Thương mại điện tử: Cuộc đua vào hệ sinh thái mới - (Kỳ 3) Tiêu dùng thông minh trong kỷ nguyên số
.

Thương mại điện tử: Cuộc đua vào hệ sinh thái mới - (Kỳ 3) Tiêu dùng thông minh trong kỷ nguyên số

TNĐT 18:00, 08/12/2024
 

Hiện Việt Nam có khoảng 160 sàn thương mại điện tử. Với sự phát triển mạnh mẽ, thương mại điện tử đã và đang trở thành kênh phân phối chủ lực, mang lại nhiều tiện ích cho người tiêu dùng và là một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế số.

Để hạn chế nạn sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ,… bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan quản lý thì chính “người tiêu dùng thông thái” là mắt xích quan trọng trong “cuộc chiến” làm lành mạnh thị trường. 

 
 

Chỉ với vài thao tác đơn giản trên chiếc smartphone, chị Cao Hồng Anh đã hoàn thành việc lựa chọn, đặt hàng và thanh toán mua chiếc xe đạp trẻ em cho các con với giá 1,5 triệu đồng. Chỉ ngày hôm sau đã có shipper giao hàng đến địa chỉ nhà riêng.

Chị Hồng Anh chia sẻ: Công việc thường ngày bận rộn nên thay vì đi chợ truyền thống, tôi chọn đi chợ online. Dù ngồi ở công ty làm việc vẫn có thể tranh thủ giờ giải lao để mua sắm tất cả các loại hàng hóa, sản phẩm từ bình dân đến cao cấp...

 
 

Mua hàng online đã trở thành xu hướng. Người tiêu dùng cũng dần hình thành các thói quen, kỹ năng đi chợ online: Sử dụng các ứng dụng hay trang web mua sắm trực tuyến cung cấp hàng hóa đa dạng, giá cả hợp lý như Shopee, Tiki, Lazada, Sendo…

Những công cụ tìm kiếm như Google, Bing… và các kênh thông tin đa phương tiện gần như đã trở thành một nguồn tham khảo không thể thiếu đối với người tiêu dùng (NTD) trước khi quyết định mua một sản phẩm hay dịch vụ nào đó.

 

Công nghệ số đã tạo điều kiện cho việc tiếp cận nhiều nguồn thông tin, tìm kiếm những sản phẩm dịch vụ phù hợp, giúp NTD có thể đặt yêu cầu, đòi hỏi đáp ứng mang tính cá nhân cao.

 

Ông Phạm Văn Quang, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Thái Nguyên, cho rằng: Việc so sánh, đánh giá giá trị của sản phẩm, dịch vụ được thực hiện với nhiều nguồn thông tin một cách nhanh chóng, đa dạng và khách quan không chỉ làm thay đổi trải nghiệm mua sắm của khách hàng, mà còn tác động lớn đến uy tín của doanh nghiệp.

Lí giải cho việc người dân ngày càng chi tiêu nhiều hơn cho việc mua hàng trực tuyến là do sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ AI đã giúp cho DN thu thập, phân tích được nguồn thông tin khổng lồ về sở thích, hành vi, nhu cầu, mong muốn mua sắm hàng hóa của các đối tượng khách hàng khác nhau. Từ đó tung ra các chiến lược truyền thông, sản phẩm hấp dẫn nhằm tiếp cận, thu hút và giữ chân khách hàng hiệu quả hơn.

 

Bên cạnh đó, dưới tác động của đại dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu, nhiều người có xu hướng thắt chặt chi tiêu so với trước, thường chú ý đến các sự kiện khuyến mãi, ưu tiên mua hàng giảm giá để tiết kiệm chi phí.

Ngoài ra, họ cũng dần quen với các phương thức thanh toán trực tuyến như ví điện tử, thẻ tín dụng, thẻ ATM để được hưởng các ưu đãi từ nhà thanh toán và sưu tập các mã giảm giá, tích điểm…

 
 

Nhanh chóng, thuận tiện, dễ dàng là thế nhưng vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao để kiểm soát được chất lượng các mặt hàng trên môi trường TMĐT, bảo vệ quyền lợi NTD?

