Thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử (TMĐT) quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh, Thái Nguyên đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch về phát triển TMĐT, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, địa phương.
Từ đó, TMĐT được quan tâm, phát triển và quản lý chặt chẽ. Từ việc còn khá xa lạ với người tiêu dùng, giờ đây TMĐT liên tục ghi nhận tăng trưởng vượt bậc.
Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của TMĐT đã đặt ra nhiều vấn đề đối với công tác quản lý nhà nước nói chung, trong đó có công tác quản lý thuế hoạt động kinh doanh TMĐT nói riêng. Nhiều chiêu thức mới ra đời đặt ra thách thức “mềm” cho hoạt động quản lý.
Ngoài ra, TMĐT cũng là mảnh đất màu mỡ cho đối tượng lợi dụng để kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, lợi dụng TMĐT để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tuyên truyền và phổ biến các sản phẩm cấm, có cả những sản phẩm xâm phạm đến chủ quyền, an ninh quốc gia...
Cục QLTT tỉnh đã tăng cường thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số.
Mặc dù đã tăng cường quản lý nhưng trên thực tế việc kiểm soát hoạt động kinh doanh trên nền tảng TMĐT của các lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn, bởi các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi, khó lường cả về quy mô lẫn địa bàn hoạt động. Việc đăng ký, mở tài khoản bán hàng trên các ứng dụng và các trang TMĐT khá đơn giản.
Đối tượng bán hàng trên mạng đa phần không có cửa hàng cụ thể; hàng hóa lấy ở nhiều nơi khác nhau, sau đó sử dụng các đơn vị vận chuyển, chuyển phát, thu tiền hộ; bao bì đơn hàng hầu như không thể hiện địa chỉ của người bán khiến lực lượng chức năng mất rất nhiều thời gian theo dõi, xác định chứng cứ, đấu tranh xử lý...
Chị Nguyễn Thị Ngọc là một cá nhân kinh doanh thiết bị định vị GPS tại TDP Chiến Thắng, phường Đồng Tiến (TP. Phổ Yên), từ năm 2022 đến nay. Được sự hướng dẫn đầy đủ của cán bộ Chi cục Thuế khu vực Phổ Yên – Phú Bình, chị Ngọc đã nộp đúng, nộp đủ số thuế trên doanh thu trung bình 50 triệu đồng mỗi tháng.
Chị Ngọc cho biết, mỗi thiết bị GPS có giá từ 650 nghìn đến 1 triệu đồng. Ngoài bán hàng trực tiếp, chị còn đang kinh doanh trên các nền tảng Shopee, TikTok, Lazada, Facebook…
Thời gian qua, Chi cục Thuế khu vực Phổ Yên – Phú Bình luôn bám sát nhiệm vụ quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT trên địa bàn. Mặc dù nhiều đơn vị, cá nhân đã chấp hành tốt trong việc rà soát, nộp thuế TMĐT nhưng vẫn còn những cá nhân, đơn vị chưa tự giác chấp hành.
Chi cục Thuế khu vực Phổ Yên – Phú Bình luôn bám sát nhiệm vụ quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn. |
Theo ông Dương Ngọc Tới, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực Phổ Yên – Phú Bình: Ngoài việc tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ các hộ, cá nhân kinh doanh TMĐT hiểu rõ, hiểu đúng và tuân thủ pháp luật về thuế, thời gian qua Chi cục làm tốt công tác thu thuế, triển khai các biện pháp hướng tới chống thất thu thuế thông qua quy trình quản lý chặt chẽ, các văn bản chỉ đạo kịp thời, hiệu quả.
Thực hiện chỉ đạo của ngành Thuế, Chi cục Thuế TP. Thái Nguyên đã tăng cường tuyên truyền, rà soát, thanh tra, kiểm tra đối với các cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số, thu được những kết quả tích cực. Kết quả này đã phần nào minh chứng cho hiệu quả quản lý thuế tại TP. Thái Nguyên nói riêng, trên địa bàn tỉnh nói chung.
Phát biểu tại Phiên giải trình trực tiếp vừa qua tại Kỳ họp thứ XIX, HĐND tỉnh khóa XIV với nội dung: Đánh giá việc quản lý thuế trong lĩnh vực TMĐT, ông Đỗ Trọng Nghĩa, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, cho biết: Mặc dù đã có những quy định cung cấp thông tin đầy đủ, nhưng trên thực tế, các chủ sàn TMĐT cũng như các cá nhân, đơn vị kinh doanh chưa cung cấp đầy đủ thông tin với cơ quan thuế theo đúng quy định. Mặt khác, việc kinh doanh trên nền tảng số khác với phương thức kinh doanh truyền thống (kinh doanh không có địa điểm cố định) dẫn tới khó khăn cho công tác quản lý thuế như quản lý được đầy đủ đối tượng, xác định được chính xác doanh thu của các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử thời gian qua.
Cục Thuế tỉnh Thái Nguyên đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh triển khai các giải pháp nhằm phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, địa phương, nhất là trong việc triển khai ứng dụng chuyển đổi số phục vụ công tác quản lý thuế, chia sẻ thông tin dữ liệu.
Đồng thời, Cục Thuế tỉnh nghiên cứu xây dựng và đưa vào triển khai giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế từ năm 2023, đem lại nhiều kết quả tích cực.
Trước các thách thức đặt ra trong quản lý và “chắp cánh” cho TMĐT phát triển, các cơ quan quản lý nhà nước đang chú trọng vào những giải pháp lâu dài, bền vững. Đặc biệt là làm thế nào để phát triển việc tiêu thụ các sản phẩm thế mạnh của địa phương qua TMĐT.
Ngoài các vấn đề về quản lý, người kinh doanh trên các nền tảng TMĐT cũng cần nhận thức rõ trách nhiệm trong việc kinh doanh các mặt hàng đảm bảo chất lượng, an toàn với người tiêu dùng; chủ động áp dụng các giải pháp logistics xanh, đầu tư công nghệ, tối ưu hóa hoạt động và sử dụng phương thức đóng gói thân thiện với môi trường.
Cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, mỗi người hãy là người tiêu dùng thông thái, chọn lựa các nhà bán hàng uy tín, chủ động phản ánh, tố giác tới các cơ quan chức năng khi phát hiện dấu hiệu vi phạm trực tuyến. Điều đó không chỉ bảo vệ quyền lợi của chính người tiêu dùng mà còn góp phần làm lành mạnh thị trường hàng hóa, bảo vệ nền sản xuất trong nước.
Thái Nguyên với những lợi thế sẵn có, những sản phẩm thế mạnh, còn cần từng bước chinh phục những "mảnh đất màu mỡ" mới - thương mại điện tử xuyên biên giới; làm chủ những công nghệ mới, “sản phẩm từ trí tuệ nhân tạo”, để đạt những bước tiến đột phá trong phát triển thương mại điện tử, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm tiếp theo.