng trên nền tảng mạng xã hội và sàn TMĐT có thể tin tưởng vào dịch vụ ship COD và chuyển phát hàng do các đơn vị trung gian đảm nhiệm, từ đó giảm bớt mối lo về việc đóng gói và vận chuyển hàng hóa.

Các đơn vị vận chuyển tại Thái Nguyên cũng hoạt động sôi nổi nhờ sự phát triển của TMĐT, có thể kể đến một số cái tên quen thuộc như Bưu điện, Giao hàng tiết kiệm, Giao hàng nhanh, J&T Express, Shopee Express…

Khách hàng chỉ cần thông qua các ứng dụng trên thiết bị di động hoặc máy tính, tạo đơn hàng một cách nhanh chóng, có bưu tá qua lấy tận nhà với thời gian linh hoạt trong ngày.

 

Cùng với đó, thị trường TMĐT tại Việt Nam cũng đã hình thành các hệ thống cung ứng dịch vụ thứ cấp cho thị trường bao gồm: dịch vụ nền tảng công nghệ hỗ trợ giao dịch TMĐT, các dịch vụ marketing, truyền thông tiếp thị trực tuyến…

Sự kết nối và chia sẻ của các hệ thống cung ứng dịch vụ này ngày càng giúp tối ưu quy trình liên kết giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng.

 

Cùng với sự phát triển mạnh của các nền tảng TMĐT là sự ra đời của những “nghề mới” hỗ trợ cho hoạt động bán hàng. Ra đời muộn, nhưng những công việc mới lại yêu cầu cao về kỹ năng, sự sáng tạo hơn là bằng cấp.

Không ai còn xa lạ với các tiktoker, và một nghề được coi là hot trend hiện nay, nghề livestream bán hàng. Mỗi phiên livestream có thể do một hay nhiều người cùng thực hiện. Bằng những ngôn từ thu hút kèm “deal khủng”, khách hàng sẽ ngay lập tức ấn vào nút “mua hàng”, vậy là người bán đã thành công một phần.

 

Những công việc tưởng chừng như không có thu nhập, chỉ là một hình thức tham gia vào mạng xã hội của những nhân lực nhàn rỗi hay "mẹ bỉm" ở nhà chăm con thì nay cũng trở thành một nghề. Ví như hình thức tiếp thị liên kết trên TikTok (Affiliate TikTok), cho phép nhà sáng tạo nội dung (KOC, KOL, Influencers) kiếm tiền từ việc giới thiệu sản phẩm/dịch vụ trên trang TikTok cá nhân.

 

Sự ra đời và thích nghi của ngành công nghiệp phụ trợ đã và đang kịp thời đáp ứng, trở thành mắt xích quan trọng trong sự phát triển của TMĐT tỉnh Thái Nguyên. Mục đích là hướng đến cung cấp dịch vụ tốt nhất, chất lượng cao nhất, chi phí thấp nhất cho người tiêu dùng.

Vậy, người tiêu dùng đang nắm vị thế như thế nào trong hệ sinh thái TMĐT? Mời quý độc giả đón đọc kỳ 3: Tiêu dùng thông minh trong kỷ nguyên số.

 

Từ khóa:

thương mại điện tử

công nghiệp phụ trợ

hạ tầng số


Xem thêm bình luận