 
 

Con số này còn rất khiêm tốn so với số lượng hàng hóa được bày bán trên các sàn TMĐT chưa được kiểm duyệt kỹ càng như hiện nay. Chia sẻ về vấn đề này, chị Nguyễn Thị Tuyến bức xúc: Có lần tôi đặt mua kệ sách nhưng khi nhận hàng lại chỉ là chiếc kệ nhỏ xíu như đồ chơi. Không được sờ tận tay mặt hàng mình muốn mua là bất lợi lớn nhất khi mua hàng qua mạng.

 

Trên thực tế, việc kiểm soát, định danh tài khoản người bán chưa thật sự chặt chẽ, thường xuyên, liên tục của các sàn TMĐT cũng là kẽ hở để các đối tượng lợi dụng đưa hàng hóa vi phạm bày bán công khai trên các sàn này.

Nhiều đối tượng có hàng chục tài khoản mạng xã hội để có thể thay đổi liên tục khi bị phát hiện hay sản xuất, kinh doanh hàng giả ngay tại nơi ở, không có địa chỉ cụ thể để trốn tránh kiểm tra của cơ quan chức năng.

 
 

Để nâng cao kỹ năng số cho người tiêu dùng, đặc biệt là hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10-10, từ năm 2022, tháng 10 được chọn là “Tháng tiêu dùng số”.

Đây là một trong những sáng kiến nhằm khuyến khích, thúc đẩy người dân sử dụng kênh số, tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ số nhiều hơn, từ đó hưởng thụ lợi ích trực tiếp do chuyển đổi số mang lại. Đồng thời phổ cập các kỹ năng số cơ bản cho người dân như: Sử dụng dịch vụ công trực tuyến, mua sắm trực tuyến, thanh toán trực tuyến, kỹ năng tự bảo vệ mình trước những nguy cơ, rủi ro trực tuyến…

 

Đối với Thái Nguyên, việc mở rộng tiêu thụ sản phẩm tiêu biểu, chủ lực, đặc trưng vùng trên các sàn TMĐT, sử dụng kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream) đang được các cơ sở kinh doanh áp dụng và đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Công nghệ số đã đưa các sản phẩm đến với người tiêu dùng một cách nhanh hơn nên doanh số bán hàng của các đơn vị tăng từ 20% - 50%, đặc biệt có sản phẩm tăng doanh số từ 70 - 100%.

 

Cùng với đó, thời gian qua, tỉnh tổ chức nhiều sự kiện bán hàng trực tiếp kết hợp trực tuyến để đưa sản phẩm của các HTX, DN, đơn vị sản xuất đến tận tay người tiêu dùng. Có thể kể đến như: Chợ phiên OCOP Thái Nguyên, Chương trình Livestream xúc tiến thương mại và kết nối cung cầu sản phẩm na La Hiên, Gà đồi Phú Bình và nông sản Thái Nguyên, với sự tham gia của các tiktoker nổi tiếng và các kênh như: Toàn Tít, Yến Canvas, Ẩm thực mẹ làm, Tớ thích nông sản, Kiều Chinh trà, Ăn cùng Bà Tuyết, Hồng sinh viên, Thịnh Tea…

Ông Nguyễn Khánh Toàn, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Sở Công Thương, cho biết đơn vị sẽ tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động livestream xúc tiến thương mại và kết nối cung cầu sản phẩm; đồng thời tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn các DN, HTX, hộ kinh doanh đẩy mạnh kinh doanh trên các sàn TMĐT, bán hàng online.

 

Tuy nhiên, để xử lý tận gốc vấn đề này, cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, mỗi người dân hãy là NTD thông thái, không tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái và chủ động phản ánh, tố giác tới các cơ quan chức năng khi phát hiện dấu hiệu vi phạm. Điều đó không chỉ bảo vệ quyền lợi của chính NTD mà còn góp phần làm lành mạnh thị trường hàng hóa, bảo vệ nền sản xuất trong nước.

Thực tế công tác quản lý kinh doanh thương mại điện tử cũng đặt ra không ít thách thức, nhằm hướng đến một môi trường kinh doanh lành mạnh, an toàn, thuận lợi cho phát triển. Kỳ 4, cũng là kỳ cuối của loạt bài sẽ đề cập về vấn đề này.

 

Từ khóa:

thương mại điện tử

kỷ nguyên số

hệ sinh thái mới

chợ điện tử

tiêu dùng thông thái

tiêu dùng thông minh


Xem thêm bình luận